Nhà nước nguy cơ thất thoát nhiều ngàn tỷ tại “dự án” của bà Trần Uyên Phương: Phải thu hồi đất, TP HCM vẫn… bỏ qua
09:08 02/03/2022
Hàng chục năm nay, đi qua ngã tư đường Nguyễn Xí – Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM), ai cũng ngạc nhiên thắc mắc trước cảnh khu đất 414 đường Nơ Trang Long vị trí đắc địa 3 mặt tiền lại bị quây tôn bỏ hoang cỏ mọc.
Sau quá trình kỳ công điều tra tìm hiểu, theo hồ sơ chứng cứ PLVN có được, đây là khu đất công, nhưng do TP HCM quản lý, cho phép sử dụng sai quy định, dẫn đến nguy cơ Nhà nước bị mất nhiều ngàn tỷ.
Khu đất Nhà nước này cũng chính là “trụ sở” Cty Bất động sản Song Thanh do bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quý Thanh nhà Tân Hiệp Phát) sở hữu 99,99% cổ phần. Và một số đối tượng làm việc trong Cty Tân Hiệp Phát đã lấy Cty Song Thanh làm bình phong, đi đấu giá kiểu “quân xanh, quân đỏ” …
Chiêu thức 2 lần bị “bắt bài”
Theo Báo cáo 4465/SXD-PTĐT ngày 29/5/2014 của Sở Xây dựng TP, khu đất có diện tích 11,1 ngàn m2. Từ 1975, khu đất do Xí nghiệp Sơn Bạch Tuyết (Doanh nghiệp Nhà nước - DNNN) sử dụng. Năm 2002, UBND TP cho Sơn Bạch Tuyết thuê khu đất làm xưởng sản xuất kinh doanh, trả tiền thuê hàng năm.
Năm 2003, TP ra Quyết định 2506/QĐ-UB, công bố xưởng sản xuất Sơn Bạch Tuyết là đơn vị gây ô nhiễm, phải di dời khỏi nội đô. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, DN này đổi tên thành Cty CP Sơn Bạch Tuyết, được Nhà nước bố trí nhà máy về Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè).
Với khu đất 414, đúng luật, TP phải áp dụng Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, theo đó bồi thường vật kiến trúc, hỗ trợ Cty di dời, thu hồi đất để bán đấu giá.
Trường hợp Sơn Bạch Tuyết muốn chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), theo điểm a khoản 4 Điều 6 Quyết định 09, “chỉ được thực hiện để xây dựng văn phòng, chung cư để bán hoặc cho thuê phù hợp với quy hoạch”; và Sơn Bạch Tuyết phải có chức năng kinh doanh bất động sản (BĐS).
Bốn tháng sau khi Thủ tướng có Quyết định 09, ngày 30/5/2007, Sơn Bạch Tuyết thay đổi đăng ký kinh doanh, bổ sung chức năng kinh doanh BĐS, xin thực hiện dự án trên đất trên. Đề xuất này bị bác bỏ trong Văn bản 5095/SKHĐT-XD của Sở KH&ĐT ngày 22/8/2007, khẳng định Sơn Bạch Tuyết không đủ điều kiện về vốn đầu tư thực hiện dự án theo Luật Kinh doanh BĐS 2006, Nghị định 153/2007/NĐ-CP.
Sơn Bạch Tuyết không bỏ cuộc. Ngày 25/3/2008, Cty này ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Cty CP BĐS R.E.E (số 364 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) xây “Cao ốc Căn hộ - Thương mại & Dịch vụ văn phòng cho thuê” trên đất trên. Nội dung “hợp đồng” nhiều bất thường khi R.E.E “hỗ trợ Sơn Bạch Tuyết 5,8 tỷ đồng là giá trị khu đất, 10 tỷ chi phí di dời nhà xưởng đến địa điểm mới”.
Dự án được hai bên vẽ ra “tòa nhà 17 tầng chưa gồm tầng hầm và trệt, tổng vốn đầu tư 430 tỷ, hoàn thành sau 36 tháng từ khi khởi công”.
Quyết định 09 của Thủ tướng không quy định về vấn đề “hợp tác”, nên Sơn Bạch Tuyết không được chuyển mục đích SDĐ khu đất 414. Chính Sở TN&MT đã chỉ rõ điều này trong Văn bản 284 và 3674/TNMT-QHSDĐ ngày 12/1 và 27/5/2009: “Việc hợp tác kinh doanh thực hiện dự án trên thực chất là bán chỉ định giá trị quyền SDĐ cho R.E.E; hoặc Sơn Bạch Tuyết chuyển nhượng lại quyền SDĐ (hoặc chuyển nhượng quyền được đầu tư trên khu đất) cho R.E.E, việc hợp tác kinh doanh chỉ là hình thức”.
Những nhận định bất thường của Sở TN&MT và lãnh đạo TP
Sở TN&MT chỉ ra bản chất của “hợp đồng” liên quan khu đất 414 như trên, lẽ ra Sở TN&MT phải kiến nghị UBND TP bác yêu cầu, thu hồi khu đất theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng. Nhưng Sở TN&MT lại bất ngờ cho rằng “đây là vấn đề phức tạp, chưa có quy định cụ thể (…) quan điểm khác nhau, cần xin ý kiến chỉ đạo UBND TP”.
Ngày 30/4/2009, theo Thông báo 284/TB-VP của Văn phòng UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài (nay là phạm nhân trong nhiều vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại TP - NV) kết luận: “Giải quyết cho Sơn Bạch Tuyết được lựa chọn đối tác hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án”.
Ngày 27/5/2009, Sở TN&MT có Văn bản 3674/TNMT-QHSDĐ, không nhắc đến Quyết định 09/2007 của Thủ tướng, mà cho rằng: “Vấn đề chính là khu đất cần được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đúng tiến độ, giá trị khu đất được tính theo giá thị trường để nộp ngân sách Nhà nước”.
Rồi Giám đốc Sở TN&MT Đào Anh Kiệt (nay là phạm nhân, là đồng phạm với ông Tài trong nhiều vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại TP - NV), có ý kiến: “Kiến nghị UBND TP có văn bản chấp thuận chủ trương cho Sơn Bạch Tuyết được hợp tác, liên doanh, liên kết”.
Ngày 23/7/2009, tại cuộc họp Thường trực UBND TP, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP kết luận: “UBND TP thống nhất với nội dung do Sở TN&MT trình bày tại Văn bản 3674/TNMT-QHSDĐ”.
Và trong cuộc họp trên, ông Quân cũng nhận xét tình trạng đất công bị DN cổ phần hóa xin liên doanh liên kết góp vốn chuyển sang xây dự án BĐS “diễn ra khá phổ biến”. Ông Quân chỉ đạo, để có chủ trương giải quyết chung, yêu cầu dự thảo công văn báo cáo xin ý kiến Trung ương.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét: “Cho đến ngày 23/7/2009, các ý kiến tham mưu, chỉ đạo của Sở TN&MT và lãnh đạo UBND TP HCM với khu đất 414 đã sai so với Quyết định 09 của Thủ tướng, nên không thể có chuyện Trung ương chấp nhận”.
Liên tiếp những sai phạm của chủ đầu tư dự án
Sự việc tới đây “dậm chận tại chỗ”. Cho tới hơn 1 năm sau, khi Thủ tướng có Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ban hành kèm theo “Quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị” ngày 22/10/2010. Theo khoản 3 Điều 5 Quy chế, “DN phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích SDĐ”.
Chưa bàn chuyện áp dụng quyết định 86 với khu đất 414 là đúng hay sai (PLVN sẽ phân tích trong số báo sau); nhưng cho rằng đây là “cơ sở pháp lý” để chấp nhận “liên minh” Sơn Bạch Tuyết - R.E.E, TP HCM đồng ý cho 2 DN này lập Cty CP BĐS Song Thanh thực hiện dự án trên khu đất, cấp đăng ký kinh doanh cho Cty Song Thanh ngày 11/3/2011. Song Thanh vốn điều lệ 100 tỷ, gồm 3 cổ đông sáng lập (R.E.E 73,9%; Sơn Bạch Tuyết 26%; ông Ngô Quang Thảo 0,1% cổ phần).
Hơn một tháng sau, ngày 28/4/2011, Song Thanh có đơn đăng ký làm chủ đầu tư dự án cao ốc 414.
Theo Báo cáo 6597/SXD-TCV của Sở Xây dựng ngày 31/8/2011, dự án cao ốc 414 gồm 15 tầng, 200 căn hộ, 31 ngàn m2 sàn văn phòng – thương mại dịch vụ - tầng hầm… tổng đầu tư 661 tỷ, tiến độ thực hiện 24 tháng. Chủ đầu tư phải nộp giá trị quyền SDĐ theo giá thị trường cho Nhà nước, phải bán 10% quỹ nhà cho quận Bình Thạnh phục vụ tái định cư.
Ngày 22/9/2011, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín (nay là phạm nhân trong nhiều vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại TP - NV) ký Văn bản 4727/UBND-ĐTMT, công nhận Song Thanh là chủ đầu tư dự án 414. TP yêu cầu Song Thanh phải làm thủ tục chuyển mục đích SDĐ, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đến 22/9/2012, Song Thanh phải có tờ trình gửi quận để có văn bản chấp thuận đầu tư, nếu không văn bản công nhận chủ đầu tư dự án của TP sẽ hết hiệu lực.
Thực tế cho thấy Song Thanh sau đó đã liên tiếp sai phạm, không nộp tiền chuyển mục đích SDĐ, không xây cao ốc, chuyển nhượng dự án 3 mặt tiền cho bà Trần Uyên Phương với giá rẻ mạt.
Tháng 10/2011, Sở Tài chính ra Văn bản 10773/STC-BVG đề nghị Song Thanh làm thủ tục chuyển mục đích SDĐ, cung cấp hồ sơ pháp lý và kỹ thuật liên quan khu đất; Cty này vẫn không thực hiện. Mãi 12/4/2013, khi quyết định công nhận chủ đầu tư hết hạn, Song Thanh mới có văn bản gửi quận Bình Thạnh đề xuất phê duyệt tổng mặt bằng.
Và mãi tới 26/11/2013, UBND TP mới phát hiện sai phạm này. Trong Văn bản 9859/VP-ĐTMT ngày 26/11/2013, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, “thắc mắc”: “Dự án đã chậm hơn 2 năm, không rõ nguyên nhân…”.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết với thực tế trên, Song Thanh đã vi phạm khoản 9 Điều 38 Luật Đất đai 2003 (đạo luật có hiệu lực thời điểm 11/2013 – NV). Lẽ ra phải thu hồi khu đất 414 vì Song Thanh đã “cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước”, TP HCM vẫn bỏ qua.
“Lạ đời” hơn, mãi tới 4/3/2014, Song Thanh mới có công văn, đổ lỗi UBND TP “không nêu chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án”; đổ lỗi Sở TN&MT “chậm trễ khi đo vẽ khu đất”.
Bỏ qua hàng loạt sai phạm của Song Thanh cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, để dự án chậm trễ nhiều năm, bỏ hoang đất công vị trí đắc địa… ngày 2/7/2014, ông Nguyễn Hữu Tín (giai đoạn 2014-2016 là Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách khối đô thị) tiếp tục ký Văn bản 3114/UBND-ĐTMT, lần thứ hai công nhận Song Thanh làm chủ đầu tư cao ốc 414.
Từ đây Song Thanh tiếp tục nối dài sai phạm; dự án rơi vào tay bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quý Thanh nhà Tân Hiệp Phát); Nhà nước có nguy cơ thất thoát nhiều ngàn tỷ…