Theo quy định, mỗi thí sinh có 3 cơ hội điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trong thời gian từ 29/8 – 5/9. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nếu không thuộc một số trường hợp cụ thể, thí sinh không nhất thiết phải điều chỉnh nguyện vọng.
Năm 2020, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có trên 42% số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy còn gần 60% thí sinh không điều chỉnh nguyện vọng.
Theo TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc điều chỉnh nguyện vọng như thế nào là một vấn đề khó và thí sinh nào cũng phải xem xét cân nhắc nguyện vọng.
Những thí sinh đạt điểm thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái ở ngành muốn xét tuyển từ 0,5 điểm trở lên; những thí sinh đạt điểm cao muốn đăng kí lại vào ngành yêu thích hơn; những thí sinh dưới điểm sàn của trường này buộc phải đổi sang cùng nhóm ngành yêu thích của trường khác có điểm sàn phù hợp....nhìn chung, theo TS. Nguyễn Thanh Bình đây là 3 đối tượng thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển để đạt được mong muốn.
Có thể nói, những thí sinh có điểm cao hơn điểm chuẩn năm ngoái thì cân nhắc hơn một chút còn những thí sinh bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái thì có phương án dự phòng.
PGS. Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bổ sung thêm những thí sinh đăng ký quá ít nguyện vọng phải điều chỉnh lên 10-15 nguyện vọng. Theo phân tích của PGS. Đỗ Văn Dũng, năm nay do có nhiều phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu các trường dành cho xét kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm, vì vậy điểm chuẩn khó lường hơn.
Nếu thí sinh đăng ký ít nguyện vọng (theo PGS. Dũng, ít ở đây là dưới 10 nguyện vọng) sẽ giảm cơ hội trúng tuyển đại học. Nhất là đối với những thí sinh chưa trúng tuyển phương thức xét tuyển nào, xét điểm thi là cơ hội duy nhất. Thí sinh đăng ký trước đó không đúng ngành yêu thích, không hiểu ngành, chọn đại mà chưa tìm hiểu kỹ về ngành, nghề đó như thế nào.
PGS. Đỗ Văn Dũng cũng lưu ý thí sinh nguyên tắc điều chỉnh nguyện vọng nên theo thứ tự mức độ yêu thích. Ngành nào yêu thích nhất để nguyện vọng cao nhất rồi sau đó những ngành tiếp theo thứ tự giảm dần độ yêu thích của mình.
Từ nguyện vọng 2 trở đi là những ngành thí sinh yêu thích và có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi mà thí sinh đạt được. Cuối cùng vẫn nên để 2-3 nguyện vọng vào ngành yêu thích và muốn học có điểm chuẩn các năm thấp hơn điểm thi của thí sinh để chắc chắn trúng tuyển ĐH.
Theo Tiền phong
https://tienphong.vn/nhung-truong-hop-nao-khong-nen-dieu-chinh-nguyen-vong-post1371441.tpo