Friday, 22/11/2024

Những điều cần biết về stablecoin thuật toán, loại tiền ảo đang gây sóng gió

21:10 29/06/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong thế giới tiền ảo vẫn còn là điều bí ẩn đối với nhiều người, đang nổi lên một loại tiền ảo có tên “stablecoin thuật toán”. Những ngày gần đây, stablecoin thuật đoán đang khiến cả giới đầu tư và cơ quan chức năng lo ngại...

Tuần vừa rồi, một đồng stablecoin thuật toán đã bất ngờ sập giá, khiến hàng tỷ USD vốn hoá bị cuốn phăng chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi. Đó là TerraUSD - đồng tiền ảo được thiết kế để duy trì vĩnh viễn giá trị ở mức 1 TerraUSD tương đương 1 USD. Ở thời điểm hơn 17h ngày 16/5, giá trị 1 TerraUSD chỉ còn hơn 0,13 USD. Trong vòng 1 tuần, đồng stablecoin thuật toán này đã “bốc hơi” gần 87% giá trị - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.

Theo trang CNN Business, đối với các nhà phê bình nhằm vào sản phẩm tiền ảo gây tranh cãi này, đây là khoảnh khắc “hoàng đế cởi truồng”, và bi quan hơn là khoảnh khắc Lehman Brothers – so sánh với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

 STABLECOIN LÀ GÌ?

Những tiền ảo như Bitcoin và Ether có mức độ biến động giá rất lớn, khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an khi nắm giữ. Stablecoin, theo như sự phản ánh của tên gọi (‘stable’ là một từ tiếng Anh có nghĩa là ‘ổn định’), được thiết kế để giữ giá trị ổn định.

Hầu hết các stablecoin được neo buộc chặt chẽ vào một tiền giấy truyền thống, chẳng hạn như đồng USD, hay một hàng hoá cơ bản như vàng. Nhà đầu tư mua stablecoin để giữ tiền và thực thi các giao dịch trong hạ tầng tiền ảo. Ngoài ra, stablecoin cũng được sử dụng cho các dạng giao dịch tài chính khác như vay mượn hoặc thanh toán xuyên biên giới mà không phải trả qua các thủ tục phức tạp ở một ngân hàng truyền thống.

Sự ổn định về mặt lý thuyết của stablecoin đã biến những đồng tiền ảo loại ban đầu rất mờ nhạt này trở thành nền tảng của hệ sinh thái tiền ảo. Tổng giá trị vốn hoá thị trường của các stablecoin đã tăng lên mức 180 tỷ USD vào thời điểm tháng 3 năm này – theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, không phải stablecoin nào cũng ổn định.

Một số stablecoin có neo buộc 1-1 với tài sản thực, như trái phiếu kho bạc Mỹ. Một số được neo buộc với các trái phiếu khác, với mức độ biến động giá không hề nhỏ. Tuy nhiên, stablecoin thuật toán mới là loại gây ra cơn hoảng loạn hiện nay trên thị trường tiền ảo.

Đều gọi là stablecoin, nhưng stablecoin thuật toán thực ra hoàn toàn khác.

STABLECOIN THUẬT TOÁN LÀ GÌ?

Như đã nói ở trên, hầu hết các stablecoin đều được bảo đảm bằng tài sản thực như đồng USD, vàng hoặc trái phiếu. Nhưng stablecoin thuật toán lại không nhất thiết phải đảm bảo bằng một tài sản thực nào, mà thay vào đó dựa vào cấu trúc tài chính phức tạp để giữ giá ổn định. Và khi giảm, stablecoin thuật toán thường giảm rất mạnh, mà theo ngôn ngữ của dân tiền ảo là rơi vào một “vòng xoáy chết chóc”.

Stablecoin thuật toán “chẳng qua là một cách nói rằng: ‘Chúng ta gọi đồng tiền ảo này đáng giá 1 USD vì nó được bảo đảm bằng một tài sản khác mà chúng ta cũng tạo ra từ không khí’”, CEO Charles Cascarilla của Paxos - một công ty hạ tầng tiền ảo – phát biểu.

Trong trường hợp của TerraUSD, tài sản được “tạo ra từ không khí” để giữ vai trò đảm bảo là tiền ảo Luna.

Ảnh minh họa

Về lý tuyết, nhà đầu tư có thể đổi 1 đồng TerraUSSD lấy số Luna có trị giá 1 USD, nhưng giá trị của đồng Luna là không cố định.

Các nhà giao dịch sử dụng phương pháp chênh lệch giá (arbitrage) có thể kiếm lời nhanh bằng cách khai thác sự biến động giá của một trong hai đồng tiền ảo này, qua đó khuyến khích giá trị của TerraUSD duy trì ở mức 1 TerraUSD tương đương 1 USD. Chẳng hạn, khi TerraUSD giảm giá dưới 1 USD, các nhà giao dịch chênh lệch giá sẽ nhảy vào mua TerraUSD để đổi lấy số Luna có trị giá 1 USD.

Sự ràng buộc này tạo ra một hệ sinh thái mà ở đó các nhà giao dịch trao đổi giữa Luna và TerraUSSD để giữ giá trị của TerraUSD ở mức 1 TerraUSD đổi 1 USD.

Vấn đề nằm ở chỗ toàn bộ hệ sinh thái trên dựa vào những nhà giao dịch tin là Luna có giá trị. Một khi nhà đầu tư mất đi niềm tin đó, mọi sự đặt cược cũng biến mất theo.

“Vào bất kỳ một buổi sáng nào, mọi người cũng đều có thể bừng tỉnh và nói: ‘hượm đã, các ông chỉ bịa ra tất cả. Thứ này hoàn toàn chẳng có giá trị gì’, và họ quyết định bán đổ bán tháo Luna và Terra”, nhà báo bình luật Matt Levine của Bloomberg nhận định.

Và điều này có vẻ đã xảy ra trong tuần vừa rồi, khi nhà đầu tư bắt đầu rút tiền khỏi cả Terra lẫn Luna.

“Đây chính xác là ‘vòng xoáy chết chóc’ mà nhiều người đã dự báo”, chuyên gia Henry Elder của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Wave Financial nhận định.

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA TIẾP THEO?

Những người ủng hộ stablecoin cho rằng giờ không phải là lúc bán đổ bán tháo, nhấn mạnh việc những đồng stablecoin có đảm bảo bằng tiềng giấy như Tether và USDCoin vẫn vững giá trong lúc TerraUSD “rơi tự do”.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Năm vừa rồi, sức ép gia tăng đã khiến Tether - đồng stablecoin lớn nhất thế giới, với giá trị vốn hoá thị trường đạt 80 tỷ USD – chao đảo. Có lúc, giá Tether tụt về 0,96 USD. Chiều ngày 16/5 theo giờ Việt Nam, giá Tether hồi về mức 0,999 USD – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com. Trong khi đó, đồng stablecoin lớn thứ nhì là USDCoin vẫn giữ vững ở mức 1 USD.

Diễn biến giá tiền ảo TerraUSD trong vòng 1 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/TerraUSD.

Hôm thứ Năm, Giám đốc kỹ thuật của Tether đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư, đăng một dòng tweet nói rằng công ty mẹ của Tether vẫn giữ vững cam kết 1 Tether đổi 1 USD, không hề suy suyển.

Trong một dòng tweet vào hôm thứ Tư, CEO Do Kwon của Terraform Labs nói rằng nỗ lực phục hồi đang được tiến hành và kêu gọi nhà đầu tư “giữ vững tinh thần”. Tuy nhiên, đến ngày thứ Năm, nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng những người ủng hộ TerraUSD dường như không tập hợp được sự ủng hộ của nhà đầu tư đối với kế hoạch phục hồi.

NỖI LO CỦA NHÀ ĐẦU TƯ VÀ CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Bitcoin, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, cũng “vạ lây” bởi cú sốc tâm lý mà TerraUSD gây ra trên thị trường tiền số. Tuần trước, có lúc giá Bitcoin rớt về ngưỡng 26.000 USD. Chiều ngày 16/5, giá Bitcoin dao động xấp xỉ mốc 30.000 USD, theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com. Trong vòng 7 ngày, giá Bitcoin đã giảm gần 9%.

Hiện tại, tiền ảo vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong hệ thống tài chính nói chung. Tuy nhiên, những nhân vật quyền lực như Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hết sức chú ý đến lĩnh vực này, lo ngại rằng những biến động trên thị trường tiền số có thể gây ra những cú sốc nguy hiểm và khó lường cho tất cả các nhà đầu tư trên thị trường tài chính nói chung.

Trong một cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tuần trước, bà Yellen đã đề cập đến sự sụt giảm của TerraUSD, nói rằng diễn biến này “phản ánh đây là một sản phẩm tài chính đang lớn lên nhanh chóng và đặt ra những rủi ro đối với ổn định tài chính”.

Cũng trong tuần trước, bà Yellen cảnh báo các đồng stablecoin vẫn dễ rơi vào những đợt bán tháo vì một số được đảm bảo bằng những tài sản có thể mất giá mạnh hoặc mất thanh khoản mỗi khi xuất hiện căng thẳng.

Những người tin vào tiền ảo có khuynh hướng cho rằng những cú sập giá như TerraUSD đang trải qua là một sự mất mát không may nhưng rốt cục sẽ giúp củng cố uy tín cho công nghệ chuỗi khối (blockchain) – công nghệ hậu thuẫn tiền ảo. “Tôi thực sự cho rằng quy trình sàng lọc những ý tưởng tốt và những ý tưởng chưa tốt sẽ giúp cho hệ sinh thái trở nên mạnh hơn”, chuyên gia Cascarilla của Paxos nhận định.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-stablecoin-thuat-toan-loai-tien-ao-dang-gay-song-gio.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke