Người Việt lần đầu tiên được du lịch cao cấp giá rẻ bất ngờ
13:33 05/04/2021
Lấy thị trường nội địa là trọng tâm của ngành du lịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần có chiến lược mới và các chương trình nhằm hướng tới nhóm khách hàng này.
Địa phương sốt sắng
Được ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví như "hội nghị diên hồng" của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, tọa đàm 'Cơ hội phục hồi của Du lịch Việt Nam năm 2021-2023' thu hút sự quan tâm của cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và hàng không.
Ông Lộc cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi, còn những phần chìm như: sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, di sản văn hóa, vẫn còn có thể khai thác. Để phát triển, ngành du lịch cần làm rất nhiều việc như: cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Đồng thời, chúng ta cần tăng cường du lịch nội địa.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2021-2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm phát triển.
Ông nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa và đón khách quốc tế. Năm 2020, trước sự bùng phát của Covid-19, du lịch từ ngành tăng trưởng nhanh đã trở nên ngưng trệ, đóng băng, nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch tự đánh giá và chọn lựa lại các ưu tiên phát triển, chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.
Ông Thiện cho rằng, định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021-2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương này đã có sẵn nhiều kế hoạch, kịch bản phát triển du lịch trở lại. Mặc dù bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tỉnh đã chủ động có kế hoạch phục hồi du lịch từ rất sớm; trong đó, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Nhiều hoạt động tuyền truyền xây dựng hình ảnh Huế là một điểm đến an toàn để mọi người yên tâm du lịch đã được triển khai. Địa phương cũng đã lên kịch bản xử lý cho từng trường hợp có thể xảy ra.
Lấy sự kiện làm trọng tâm thu hút du lịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trong mùa du lịch hè sắp tới. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải nhanh chóng phục hồi du lịch an toàn, bền vững để chuẩn bị cho mùa cao điểm.
Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tập trung vào hai nhiệm vụ là tổ chức tốt các hoạt động du lịch thường niên và các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc. Tỉnh cũng đang có lễ hội festival đường phố, du lịch biển Hải Tiến... cùng nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.
Kinh doanh du lịch bật, tắt, đóng, mở theo thời sự Covid-19
Nói về thị trường nội địa, ông Phùng Hữu Hoàng, Phó giám đốc Văn phòng Saigon Tourist Hà Nội, tiết lộ các công ty du lịch lớn, nhỏ đều có tín hiệu đáng mừng. Nhiều công ty ký được những hợp đồng du lịch lớn trong tháng 5, 6. Ông nhận thấy chưa bao giờ các hãng hàng không, khách sạn có sự gắn kết chặt chẽ như vậy. Lần đầu tiên nhiều người Việt được sử dụng dịch vụ du lịch cao cấp với giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 tái diễn, các hãng hàng không, khách sạn lớn đã có chủ trương hỗ trợ những doanh nghiệp lữ hành như chỉ đạo bảo lưu toàn bộ số tiền mà khách hàng đã đặt cọc. "Ngành du lịch và du lịch nội địa của Việt Nam đang kinh doanh như công tắc điện, họ bật, tắt, đóng, mở theo thời sự của Covid-19", ông nói.
"Tôi tin chắc ngành du lịch Việt Nam, không chỉ nội địa mà cả quốc tế, sẽ phục hồi rất nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng tất cả doanh nghiệp du lịch đang và sẽ sẵn sàng khi có khách quốc tế tới Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty du lịch FlamingoRedtours, cho rằng Việt Nam cần kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình mới mẻ, sáng tạo, không chỉ giảm giá mà còn phải làm mới sản phẩm, đa dạng, có thêm khuyến mại về dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa.
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, đưa ra kiến nghị, Chính phủ Việt Nam nên giúp các tỉnh thành biết được chính sách dài hạn của ngành du lịch và những mục tiêu cần đạt được trong những năm tới. Theo đó, 63 tỉnh thành tuy có "thực đơn" du lịch quá giống nhau, nhưng vẫn có thể đảm bảo các chính sách riêng nằm trong một tổng thể hài hoà của du lịch quốc gia.
Đưa kiến nghị để ngành du lịch có thể phát triển bùng nổ sau Covid-19, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PV Oil, nhận xét, nhiều du khách Việt thay vì đi du lịch nước ngoài chọn các điểm đến trong nước. Sau Covid-19, lượng khách nội địa sẽ tăng lên, vì vậy để tận dụng cơ hội này, Việt Nam nên có thêm nhiều kỳ nghỉ dài hơn để các gia đình có thể thuận lợi lên kế hoạch đi du lịch.
Còn theo ông Lê Vũ Thắng - thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ - tất cả những người đi du lịch đều mong muốn nhận được sự thân thiện của người dân địa phương. Do đó, chúng ta nên chú trọng yếu tố này hơn, từ điểm chạm đầu tiên khi khách tới du lịch như tài xế taxi, bán hàng ăn, người chỉ đường... Ông mong rằng, các địa phương cần tuyên truyền cho từng cá nhân, từ người dân đến cán bộ, để tạo thành chuỗi dịch vụ thân thiện với du khách.