Saturday, 23/11/2024

Nhiều đại gia Việt dồn lực cho trận đánh lớn M&A

10:29 08/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Không đứng ngoài cuộc chơi, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh tích lũy nguồn lực, chuẩn bị cho chiến lược M&A để củng cố vị thế, thúc đẩy tăng trưởng…

Masan tự tin vào  bước đi chiến lược mua lại VinCommerce và nắm trong tay hệ thống bán lẻ lớn nhất thị trường nội địa. Ảnh: Đức Thanh

Tích lũy nguồn lực, tạo “quả đấm thép”

Chưa từng chi trả cổ tức dưới 16%/năm trong hơn một thập kỷ qua, phương án không chia cổ tức năm 2020 là một quyết định khá bất ngờ của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE Corp).

“Mong các cổ đông rất thông cảm với kế hoạch này, nhưng dự kiến năm nay và cả năm sau, Công ty sẽ giữ lại lợi nhuận để đầu tư. Chúng ta phải giữ lại tiền mặt”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE Corp nhấn mạnh.

Theo bà Mai Thanh, thời điểm 1 - 2 năm tới rất thích hợp và có lợi để mua lại các dự án điện nước hoặc bất động sản. Trong khi đó, ngân hàng không mặn mà với việc cho vay mua cổ phiếu, nên việc giữ lại tiền mặt lại càng cần thiết.

Kế hoạch năm 2021 của REE Corp là mở rộng đầu tư, thâu tóm, phát triển chiều rộng và chiều sâu trong cả 3 lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản và hạ tầng điện nước. Quyết định giữ vốn này giúp lợi nhuận năm 2020 sau khi phân phối vẫn còn tới 1.628 tỷ đồng. Để có thêm nguồn lực, lãnh đạo REE Corp thậm chí còn nhắc đến phương án huy động qua phát hành cổ phiếu tại các công ty thành viên trong mô hình holding vừa thành lập trong đợt tái cấu trúc năm 2020.

Cơ hội đầu tư thông qua M&A các dự án/doanh nghiệp cũng là điều mà ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang đề cập.

Đang có sẵn một lượng tiền khá lớn (hơn 1.800 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn), các dự án tương lai gần đều thu xếp được nguồn tiền, song Hóa chất Đức Giang vẫn quyết định trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Lý do bởi Công ty vẫn cần dồn tiền cho những “quả đấm thép” chiến lược.

Một “ông lớn” khác là Nam Long Group cũng tích lũy thêm tổng cộng gần 700 tỷ đồng sau các giao dịch bán hơn 21 triệu cổ phiếu quỹ thực hiện trong tháng 2 - 3/2021. Cùng với hơn 1.100 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng, Nam Long Group sẽ sử dụng nguồn lực lớn này để bổ sung vốn lưu động và mở rộng quỹ đất. Cuối năm 2020, Nam Long Group từng tiết lộ đã thương lượng xong các điều khoản thương mại để mua 2 khu đất ở khu Đông TP.HCM.

Trong bối cảnh khan hiếm quỹ đất hiện nay, M&A là một trong những cách thức mở rộng quỹ đất hiệu quả nhất. Bản thân Nam Long Group từng thực hiện thương vụ “khủng” trị giá 2.313 tỷ đồng để mua lại 70% vốn chủ đầu tư Dự án Waterfront Đồng Nai (hơn 169 ha) từ công ty con của Keppel Land Việt Nam trong năm 2020 và hiện nắm hơn 35% vốn doanh nghiệp dự án trên sau một số giao dịch chuyển nhượng.

Lùi một bước để tạo cú nhảy vọt

Tăng trưởng tự thân và M&A là hai con đường doanh nghiệp có thể lựa chọn khi muốn đầu tư mở rộng và mỗi sự lựa chọn này đều có những ưu - nhược điểm riêng. Việc mua lại những dự án, doanh nghiệp sẵn có có thể tạm ví như một ca “ghép tạng”, mà mỗi khâu từ tìm kiếm “tạng”, hay “phẫu thuật” đều không dễ dàng, thậm chí còn có rủi ro đào thải khi hai bên không thể dung hòa.

Một trong những thương vụ M&A đình đám nhất năm 2020 là việc Masan sáp nhập VinCommerce để thành lập The CrownX. Giao dịch này giúp Masan nắm trong tay hệ thống bán lẻ lớn nhất thị trường nội địa - VinMart, bên cạnh thế mạnh sản xuất hàng tiêu dùng.

Nhưng không chỉ gặp khó khăn vì chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ, Masan còn phải tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce. Chưa kể, chi phí bán hàng đã tăng từ 3.994 tỷ đồng (năm 2019) lên 13.166 tỷ đồng (năm 2020), tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng của doanh thu hay lợi nhuận gộp. Lãi ròng sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ cả năm giảm gần 78%, còn 1.234 tỷ đồng. Quá trình thử nghiệm với hệ thống bán lẻ vẫn còn tiếp tục. Tới đây, hệ thống sẽ đổi tên sang WinMart và có thể có những mô hình mới, những chuyển đổi về hàng hóa, dịch vụ và giá cả...

Các nhà đầu tư “kền kền” chuyên thực hiện những thương vụ mua lại doanh nghiệp đang hiện diện nhiều hơn, đặc biệt trong thời gian này, thậm chí, có thể trở lại mạnh mẽ như ở giai đoạn 2010 - 2012.

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

“Bước đi chiến lược của chúng ta đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Những người tin tưởng nhất vào Masan đã trở nên lung lay và giá cổ phiếu MSN đã giảm phân nửa chỉ trong một tháng”, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan chia sẻ khi nhìn nhận lại thương vụ được thực hiện một năm trước.

Tuy nhiên, với quan điểm tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại cùng xu hướng thu hẹp khoảng cách về lợi nhuận gộp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ, ông Nguyễn Đăng Quang kiên định: “Lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt”.

Bước lùi về cổ tức của REE Corp cũng không phải điều mà cổ đông dễ dàng chấp nhận. Dù được đa số cổ đông thông qua, tỷ lệ biểu quyết không đồng ý phương án phân phối lợi nhuận vẫn khá cao, lên tới 18,34%, tương đương 41,5 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết.

REE Corp vốn không xa lạ với các thương vụ M&A. Trong đó, một trong những thương vụ khiến “ông lớn” trong lĩnh vực năng lượng này hao tổn không ít tâm sức chính là khoản đầu tư gần nhất vào Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Ngoài số tiền hơn 2.130 tỷ đồng mua cổ phiếu VSH, với một doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư cho dự án lớn như Vĩnh Sơn - Sông Hinh, REE Corp cùng các đơn vị thành viên còn phải hỗ trợ thanh khoản hàng ngàn tỷ đồng qua các hình thức cho vay.

Tuy vậy, thành quả sau 3 năm đầu tư là Thượng Kon Tum - dự án thủy điện đang hoàn thiện lớn nhất khu vực Tây Nguyên - đã chính thức hòa lưới điện quốc gia tổ máy đầu tiên vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua. Ngày “hái quả ngọt” từ khoản đầu tư này vẫn chưa đến, nhất là khi giá điện tạm thời đang được tính theo tổng mức đầu tư ban đầu bên cạnh việc Vĩnh Sơn - Sông Hinh bắt đầu phải hạch toán khoản chi khấu hao và lãi vay. Nhưng, đây vẫn là thành quả quan trọng đối với dự án kéo dài hơn chục năm này.  

M&A - lời giải cho tăng trưởng

Với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng mà REE Corp đã đầu tư vào cổ phiếu VSH hay khoản đầu tư 3.450 tỷ đồng của Vinamilk tại GTNFoods, các “đại gia” này đã có thể thu về hàng trăm tỷ đồng nếu chọn cách “nhẹ nhàng” là gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Hay với Masan, áp lực tài chính do gia tăng vay nợ đã có thể vơi đi nửa phần.

Tuy nhiên, đầu tư, M&A vẫn là lựa chọn tất yếu khi các “ông lớn” phải đi tìm lời giải cho tăng trưởng. REE Corp dù sở hữu nhiều doanh nghiệp điện, nhưng phải đến khi đầu tư vào Vĩnh Sơn - Sông Hinh mới thực sự tham gia vào quá trình xây dựng. Vinamilk là một thương hiệu nổi tiếng và cũng là doanh nghiệp đứng đầu về thị phần sữa tại Việt Nam, nhưng cũng đang phải đối mặt với một thực tế là tăng trưởng lợi nhuận đã rơi xuống dưới 5% từ năm 2017 đến nay. Thị giá cổ phiếu VNM của Vinamilk trên sàn gần như đi ngang, không còn giữ được xu thế tăng tưởng của giai đoạn trước.

M&A mở ra cơ hội tăng trưởng mới. Đầu tư vào GTNFoods từ năm 2019 và tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tổ chức thông qua M&A, Vinamilk hiện sở hữu cổ phần, tham gia điều hành Mộc Châu Milk và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Bên cạnh đó, một dự án chăn nuôi bò thịt tận dụng lợi thế đất đai của Vilico kết hợp nguồn giống từ Vinamilk - Mộc Châu Milk đang chuẩn bị được thực hiện.

Hay như thương vụ mua lại Công ty Dây đồng Việt Nam năm 2020, lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) nhìn nhận, mảnh ghép này là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, làm gia tăng sức mạnh và củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực thiết bị điện của doanh nghiệp.

Trong chia sẻ của mình, người đứng đầu Masan cũng thừa nhận, nếu không phải là bước đi M&A, có lẽ Công ty đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách… “Masan chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội”, ông Quang nói.

Bối cảnh môi trường lãi suất thấp hiện tại tạo ra áp lực với các ông lớn “ngồi trên đống tiền” tìm cơ hội với các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi. Trong khi đó, trải qua một năm chịu ảnh hưởng lớn vì đại dịch, nội lực tích lũy giúp nhiều ông lớn vững vàng, song cũng khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Những yếu tố trên chính là trợ lực thúc đẩy xu hướng M&A tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo Thanh Thủy/ Báo Đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke