Thursday, 21/11/2024

Mua 49% dự án điện Trung Nam Thuận Bắc, ACIT Group là ai?

08:50 10/05/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Để mường tượng tương đối tầm vóc của ACIT, có thể thấy các chỉ tiêu của doanh nghiệp này đều nhỉnh hơn so với ông lớn đầu ngành là Tổng công ty CP Thiết bị điện Đông Anh (EEMC). Dù vậy, quá trình vươn lên mạnh mẽ của ACIT thời gian qua vẫn là điều bí ẩn với phần đa công chúng.

 

 

Ảnh: Internet.

Ngày 17/4/2021, CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) công bố hoàn tất thương vụ mua 49% cổ phần Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) - chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc tại tỉnh Ninh Thuận.

Nhà máy có công suất 204MW, sản lượng điện tối đa 450 triệu kWh/ năm, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua với giá cam kết 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm.

ACIT cho biết, từ ngày 1/1/2021, công ty đã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan đến số cổ phần trên tại dự án. Ngày 9/4, ACIT đã thế chấp toàn bộ 49 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ TN Solar Power tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) - chi nhánh Sài Gòn.

Sự nổi lên nhanh chóng của ACIT

ACIT được thành lập vào năm 2006, tới nay sở hữu 2 nhà máy tại Quất Động và Hoà Lạc (Hà Nội) chuyên sản xuất thiết bị điện như trạm, máy biến áp, tủ điện cao, hạ thế...

Thiết bị của ACIT được tin dùng tại nhiều công trình quan trọng, như Tòa nhà Quốc hội (2012); trụ sở làm việc Bộ Ngoại Giao (2013); dự án Viện kiểm soát nhân dân tối cao (2015), cùng nhiều dự án khác như tổ hợp khách sạn Crowne Plaza, dự án Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).

Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện, giai đoạn 2016-2019, doanh thu của ACIT tăng trưởng nhanh chóng, tăng gấp đôi từ 1.294 tỷ đồng lên 2.601 tỷ đồng.

Đây cũng là giai đoạn ACIT tham gia sâu vào mảng năng lượng tái tạo, với vai trò cung cấp thiết bị; và một trong các đối tác lớn chính là Trung Nam Group, khi 2 bên đã đồng hành ở nhiều dự án quan trọng như trạm 500kV Trung Nam Thuận Nam, máy điện gió Trung Nam Trà Vinh, nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam...Trong đó, chỉ riêng hợp đồng cung cấp toàn bộ thiết bị cho nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Tới cuối năm 2019, tổng tài sản của ACIT là 1.973 tỷ đồng. Để mường tượng tương đối tầm vóc của ACIT, có thể thấy các chỉ tiêu của doanh nghiệp này đều nhỉnh hơn so với ông lớn đầu ngành là Tổng công ty CP Thiết bị điện Đông Anh (EEMC). Tới cuối năm 2019, EEMC chỉ có tổng tài sản hợp nhất 1.347 tỷ đồng, với doanh thu trong năm là 2.376 tỷ đồng.

Dù vậy, hiệu quả kinh doanh lại là một vấn đề đáng bàn. Trong khi Thibidi lãi sau thuế tới 118 tỷ đồng cùng ROE lên tới hơn 40%, thì ACIT năm 2019 lại báo lỗ tới 22,7 tỷ đồng, sau nhiều năm duy trì chỉ tiêu này ở mức dương.

Tuy nhiên, việc thua lỗ dường như không khiến ban lãnh đạo ACIT quá bận tâm, khi quy mô của doanh nghiệp này tăng với cấp số nhân chỉ trong các năm qua. Từ mức 17,5 tỷ đồng năm 2015, vốn điều lệ của ACIT tăng mạnh lên 525,9 tỷ đồng tháng 9/2020, rồi 2.025,9 tỷ đồng cuối tháng 1/2021, tức là gấp 116 lần sau 6 năm. 

Song song với quá trình tăng vốn, ACIT dần chuyển mình từ vai trò cung cấp thiết bị thành nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với thương vụ nhận chuyển nhượng 49% nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc, hay trước đó là mua lại dự án điện mặt trời Bầu Zôn từ Trường Thịnh Group.

Ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT Coteccons (trái) và ông Phạm Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ACIT. Ảnh: ACIT.

Bí ẩn đại gia đứng sau ACIT

Tới giữa năm 2015, ACIT có vốn điều lệ 17,5 tỷ đồng, do Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Phương sở hữu chi phối 60%. Đáng chú ý, địa chỉ trụ sở chính của ACIT cũng là hộ khẩu thường trú nhà ông Phương, nằm trên phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ông Phương là doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực điện. Ngoài ACIT, vị này còn sở hữu CTCP Công nghệ Smosa Việt Nam - một pháp nhân được thành lập 2015, chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cơ khí chính xác, thiết bị điện, tủ điện, thang máng cáp...

Tương tự ACIT, Smosa cũng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, dù quy mô nhỏ hơn, với doanh thu tăng gần gấp 7 lần, từ 49 tỷ đồng lên 335 tỷ đồng giai đoạn 2016-2019.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ông Nguyễn Ngọc Phương có nhiều năm công tác tại Quân khu Thủ đô, ở các đơn vị Công ty Thăng Long rồi Công ty Hà Thành, trước khi tham gia ACIT từ đầu năm 2010 với vai trò nhân viên. 

Các báo cáo của ACIT sau năm 2015 không còn đề cập đến ông Nguyễn Ngọc Phương, thay vào đó là ông Phạm Đình Thắng với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, và là Người đại diện theo pháp luật duy nhất. Trụ sở của doanh nghiệp cũng được chuyển trụ sở từ nhà riêng ông Nguyễn Ngọc Phương về toà nhà Mandarin Garden 2, số 99 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội.

Nên biết, ông Thắng không phải người mới, mà cũng đã hiện diện với vai trò lãnh đạo tại ACIT ít nhất từ năm 2009.

Vị doanh nhân sinh năm 1981 hiện còn là cổ đông sáng lập, góp 15% vốn vào CTCP Điện lực Khu vực 1, cùng với một số tên tuổi trong lĩnh vực điện như ông Hồ Ngàn Chi (28%), ông Đàm Thế Phương (12%)...Theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Điện lực Khu vực 1 từ ngày 2/12016 là đơn vị mua buôn điện của Công ty Điện lực Bắc Ninh và ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho các khách hàng là doanh nghiệp trong KCN Quế Võ.

Ở một chi tiết đáng lưu ý, ACIT còn góp 23% vốn thành lập CTCP Đầu từ Hiteccons vào năm 2017. Các cổ đông còn lại là: Công ty TNHH Covestcons – công ty con của CTCP Xây dựng Coteccons (31%); CTCP Phát triển hạ tầng Hoàng Thành Land (15%) và Công ty TNHH Đầu tư Refico Hà Nội (31%).

Trong đó, Cottecons là nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam, trong khi Hoàng Thành Land là thành viên của Hoàng Thành Group - tập đoàn gắn liền với vai trò của vợ chồng doanh nhân Hoàng Vệ Dũng - Nguyễn Thị Bích Ngọc. Về phần mình, Công ty TNHH Đầu tư Refico Hà Nội là công ty con của Refico Group của đại gia Sài Thành Trần Quyết Thắng. Refico Group, như Nhadautu.vn đã đề cập, có nhiều quan hệ kinh doanh mật thiết với nhóm Bản Việt Group.

Theo Nhà đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke