Nhắc hạn đăng kiểm, trả nợ ngân hàng,… bằng cuộc gọi robot
17:40 01/02/2022
Không chỉ giải đáp thắc mắc, hỏi thăm sức khỏe người dân trong đại dịch, các cuộc gọi AI sẽ sớm được ứng dụng vào lĩnh vực giao thông, bảo hiểm hay tài chính, ngân hàng.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Theo nghiên cứu của Accenture, AI có khả năng thúc đẩy gấp đôi tốc độ phát triển kinh tế và tăng 40% năng suất lao động tại các nước phát triển.
Theo dự báo của Tractica, trong giai đoạn 2018-2025 doanh thu phần mềm AI toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 10,1 tỷ đô la năm 2018 lên 126 tỷ đô la năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 43%.
Dự báo đến năm 2025, doanh thu phần mềm AI sẽ có tỷ trọng cao trong các lĩnh vực như tiêu dùng (10%), dịch vụ tài chính (10%), viễn thông (9%), công nghiệp ô tô (9%), bán lẻ (7%), dịch vụ doanh nghiệp (6%), quảng cáo (6%), chăm sóc sức khỏe (6%)…
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hướng tới xây dựng 10 thương hiệu uy tín trong khu vực về AI.
Trong 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số, trong đó, nhiều giải pháp AI đã được triển khai và đem lại những kết quả thiết thực.
Chỉ tính riêng trong đại dịch Covid-19, đã có khoảng 2,6 triệu cuộc gọi AI được thực hiện thông qua hệ thống của FPT.
Cụ thể, trong đợt dịch Covid-19 cao điểm hồi tháng 6, tháng 7/2021 tại Bắc Giang, trợ lý ảo của FPT đã tham gia hỗ trợ kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm.
Kết quả là, chỉ trong một ngày, hệ thống này đã thực hiện 120.000 cuộc gọi truy vết, sàng lọc ca bệnh. Nếu thực hiện bởi các nhân viên y tế, thời gian thực hiện số cuộc gọi kể trên phải lên tới 60 ngày.
Không chỉ có FPT, một doanh nghiệp công nghệ khác là Viettel cũng đang tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ AI với sự ra đời của các tổng đài Callbot.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Đặng Đức Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết, trong năm 2021, đơn vị này đã triển khai tổng đài hỗ trợ giải đáp tự động (Callbot) về các thủ tục hành chính công tại tỉnh Hậu Giang.
Thực tế triển khai cho thấy, tổng đài Callbot Hậu Giang có khả năng hoạt động 24/24 giờ và đáp ứng đồng thời 6.000 cuộc gọi cùng một thời điểm.
Tại Thái Bình, tổng đài Callbot giải đáp dịch bệnh Covid-19 cũng đã hoạt động với khả năng tiếp nhận 600 cuộc gọi cùng một thời điểm, gấp 20 lần so với năng lực trước đây.
Các tổng đài Callbot là một trong những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống. Điều này được thực hiện nhờ 3 công nghệ gồm nhận diện giọng nói tiếng Việt và chuyển thành văn bản, phân tích thông tin và cuối cùng là chọn ra những câu tương ứng bằng audio để phát lại cho người nghe bằng giọng nói AI.
Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc của người dân, các cuộc gọi AI còn có thể được triển khai trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (cuộc gọi nhắc nợ, nhắc kỳ hạn thanh toán) với chất lượng tương đối hoàn thiện, ông Thảo nói.
Theo vị chuyên gia này, trong thời gian tới đây, Callbot sẽ ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ tại Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực giao thông vận tải (tự động nhắc hạn đăng kiểm) hay bảo hiểm xã hội (nhắc kỳ hạn nộp tiền).
Đây là minh chứng cho thấy xu hướng chuyển đổi số đang ngày càng được đón nhận và lan tỏa sâu rộng hơn vào đời sống của người dân, doanh nghiệp.