Thursday, 21/11/2024

Máy đan giỏ của sinh viên Bách khoa

15:51 20/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã sáng chế chiếc máy đan giỏ tự động, tận dụng phế phẩm nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao.

Máy đan giỏ ra mắt tại triển lãm sáng tạo trẻ.

Thợ thủ công đề xuất ý tưởng

TS Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ Chế tạo máy, Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ý tưởng chế tạo máy đan giỏ tự động xuất phát từ đề xuất của một người thợ thủ công ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) với Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau khi nhận được đề xuất, TS Kiên đã triệu tập nhóm sinh viên gồm Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Công Thương (Chế tạo máy); Nguyễn Hoàng Anh, Đỗ Như Đông (Cơ điện tử) để cùng tìm hiểu và phát triển.

Máy đan giỏ sử dụng nguyên liệu đầu vào là các phụ phẩm nông nghiệp, trong đó chủ yếu là lá sả sau khi chưng cất tinh dầu, lá cói, lá đay, rơm rạ…

Theo tìm hiểu của nhóm, cây sả java được sử dụng như một nguồn nguyên liệu thay thế giúp tạo ra những sản phẩm có thể xuất khẩu. Đây cũng là loài cây dễ sống, không kén đất và diện tích trồng đang ngày càng mở rộng.

Sả được sử dụng để chưng cất tinh dầu nhưng phụ phẩm lại bị lãng phí. Do đó, nhóm có ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu này để phát triển.

Để thực hiện dự án, nhóm phải xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, từ việc lên ý tưởng, nghiên cứu, tìm hiểu, đưa ra nguyên lý, thiết kế 3D, chế tạo hiệu chỉnh và hoàn chỉnh sản phẩm.

Theo đó, máy được thiết kế khá nhỏ gọn, cơ chế đơn giản nhưng có thể đem lại hiệu quả cao. Thiết bị được vận hành theo nguyên tắc mô-đun hóa, bao gồm 2 cụm chính là cụm đệm dây và cụm đan.

Lá sả khi được đưa vào sẽ được chuyển đến cụm đệm dây rồi được cuốn lại thành cuộn phôi, sau đó được chuyển sang cụm đan, thành phẩm có thể là giỏ, bình hoặc đĩa. Kích thước của sản phẩm sẽ được thay đổi tùy thuộc vào thiết bị định hình.

Sau nhiều lần chạy thử và điều chỉnh thiết kế, sản phẩm máy đan giỏ tự động của nhóm BK Farmers đã hoàn thành. Máy có kích thước 1.550 x 580 x 840 mm (dài/rộng/cao), khối lượng khoảng 80 kg, năng suất 30 - 50 sản phẩm/ngày. Tổng chi phí khoảng 35 triệu đồng/máy.

Sinh viên Nguyễn Hoàng Anh cho biết, máy đan giỏ cho năng suất vượt trội, tăng gấp 8 - 10 lần và chi phí chỉ bằng 15 - 20% so với chi phí sản xuất thủ công. Chất lượng sản phẩm tương đối ổn định, do không phụ thuộc tay nghề người thợ.

“Máy đan giỏ giải quyết hai bài toán chính. Tận dụng nguồn phụ phẩm lá sả sau khi chưng cất tinh dầu đang bị bỏ phí hoặc chưa có biện pháp xử lý để mang lại hiệu quả kinh tế. Tự động hóa quá trình đan giỏ thủ công phức tạp song năng suất thấp, chất lượng thiếu ổn định thành hoạt động sản xuất mang lại năng suất và lợi ích kinh tế cao hơn”, trưởng nhóm Nguyễn Đức Sơn thông tin.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Đây là dự án chưa từng có ở trong nước và quốc tế. Do đó, nó có nhiều triển vọng khi ứng dụng thực tiễn. Năng suất thực tế khi đan thủ công 1 chiếc giỏ sẽ mất từ 2 đến 2 tiếng rưỡi. Nhưng chiếc máy này chỉ cần từ 10 đến 20 phút đã cho ra thành phẩm.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm ổn định, không cần phụ thuộc vào tay nghề của người thợ thủ công. Mỗi sản phẩm làm ra sẽ có giá thành dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng.

Giai đoạn đầu, nhóm sẽ nghiên cứu thị trường, tìm hiểu xu hướng, chỉ ra khách hàng tiềm năng. Trong đó, khách hàng tiềm năng mà nhóm hướng đến là các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp và các vùng trồng nguyên liệu lớn.

Giai đoạn 2 nhóm sẽ chế tạo các phiên bản thử nghiệm kết hợp sản xuất thực tế ở làng nghề Phú Vinh và cuối cùng là tối ưu hóa chi phí sản xuất đại trà, quảng cáo để sản phẩm được nhiều người biết đến.

Cũng theo trưởng nhóm Nguyễn Đức Sơn, thời gian tới, nhóm sẽ chế tạo các phiên bản thử nghiệm, kết hợp sản xuất thực tế tại làng nghề Phú Vinh để đánh giá thêm về hiệu quả. Từ đó, tiến tới tối ưu hóa thiết kế, chi phí để nghiên cứu, tạo ra phiên bản tốt nhất, phát triển thành sản phẩm thương mại.

Máy đan giỏ sẽ là một thiết bị hỗ trợ cho hoạt động sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sản phẩm máy đan giỏ đã đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo trẻ Bách khoa năm 2020 dành cho sinh viên khối các trường kỹ thuật trong cả nước.

Sản phẩm của nhóm đã hướng tới các sản phẩm ứng dụng, có khả năng khởi nghiệp, phục vụ cuộc sống. Sản phẩm có thể nghiên cứu ở hướng chuyên sâu cao hơn để ứng dụng trong thực tế và thương mại hóa.

Nếu được hỗ trợ, định hướng tốt, những sáng chế như thế này có thể phát triển thành những dự án, lan tỏa thành xu hướng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô, đóng góp vào “Chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.

Tại cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020”, nhóm nghiên cứu BK Farmers được ban giám khảo đánh giá rất cao về ý tưởng và sự nỗ lực trong quá trình thực hiện, hứa hẹn đây sẽ là một thiết bị hỗ trợ hoạt động sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại năng suất và lợi ích kinh tế cao.

Đặc biệt, PGS Nguyễn Đình Tùng – Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp - Bộ Công Thương - ban giám khảo đánh giá rất cao về nguyên lý máy có đủ các loại cơ cấu, đây là một bộ máy hoàn chỉnh. Mong rằng nhóm sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Theo Giáo dục thời đại

Chia sẻ bài viết

Thong ke