Wednesday, 04/12/2024

Mỹ ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhất trong ngày qua, tuyên bố thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine toàn cầu

10:00 30/03/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Theo Worldometers, ngày 29-3, thế giới ghi nhận 443.598 ca mắc Covid-19, trong đó Mỹ báo cáo 59.707 ca mới, tiếp đến là Ấn Độ (56.119 ca), Brazil (42.666 ca)... Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố nước này sẽ dẫn dắt và thúc đẩy nỗ lực tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu sau khi đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh chóng ở trong nước.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky đưa Tổng thống Joe Biden vào phòng họp báo tại CDC  Atlanta. (Ảnh: AP)

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo trực tuyến sau khi tham dự các cuộc thảo luận tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ đang tiếp tục triển khai tiêm chủng cho toàn bộ dân số và sẽ có khả năng "làm nhiều hơn" trên thế giới. Ông bày tỏ tin tưởng trong những tháng tới và theo thời gian, Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu.

Mỹ đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với các công ty Ấn Độ để sản xuất vaccine ngừa Covid-19, với mục tiêu thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia ở khu vực Đông - Nam Á và Thái Bình Dương. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự định chia sẻ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca sang hai nước láng giềng Canada và Mexico và đã đóng góp hoặc cam kết dành 4 tỷ USD cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX.

Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ và đặt mục tiêu 90% số người trưởng thành ở nước này có đủ điều kiện tiêm chủng trước ngày 19-4. Với tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, Mỹ có thể sẽ sớm dư thừa vaccine. Hiện Mỹ đã tiêm 143 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 và 16% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó tỷ lệ tiêm ở nhóm hơn 65 tuổi đạt gần 50%.

Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ đã duy trì ổn định trong vài tuần gần đây nhưng đang gia tăng trở lại. Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca mắc mới trung bình trong bảy ngày qua tại nước này là 60 nghìn ca/ngày, tăng 10% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng tăng 3% lên khoảng 1.000 ca/ngày.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ với những làn sóng dịch mới khiến số ca nhiễm theo ngày liên tục được ghi nhận những con số kỷ lục mới bất chấp những biện pháp đối phó tăng cường của nhiều nước. Sự lây lan chóng mặt của biến thể mới của Covid-19 được phát hiện ở bang Manaos thuộc vùng Amazona của Brazil không chỉ khiến cho hệ thống bệnh viện của nước này quá tải, số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao kỷ lục, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, Bolivia và Argentina đã buộc phải đưa ra những biện pháp đối phó mới, trong khi Chile và Paraguay đã áp đặt trở lại lệnh phong tỏa bắt buộc.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo, khu vực Mỹ Latinh đang ở thời điểm hết sức nghiêm trọng khi biến thể của SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil đang lây lan rộng ra nhiều nước láng giềng và có thể khiến cho hệ thống bệnh viện tại nhiều nước sụp đổ. PAHO kêu gọi chính phủ các nước cần phải đưa ra những biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt hơn, cũng như đẩy nhanh các chương trình tiêm vaccine để có thể kiểm soát tình hình một cách hiệu quả hơn.

Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục lây lan. Trong 24 giờ qua, Ba Lan là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất, 16.965 ca, tiếp sau là Italy (12.916 ca), Đức (10.055 ca), Pháp (9.094), Ukraine (8.346 ca).

Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại đã lên tới 4,22 triệu ca, sau khi ghi nhận thêm 9.683 ca trong 24 giờ qua. Ethiopia đang là điểm nóng của dịch bệnh tại châu lục này, với số ca nhiễm mới là 1.982, cao nhất châu lục trong 24 giờ qua.

Với thỏa thuận vừa đạt được với hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson, theo đó, Liên minh châu Phi sẽ được tiếp nhận 400 triệu liều vaccine của hãng trong quý III-2021, cùng với số vaccine được tiếp nhận trong COVAX - chương trình phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình - châu Phi sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho ít nhất 750 triệu người, tương ứng 60% dân số của châu lục.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 30-3 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 128.230.623 ca mắc, 2.803.988 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 31.033.801 ca mắc, 562.524 ca tử vong
2. Brazil: 12.577.354 ca mắc, 314.268 ca tử vong
3. Ấn Độ: 12.095.329 ca mắc, 162.147 ca tử vong
4. Pháp: 4.554.683 ca mắc, 94.956 ca tử vong
5. Nga: 4.528.543 ca mắc, 98.033 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.501.093 ca mắc, 40.581 ca tử vong 
2. Philippines: 731.894 ca mắc, 13.186 ca tử vong
3. Malaysia: 342.885 ca mắc, 1.260 ca tử vong 
4. Myanmar: 142.393 ca mắc, 3.206 ca tử vong  
5. Singapore: 60.321 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 28.773 ca mắc, 94 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.594 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 2.273 ca mắc, 11 ca tử vong
9. Brunei: 207 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 39.173.670 ca mắc, 905.258 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 35.716.598 ca mắc, 816.068 ca tử vong 
3. Châu Á: 28.149.060 ca mắc, 425.326 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 20.906.315 ca mắc, 543.708 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.227.930 ca mắc, 112.482 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 56.329 ca mắc, 1.131 ca tử vong

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

Thong ke