Mô hình đô thị đại học “5 trong 1”
Khu đô thị ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ định hướng xây dựng theo mô hình “5 trong 1” gồm: Trung tâm đào tạo tài năng; Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; Đô thị đại học thông minh, hiện đại; Trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu. Hiện nay, ĐHQGHN đã xây dựng Danh mục các dự án dự kiến đầu tư đối tác công - tư (PPP) giai đoạn 2022-2025, bao gồm: Trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D), Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao công nghệ tài chính ngân hàng, Bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế, Khu ký túc xá, Trường liên cấp, Tổ hợp thương mại dịch vụ… Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 là dịp để ĐHQGHN giới thiệu về các dự án hợp tác công - tư cũng như khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho các loại hình đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Khu đô thị ĐHQGHN được đầu tư với mục tiêu trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây Thủ đô, tập trung của nguồn lực tri thức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao tri thức, kết nối liên thông với khu công nghệ cao Hòa Lạc, toàn thành phố và khu vực Tây Bắc Bộ. ĐHQGHN được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình PPP. “Để trở thành một đơn vị đại học thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN cần tiên phong trong thu hút hợp tác dựa trên cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp và các nhà đầu tư” - Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình thiết yếu như: Khu Nhà điều hành ĐHQGHN tại Hòa Lạc; Thư viện trung tâm 163,8 ha; Khu giảng đường HT1, HT2 và hạ tầng nội khu Zone4; Quảng trường trung tâm khu 163,8 ha; Văn phòng làm việc Trường Đại học Việt Nhật tại Hòa Lạc; hoàn thành công tác chuẩn bị mặt bằng, đồng bộ khu 163,8 ha giai đoạn 1; đầu tư xây dựng mới một số công trình phục vụ ăn, ở, học tập của sinh viên…
Giám đốc Lê Quân chia sẻ, bên cạnh các tổ hợp công trình được đầu tư xây dựng cho các hạng mục giáo dục, đào tạo và nghiên cứu thì còn khoảng 50% diện tích để dành cho các công trình PPP và thu hút nguồn lực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác triển khai dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc một cách kịp thời và hiệu quả. Giám đốc cho biết thêm, ĐHQGHN đang xây dựng dự thảo quy trình hướng dẫn thực hiện đầu tư theo phương thức PPP tại ĐHQGHN, thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN trong việc công khai, minh bạch quy trình giải quyết công việc.
Theo Giám đốc Lê Quân, ĐHQGHN có 3 thế mạnh chính để phát triển: nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế tự chủ và không gian đô thị đại học Hòa Lạc. Đây là những thuận lợi trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Giám đốc ĐHQGHN cũng nêu 4 lĩnh vực ưu tiên trong xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp: Công nghệ thông tin,; Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững; Khoa học sức khỏe; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, ĐHQGHN có chủ trương thành lập các trung tâm nghiên cứu phối thuộc với các doanh nghiệp để triển khai đa dạng các lĩnh vực hợp tác.
25 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác
Tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết các phiên chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, bao gồm: 01 phiên toàn thể và 05 phiên chuyên đề: (1) Xúc tiến đầu tư; (2) Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững; (3) Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; (4) Y học công nghệ cao và khoa học sức khỏe; (5) Hội thảo “Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”. Tại các phiên chuyên đề, các nhà khoa học, đối tác là doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận các cơ hội hợp tác, đầu tư vào dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Các ý kiến trao đổi là tiền đề để ĐHQGHN tiếp tục phát triển các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực với các đối tác chiến lược. Bên cạnh các báo cáo đề dẫn, các chuyên đề tập trung vào phiên thảo luận bàn tròn giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư về nhu cầu hợp tác cũng như các khó khăn, vướng mắc về mô hình hợp tác.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn thông tin thêm, trong khuôn khổ hội nghị, ĐHQGHN đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác: Công ty Cổ phần tập đoàn T&T, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng tiêu dùng, Hiệp hội Doanh nghiệp chủ lực, Công ty Cổ phần Tiếp vận quốc tế tiên phong (PI Logistics), Công ty Cổ phần NTACO, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.
Theo thỏa thuận hợp tác, SHB sẽ tài trợ dự án “Trung tâm thực hành Ngân hàng Corebanking SHB - VNU” cho ĐHQGHN. Theo đó, SHB sẽ đồng hành cùng ĐHQGHN xây dựng mô hình thực hành ngân hàng tại Hòa Lạc, trở thành mô hình mẫu trong đào tạo tài chính ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, SHB sẽ xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ tài chính ngân hàng chất lượng cao” tại Hòa Lạc. Hai bên sẽ khai thác thế mạnh nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi bên, đặc biệt là các hoạt động hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: kết nối, hỗ trợ phát triển năng lực nghiên cứu ứng dụng thực tiễn; trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chuyên môn; cung cấp các phần mềm tài chính ngân hàng giúp sinh viên dễ dàng thực hành, nâng cao năng lực.
ĐHQGHN ký kết thỏa thuận hợp tác với Agribank về nhiều nội dung quan trọng nhằm khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh của mỗi bên trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Với thỏa thuận hợp tác được ký kết, Agribank sẽ phối hợp với ĐHQGHN triển khai các nội dung như: tài trợ, thu xếp vốn cho các dự án đầu tư; hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức; hợp tác trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng…
Viện Công nghệ thông tin (ĐHQGHN) và Công ty FSI ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao, nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực công nghệ Việt Nam trên bản đồ thế giới. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác này không chỉ mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên trong hành trình phát triển nghề nghiệp mà còn thúc đẩy nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành của hai bên với các dự án nghiên cứu sáng tạo và phát triển, cùng mang lại nhiều giá trị thiết thực cho xã hội.
Trong khuôn khổ hội nghị, diễn ra các hoạt động: Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học và công nghệ, Không gian kết nối và xúc tiến đầu tư, Ngày hội kết nối các thế hệ sinh viên ĐHQGHN. Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, thúc đẩy đầu tư phát triển Khu đô thị đại học xứng tầm quốc gia, tiệm cận với các đại học đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, hội nghị là nơi giới thiệu tiềm lực và các sản phẩm khoa học và công nghệ của ĐHQGHN, các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp, các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, từ đó thúc đẩy cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư gắn với chuyển giao khoa học và công nghệ giữa các doanh nghiệp, địa phương là đối tác của ĐHQGHN và các trường đại học/viện nghiên cứu.
Thông qua hội nghị, ĐHQGHN mong muốn được kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị thông qua việc gắn kết, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, các trường đại học/viện nghiên cứu với doanh nghiệp, hỗ trợ tuyển dụng nhân sự chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo Khoa học và công nghệ Việt Nam
http://vjst.vn/vn/tin-tuc/7141/mo-hinh-do-thi-dai-hoc-5-trong-1--co-hoi-hop-tac-cong-tu-voi-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi.aspx