Miền Trung: Làm gì để kéo hàng trăm nghìn lao động ngành du lịch giai đoạn phục hồi?
14:32 17/03/2022
Hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại miền Trung đã mất việc do Covid – 19 phải về quê hoặc chuyển đổi ngành nghề. Chuẩn bị nguồn nhân lực là việc cần làm ngay để ngành du lịch miền Trung phục hồi.
Nguy cơ thiếu hụt lao động du lịch chuyên nghiệp sau dịch
Thống kê của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, khoảng 42.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp liên quan đến du lịch bị mất việc làm. Một phần trong số đó về quê, nhưng cũng có một lượng lớn lao động trong số đó chuyển đổi ngành nghề lao động sang lĩnh vực khác.
Tại tỉnh Quảng Nam, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, trước dịch Covid – 19, tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch Quảng Nam vào khoảng 18.000 lao động. Sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid – 19, các hoạt động kinh doanh du lịch gần như tạm dừng toàn bộ, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp đã cạn kiệt, khó khăn trong việc trang trải các chi phí như giữ người lao động, duy tu bảo dưỡng, trả các khoản nợ và phí lệ phí... . Hiện nay, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm.
Du lịch được coi là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương miền Trung. Cùng với việc tiêm phủ vaccine ngừa Covid – 19 và các chính sách cởi mở từ Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi du lịch, các địa phương miền Trung cũng đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để đón khách trở lại.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một lượng lớn lao động du lịch chuyển đổi công việc sang ngành nghề khác.
Ông Đào Ngọc Hải Âu – Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Trung Nam EMS (KCNC Đà Nẵng) - cho biết, rất nhiều lao động gia công lắp ráp linh kiện điện tử của công ty là người lao động trong lĩnh vực du lịch chuyển sang.
Nhiều người lao động tại công ty cho biết, họ sẽ gắn bó với công việc hiện tại và không có dự định quay lại làm việc bên lĩnh vực cũ do chế độ lao động, phúc lợi lao động cùng với tính ổn định của công việc hiện tại.
Một thời gian dài phải tạm ngừng làm việc trong lĩnh vực này, tay nghề và sự chuyên nghiệp khi đón khách trở lại cũng là một nỗi lo của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Cương – đại diện khách sạn Vanda (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, 2 năm dịch Covid – 19 diễn ra đã mai một nguồn nhân lực của ngành du lịch rất nhiều, trong đó có khách sạn Vanda. Trước dịch Covid – 19, đơn vị có hơn 100 lao động, nhưng hiện tại chỉ còn lại khoảng 60%. Dù vậy, nhờ trong thời gian đóng cửa đơn vị vẫn duy trì chế độ lương, hỗ trợ cho nhóm đối tượng là quản lý, nhân viên chủ chốt nên hiện tại khi mở cửa vẫn tạm đủ để hoạt động trở lại. Nhưng tương lai khi có khách trở lại sẽ thiếu lao động và tuyển dụng thêm.
Nhanh chóng phục hồi nguồn nhân lực
Nhân lực là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh phục hồi du lịch sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp tại miền Trung đã và đang khẩn trương bổ sung nhân lực, trong đó ưu tiên gọi trở lại những nhân viên phải tạm nghỉ việc do dịch và tuyển dụng mới người lao động.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát - cho biết, hiện số lao động của đơn vị chỉ bằng 50% so với thời điểm năm 2019 (trước dịch). Đơn vị đang có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động, cùng với đó, liên kết, kết nối với các công ty nhỏ, sử dụng mạng lưới cộng tác viên để cùng kết nối, bán sản phẩm. Cách làm này vừa giải quyết vấn đề nhân lực trước mắt, vừa tìm kiếm được ứng viên tiềm năng cho giai đoạn phục hồi.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FVG - cho biết, dù gặp khó khăn do dịch bệnh, đơn vị vẫn đang nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng đón khách trở lại. Cùng với việc ráo riết hoàn thiện những bước cuối cùng để đưa khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang sẵn sàng đón khách từ quý II/2022 (dự kiến từ dịp 30/4, 01/5), tập đoàn cũng đang tuyển dụng đào tạo đội ngũ nhân sự làm việc tại khu du lịch.
“Để chuẩn bị cho hoạt động khai trương và đi vào hoạt động khu du lịch, hiện Tập đoàn FVG mở đợt tuyển dụng lớn trong quý I/2022 lên đến 120 vị trí làm việc trong khu du lịch, trong đó ưu tiên là lao động địa phương. Theo đó, các nhân sự trúng tuyển sẽ được đào tạo bài bản về quy trình làm việc trước khi chính thức vận hành phục vụ sự kiện khai trương vào cuối tháng 04/2022”, bà Nhung cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi lao động du lịch trên cơ sở phối hợp giữa chính quyền, nhà trường, doanh nghiệp; tạo điều kiện để lao động trong lĩnh vực du lịch sớm quay trở lại làm việc.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, bên cạnh thực hiện các chương trình của Chính phủ về hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn do dịch Covid – 19, tỉnh còn thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch về giải pháp tháo gỡ khó khăn phục hồi sau dịch. Tận dụng thời gian phải nghỉ do dịch Covid – 19, trong năm 2020 – 2021, tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn đào tạo cho lao động ngành du lịch về các nội dung như kinh doanh lưu trú nhà dân (homestay); kiến thức văn hóa, lịch sử địa phương, kỹ năng giao tiếp du lịch cộng đồng cho người dân; truyền nghề dệt thổ cẩm cho người dân tại các điểm du lịch; tập huấn nghiệp vụ cứu hộ và nâng cao nhận thức về môi trường du lịch tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…; tổ chức 5 lớp đào tạo online "Giữ lửa nghề" cho ngành du lịch... Nhờ đó đảm bảo được lực lượng lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ hoạt động du lịch trong thời kỳ phục hồi.
“Cùng với việc đẩy mạnh tiêm phủ vaccine cho lao động ngành du lịch, trong năm 2022, Sở sẽ tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch giai đoạn 2022 – 2025, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho du lịch phục hồi”, ông Tường nói.