Nga tuyên bố tiến quân vào miền đông Ukraina, chứng khoán Việt Nam giảm do tâm lý, ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố kinh tế
13:54 24/02/2022
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ukraina hay Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021.
Sáng nay, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở phía đông Ukraine thị trường tài chính thế giới đã được "nhuộm đỏ" với biên độ giảm sâu. Chứng khoán Việt Nam ngay lập tức cũng phản ứng mạnh đỏ lửa trong xu thế chung của toàn thế giới.
Cụ thể, theo truyền thông quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí.
"Tôi đã đưa ra quyết định mở một chiến dịch quân sự", ông chủ Điện Kremlin cho biết trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình lúc sáng 24/2 theo giờ Moscow (10h giờ Hà Nội).
Tổng thống Nga kêu gọi quân đội chính phủ Ukraine tại Donbass hạ vũ khí và về nhà, đồng thời tuyên bố đáp trả những ai can thiệp chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực này.
Ngay sau khi ông chủ Điện Kremlin phát đi thông tin này, chứng khoán thế giới được nhuộm đỏ hoàn toàn, nhiều chỉ số sụt giảm sâu. Chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ ngay lập tức được nhuộm đỏ với biên độ giảm sâu, DJ Future ngay lập tức giảm hơn 746 điểm rơi sát về mốc 32.000 điểm, S&P F cũng giảm 2,14%, NASDAQ cũng giảm biên độ 2,74%.
Chứng khoán Nhật giảm mạnh khi Nikkei giảm hơn 634 điểm, gần 2,4%; Shanghai giảm 0,89%; HSI giảm 3,11%; ASX giảm 3,21% và chứng khoán Hàn giảm mạnh, chỉ số Kospi giảm 2,65%…
Với VN-Index, chỉ số mở phiên giảm mạnh sau đó đã hồi lên mức xanh, giữ vững mốc 1.510 điểm nhưng đến 10 giờ chỉ số bắt đầu giảm mạnh có lúc giảm tới 17 điểm do tác động từ quyết định của phía Nga và chứng khoán thế giới.
Chốt phiên sáng ngày 24/2, VN-Index đã giảm 14,66 điểm chính thức mất mốc 1500 điểm, VN30 giảm 13,8 điểm. HNX-Index giảm biên độ mạnh nhất với 1,36%, UpCom-Index giảm hơn 1%. Dù mức độ giảm điểm chưa phải là mạnh nhưng độ rộng của thị trường rất lớn, số cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số.
Theo giới chuyên gia, việc thị trường phản ứng với tin tức này là điều có thể dự báo được trước đó tuy nhiên đây hoàn toàn là những ảnh hưởng về tâm lý. Ngay trong bối cảnh Nga - Ukraina có xung đột kéo dài, kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt cũng ít bị ảnh hưởng. Do đó, những ảnh hưởng về kinh tế hoàn toàn nhẹ và được khoanh vùng.
Về tác động của sự kiện này tới thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT cho rằng, nếu như xảy ra xung đột giữa Ukraina và Nga sẽ tác động tới tâm lý của thị trường tài chính và giới đầu tư là trọng yếu. Về kinh tế, những tác động tiêu cực sẽ được khoanh vùng ở khu vực xảy ra cuộc chiến.
Trước đó, giữa tháng 2 ông Tuấn cũng dự báo nếu Nga hành động quân sự xâm lấn sâu vào Ukraina thì thị trường tài chính toàn cầu sẽ chiết khấu (giảm giá) tương đối quanh 8-10%. Điều đó hiện đã xảy ra đối với chứng khoán thế giới khi các chỉ số liên tục giảm những ngày gần đây.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định trong lịch sử, các sự kiện chính trị thế giới thường chỉ tác động tới tâm lý thị trường trong một vài phiên ngắn sau đó đều ổn định dần và đi lên.
"Ông Warren Buffett từng nói trong thời bình như thế này chiến tranh khó có thể lan rộng nên đó chính là cơ hội với các nhà đầu tư. Lịch sử đã từng xảy ra những câu chuyện tương tự như vậy rồi, do đó những sự kiện như Nga - Ukraina hay như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thường chỉ có tác động khiến thị trường giảm mạnh trong thời điểm đó nhưng sau đó thị trường đều đi lên", ông Minh nói.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề địa chính trị sẽ chỉ ảnh hưởng đến tâm lý đến thị trường cho nên trong thời gian vừa rồi dòng tiền lớn vào thị trường rất yếu, thị trường chưa có sự đồng thuận lên. Sự phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu rất rõ nét, nhóm vốn hoá lớn tăng thì nhóm vốn hoá nhỏ và vừa giảm. Ngược lại nhóm vốn hoá vừa và nhỏ tăng thì nhóm vốn hoá lớn lại đi ngang hoặc giảm. Lý do một phần đến từ việc dòng tiền lớn chưa sẵn sàng vào thị trường. Căng thẳng Nga - Ukraina cũng tác động tới quyết định xuống tiền của dòng tiền lớn.
Ông Nguyễn Duy Anh - CEO AF1 cũng đánh giá, sự kiện Nga - Ukraina hoàn toàn là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú "giật rút" mà chúng ta đã từng chứng kiến chứ ít có tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, theo giới chuyên gia, sự kiện Nga -Ukraina dường như chỉ tác động tới tâm lý nhà đầu tư mà ít tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam hay doanh nghiệp Việt.
Thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế của Việt Nam với các nước như Nga, Ukraina ở mức nhỏ so với tổng kim ngạch của Việt Nam năm qua. Do đó, trong trường hợp chiến tranh căng thẳng giữa hai bên kéo dài, những bất ổn này cũng sẽ không có tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Năm 2020, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ukraine đạt 284,8 triệu USD (tăng 15,04%), nhập khẩu từ Ukraine đạt 193,5 triệu USD (tăng 58,81%), tổng kim ngạch đạt 478,33 triệu USD (tăng 29,48%).
Về đầu tư, cho đến nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài tính đến tháng 9 năm 2020), đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, tính cả năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, tương ứng tăng 123,23 tỷ USD. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19%, tương ứng tăng 53,68 tỷ USD và nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5%, tương ứng tăng 69,54 tỷ USD.
Như vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ukraina hay Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021.