Nhà đầu tư mất hàng tỷ USD
Theo Bloomberg, Thodex - một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không đủ khả năng tài chính để tiếp tục hoạt động. Sàn Thodex đóng cửa khiến hàng trăm nghìn nhà đầu tư lo ngại khoản tiền tiết kiệm của họ cũng "bốc hơi". Hiện tại, giới chức đang truy tìm nhà sáng lập, CEO 27 tuổi của Thodex. Được biết, người này đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Giờ đây, sự việc này đang làm dấy lên câu hỏi rằng có bao nhiêu người sử dụng sàn giao dịch Thodex bị ảnh hưởng và số tiền bị mất sẽ lớn đến mức nào. Trong một tuyên bố từ một địa điểm chưa được xác định, CEO công ty này là Faruk Fatih Ozer hứa sẽ trả nợ cho nhà đầu tư và trở lại Thổ Nhĩ Kỳ để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện tại, chính phủ nước này đã phong tỏa các tài khoản của công ty và cảnh sách đã thực hiện cuộc bố ráp tại trụ sở chính của Thodex ở Istanbul.
Hôm 22/4, trang web của Thodex đã đăng tải thông báo rằng sàn sẽ tạm đóng cửa 4-5 ngày do các vấn đề về kỹ thuật. Ngay trước khi sàn giao dịch này không thể truy cập, Dogecoin đã chiếm hơn 53% tổng khối lượng giao dịch 585 triệu USD, trong khi Bitcoin là 10 triệu USD, theo CoinMarketCap.
Mặc dù trang web của Thodex cho biết sàn sẽ sớm hoạt động trở lại, nhưng các giám đốc điều hành đều đang đóng tài khoản trên mạng xã hội và nhóm hỗ trợ khách hàng của nền tảng này cũng không thể truy cập được. Trang web của sàn giao dịch cho biết "không có lý do gì để lo lắng" và "thông tin tiêu cực trên internet" là không đúng sự thật. Trong khi đó, CEO Ozer đã đóng tài khoản Twitter của mình vào thứ Tư.
Theo tờ Habertuk, nhà đầu tư có thể đã mất 2 tỷ USD và luật sư của các nạn nhân cho biết số tiền này được khoảng 390.000 người dùng đầu tư. Số tiền này hiện "không thể thu hồi". Tuy nhiên, số liệu này đều bị Ozer phản đối. Vị CEO trẻ cho biết chỉ khoảng 30.000 người bị ảnh hưởng.
Oguz Evren Kilic – luật sư đại diện cho người dùng của Thodex, cho hay: "Một người có thể thành lập sàn giao dịch tiền số chỉ với số vốn là 50.000 lira (khoảng 6.000 USD). Lỗ hổng pháp lý trong việc này là rất lớn."
CEO lên tiếng khi đang chạy trốn
Hiện vẫn chưa rõ CEO Ozer của Thodex đang ở đâu. Tuy nhiên, hãng thông tấn Demiroren đưa tin anh ta đã chạy trốn đến Albani hôm thứ Ba và công bố hình ảnh Ozer tại sân bay của Istanbul.
Hồi tháng trước, Thodex đã khởi xướng một chiến dịch tăng số lượng thành viên tham gia, bằng cách tung ra hàng triệu Dogecoin miễn phí cho những người mới đăng ký. Theo trang web của sàn này, 4 triệu đồng Dogecoin đã được phân phối, dù nhiều người dùng phàn nàn rằng họ chưa từng nhận được.
Thứ Sáu tuần trước, khối lượng giao dịch trên thị trường tiền số Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 3 lần, lên hơn 1,2 tỷ USD so với 1 tuần trước đó, theo dữ liệu từ coingecko.com. Trong khi đó, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trong chỉ số tham chiếu trên thị trường chứng khoán nước này là khoảng 3,1 tỷ USD.
Trong thông báo gửi từ nước ngoài, Ozer cho biết khi công ty gặp khó khăn về tài chính, anh đã nghĩ đến việc tự tử hoặc tự thú với chính quyền. Tuy nhiên, hai lựa chọn này lại đều dẫn đến kết quả là tài sản của khách hàng sẽ không bao giờ được trả lại.
Ozer nói: "Do đó, tôi quyết định ở lại và chiến đấu, tôi sẽ làm việc và trả nợ cho các bạn. Ngày trả hết nợ, tôi sẽ trở về Thổ Nhĩ Kỳ và chịu trách nhiệm trước pháp luật."
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng "nhẹ dạ cả tin"
Trong khi giới chức và các khách hàng đang nỗ lực tìm hiểu chi tiết về những gì đã xảy ra, thì một quan chức cấp cao trong văn phòng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi về việc nhanh chóng điều chỉnh thị trường tiền số. Trên toàn cầu, giá tiền số tăng cao cũng kéo theo những cáo buộc và biện pháp quản lý gắt gao sau nhiều vụ lừa đảo liên quan đến các nền tảng giao dịch.
Thodex là một phần trong sự bùng nổ của xu hướng đầu tư tiền số trong năm nay. Hoạt động đầu tư này đã thu hút được số lượng đông đảo người Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh người dân nỗ lực bảo toàn khoản tiền tiết kiệm trước tình trạng lạm phát tràn lan và đồng nội tệ biến thiếu ổn định.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát ở mức 16,2% vào tháng 3, cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu 5% của ngân hàng trung ương. Trong khi đó, đồng lira đã thấp hơn 10% so với đồng USD trong năm nay, đây là mức giảm liên tiếp trong 9 năm.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Erdogan tiết lộ rằng chính phủ nước này đã chi một khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ trị giá 165 tỷ USD trong 2 năm qua. Đây là một phần của nỗ lực nhằm hỗ trợ giá cho đồng lira. Mối lo ngại về tỷ lệ dự trữ ngoại hối suy giảm đã làm dấy lên tâm lý hoang đối với cả tiền gửi bằng đồng lira và USD, theo đó người dân có tiền tiết kiệm đang phải tìm đến các kênh đầu tư thay thế.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị