Wednesday, 29/01/2025

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

11:35 18/09/2023

Kinh Tế Số Việt Nam Online Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã triển khai mô hình trồng dược liệu quý dưới tán rừng đạt hiệu quả cao, đặc biệt tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài dược liệu, mỗi loài được phân bố và tập trung ở những khu vực và trạng thái rừng khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu để có giải pháp vừa đảm bảo khai thác sử dụng có hiệu quả vừa bảo tồn được nguồn gen rất cần thiết. Đơn cử khu vực huyện Bắc Bình và Tuy Phong có sự phân bố của các loài như cốt toái bổ, ba kích, sâm bố chính, xáo tam phân, mật nhân, bụt giấm.

Ngoài ra, dưới cánh rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có sự phân bố của nhiều loài nấm linh chi; Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông tại huyện Tánh Linh có củ mài gừng, cốt toái bổ, thổ phục linh, lan kim tuyến; khu vực huyện Đức Linh có trà hoa vàng quý hiếm… Với các loài dược liệu đa dạng đó, tiềm năng phát triển và nhân rộng rất lớn, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội nếu có sự nghiên cứu, đầu tư kịp thời.

Nhân rộng mô hình trồng, phát triển 2 loài cây dược liệu Ba kích và Sa nhân tím tại các khu rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: TTXVN.

Năm 2022, Sở NN&PTNT giao Chi cục Kiểm lâm phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với phát triển, bảo vệ rừng, với tổng kinh phí thực hiện 650 triệu đồng từ vốn sự nghiệp lâm nghiệp.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và diện tích đất có rừng tương đối lớn, tỷ lệ che phủ rừng là 42,96%, tỉnh Điện Biên có tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng, trên đất trống) và các loại cây dược liệu đặc hữu như: Cẩu tích, sa nhân, thảo quả, đẳng sâm... theo hướng tập trung gắn với chế biến. Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, từ các nguồn vốn ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ đồng bào các DTTS trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Cây Ba kích tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: TTXVN.

Điển hình trên địa bàn xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) đã phát triển mô hình trồng cây thảo quả với diện tích hơn 80ha và đã cho thu hoạch, thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/ha. Cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân cũng là một trong các loài cây sinh trưởng phát triển tốt, cho sản lượng thu hoạch cao đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân xã Tỏa Tình.

Trên địa bàn xã đến nay đã có gần 150ha cây sơn tra, cho sản lượng khoảng 900 tấn quả tươi. Quả sơn tra đã được Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tây Bắc chế biến thành các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Cũng trên địa bàn huyện Tuần Giáo, hiện nay một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đã trồng khoảng 60.550 cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu từ 1 - 5 năm tuổi, với tổng diện tích trên 2ha. Cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu sinh trưởng, phát triển tốt đã khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực.

Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương có trên 641 nghìn ha đất có rừng, trong đó 393 nghìn ha rừng tự nhiên với 529 loài dược liệu bản địa. Trong 5 năm qua, khu vực miền núi Thanh Hóa đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó tập trung vào các loại dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như Lan Kim tuyến, Ba kích, Sa nhân, Bảy lá một hoa, Khôi tía…vv.

Nhìn chung các loại dược liệu dưới tán rừng đều sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng tương đương với sản phẩm thu hái từ tự nhiên. Tuy vậy có một thực tế là phần lớn các mô hình đang thử nghiệm quy mô nhỏ, phân tán. Trong thời gian tới, ngành NN&PTNT tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác giữ vững và phát triển diện tích rừng hiện có, nghiên cứu và nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã thành công, tạo sinh kế cho người dân. Ngoài ra sẽ kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư theo chuỗi để gắn trồng, sản xuất và chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị các loại dược liệu trồng tự nhiên.

Theo Sức khỏe và Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/nhieu-dia-phuong-thanh-cong-voi-mo-hinh-trong-duoc-lieu-duoi-tan-rung-169230918102403288.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke