Saturday, 23/11/2024

Mồi lửa thổi bùng bạo loạn 5 ngày liên tiếp ở Pháp

13:26 03/07/2023

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nỗi bất bình trong xã hội Pháp về hành vi bạo lực cảnh sát đã âm ỉ từ lâu và vụ bắn chết thiếu niên Nahel là mồi lửa thổi bùng giận dữ.

Bạo loạn đã nổ ra tại nhiều thành phố Pháp suốt 5 ngày qua, sau sự việc cảnh sát nước này bắn chết thiếu niên Nahel M, 17 tuổi, tại khu dân cư Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris hôm 27/6. Cuộc điều tra đang được tiến hành, nhưng dù kết quả ra sao, cái chết của Nahel đã phản ánh một vấn đề phức tạp, có nguồn gốc sâu xa tại Pháp.

Nó gợi lại ký ức về ba tuần bạo lực lan rộng khắp các vùng ngoại ô Paris năm 2005, khi Zyed Benna, 17 tuổi, và Bouna Traore, 15 tuổi, bị điện giật tử vong khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp tại khu dân cư Clichy-sous-Bois gần thủ đô Pháp.

Nhiều vấn đề đằng sau vụ bạo loạn đó đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí trở nên trầm trọng hơn do mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa cảnh sát và người dân Pháp, giới quan sát đánh giá.

Theo Joseph Downing, giảng viên cấp cao về quan hệ quốc tế và chính trị thuộc Đại học Aston, Anh, một số vùng ngoại ô nghèo quanh các thành phố lớn tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua đã phải đối mặt với tình trạng bị tách biệt khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Chất lượng nhà ở và giáo dục kém kết hợp với việc bị cô lập về địa lý và nạn phân biệt chủng tộc khiến mọi người dân ở những vùng này gần như không thể có cơ hội cải thiện cuộc sống.

"Bằng chứng từ lâu đã chỉ ra rằng những người sống ở vùng ngoại ô nghèo có thể bị phân biệt đối xử vì chính nơi họ sống khi nộp đơn xin việc. Chỉ một địa danh trong hồ sơ cũng có thể khiến bạn bị tước đi cơ hội việc làm", ông nói.

Hậu quả là nỗi bất mãn trong giới trẻ ở những nơi này đã cháy âm ỉ suốt hàng chục năm. Những cuộc bạo loạn đang diễn ra thực tế đã xuất hiện tại Lyon từ những năm 1990.

Việc giới lãnh đạo Pháp không có bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về cách giải quyết vấn đề này đã khiến người dân ở các vùng ngoại ô cảm thấy thất vọng và chỉ cần một cái cớ, như cái chết của thanh niên Nahel dưới tay cảnh sát, cũng đủ để thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong họ, Downing cho biết thêm.

Tổng thống Emmanuel Macron đã đắc cử nhờ thông điệp tái công nghiệp hóa nước Pháp và phục hồi nền kinh tế. Nhưng tầm nhìn của ông không bao gồm kế hoạch sử dụng tăng trưởng kinh tế để mang lại cơ hội cho người dân vùng ngoại ô hoặc khai thác tiềm năng từ khu vực đó để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong hai nhiệm kỳ, ông đã không đưa ra được một chính sách nhất quán nhằm giải quyết một số vấn đề chính của vùng ngoại ô.

Theo Le Monde, Nahel bị cảnh sát bám theo trong lúc lái xe trên đường. Họ yêu cầu anh dừng xe tại một điểm đèn giao thông, nhưng Nahel đã không tuân thủ và vượt đèn đỏ. Có hai người khác ngồi trong xe do Nahel cầm lái.

Chiếc xe sau đó dừng lại bên đường khi hai cảnh sát truy đuổi. Theo video lan truyền trên mạng sau cái chết của Nahel, ít nhất một cảnh sát đã chĩa súng vào chiếc xe khi trao đổi với tài xế. Khi chiếc xe lao vụt đi, cảnh sát này nổ súng.

Viên đạn bắn trúng Nahel, khiến chiếc xe lao lên vỉa hè. Hai người trên xe rời lập tức rời khỏi hiện trường, còn Nahel thiệt mạng.

Nahel sinh ra trong gia đình người Pháp gốc Algeria, là con trai của một bà mẹ đơn thân. Anh đã đăng ký một khóa học để trở thành thợ điện trong chương trình do chính phủ ban hành nhằm nâng cao kỹ năng và hỗ trợ những người trẻ tuổi từ các khu vực khó khăn.

Theo BBC, Nahel chưa bao giờ gặp rắc rối với cảnh sát.

Cái chết của Nahel rõ ràng đã khuấy động những căng thẳng từ lâu giữa cảnh sát và những người trẻ tuổi ở các khu dân cư nghèo. Nó cũng thúc đẩy lời kêu gọi xem xét lại kỹ lưỡng quy định về các trường hợp cảnh sát được nổ súng.

Năm ngoái, 13 người đã thiệt mạng trong các vụ cảnh sát Pháp nổ súng do không tuân thủ mệnh lệnh khi dừng xe. Năm nay, ba người, trong đó có cả Nahel, đã chết trong hoàn cảnh tương tự.

Lực lượng cứu hỏa dập lửa một chiếc ô tô đang bốc cháy do bạo loạn ở khu Nanterre, ngoại ô Paris, hôm 27/6. Ảnh: AFP

Số người bị cảnh sát bắn chết do từ chối tuân theo mệnh lệnh đang có xu hướng gia tăng. Năm 2021, chỉ 4 người thiệt mạng trong những trường hợp như vậy.

Vài giờ sau khi Nahel thiệt mạng, Chủ tịch Hạ viện Pháp Yael Braun-Pivet tuyên bố sẵn sàng đánh giá lại cách thức áp dụng luật quản lý sử dụng súng của cảnh sát.

Luật này được thông qua năm 2017, sau một loạt vụ tấn công của các phần tử cực đoan tại Pháp. Kể từ đó, nhân viên thực thi pháp luật có thể nổ súng vào phương tiện khi tài xế không tuân thủ mệnh lệnh, bất chấp rủi ro với tính mạng người điều khiển và hành khách trên xe.

Trong vụ của Nahel, viên cảnh sát đã bắn phát súng chí mạng sẽ bị điều tra về tội cố ý giết người, do cuộc điều tra sơ bộ đánh giá hành động của anh ta "không đáp ứng các điều kiện sử dụng vũ khí hợp pháp".

Trước đây, các sĩ quan cảnh sát phải chứng minh họ dùng súng để tự vệ. Kể từ khi luật mới có hiệu lực, họ được phép nổ súng vào phương tiện "mà những người ngồi trong xe có khả năng tấn công đe dọa tính mạng hoặc an toàn về thể chất của họ hay những người khác".

Tuy nhiên, quy định nội bộ ngành cảnh sát Pháp chỉ cho phép sử dụng vũ khí trong những trường hợp "thực sự cần thiết và theo cách thức phù hợp".

Theo các nhà nghiên cứu Sebastian Roche, Paul le Derff và Simon Varaine, những chuyên gia đã đưa ra một phân tích về tình trạng gia tăng số người chết dưới tay nhân viên thực thi pháp luật tại Pháp, vấn đề tương tự không xảy ra ở các quốc gia láng giềng. Họ cũng đặt câu hỏi liệu lực lượng cảnh sát đã được huấn luyện thích hợp cho các vụ nổ súng như vậy hay chưa.

"Có một mối tương quan rõ ràng giữa việc thay đổi luật vào năm 2017 với xu hướng gia tăng các vụ cảnh sát bắn chết người", Roche nói với hãng truyền thông Le Nouvel Obs. "Trung bình, số vụ nổ súng tăng hơn 25% và số vụ nổ súng gây chết người nhiều hơn gấp năm lần".

Cảnh sát Pháp cũng thường xuyên gây bất bình trong dư luận vì sử dụng các chiến thuật trấn áp bạo lực.

Trong phong trào biểu tình "Áo vàng" làm rung chuyển đất nước trong nhiều tháng năm 2018, một quan chức hàng đầu châu Âu đã chỉ trích chính quyền Pháp về cách họ xử lý những người biểu tình chống chính phủ, kêu gọi họ "tôn trọng nhân quyền hơn".

Người biểu tình ngồi trước cảnh sát chống bạo loạn ở Paris hôm 30/6. Ảnh: AFP

Cảnh sát Pháp cũng bị chỉ trích gay gắt vì cách xử lý tình trạng hỗn loạn trong trận chung kết Champions League 2022 diễn ra tại Stade de France, ngoại ô Saint-Denis. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay với những người hâm mộ bị mắc kẹt trong dòng người đông đúc nhiều giờ trước sự kiện, khiến trận đấu cuối cùng bị hoãn khoảng 40 phút.

Gần đây hơn, trong làn sóng biểu tình phản đối quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, cảnh sát Pháp đã hứng chịu hàng loạt cáo buộc rằng họ quá mạnh tay với người biểu tình. Tổ chức Ân xá Quốc tế, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế và Hội đồng châu Âu đều lên án cảnh sát Pháp sử dụng vũ lực quá mức.

"Những gì người biểu tính muốn là nắm bắt sự việc này để mở ra một cuộc tranh luận rộng rãi hơn về cái mà họ coi là tình trạng lạm dụng vũ lực có hệ thống của cảnh sát, đặc biệt tại những vùng ngoại ô, nơi tầng lớp lao động tập trung đông đúc", bình luận viên Rebecca Rosman của NPR đánh giá. "Từ lâu đã có những lời phàn nàn về hành vi bạo lực và phân biệt đối xử của cảnh sát ở những khu vực này, nhất là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và các nhóm chủng tộc thiểu số".

Theo Vnexpree

https://vnexpress.net/moi-lua-thoi-bung-bao-loan-5-ngay-lien-tiep-o-phap-4624362.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke