Lợi nhuận khiêm tốn, SCB vẫn tự tin rót hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án “ma” của Vinafood 2
10:00 25/05/2021
Dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu, lợi nhuận khiêm tốn nhưng ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vẫn chi hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án ma của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn liên quan đến dự án số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP HCM. Câu hỏi đặt ra lúc này là Ngân hàng SCB có cho vay khống hay có trách nhiệm gì với sai phạm tại Vinafood 2?
SCB có vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng…?
Thời gian vừa qua, vụ sai phạm tại dự án số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP HCM gây chú ý dư luận. Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là khoản cấp tín dụng của ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) (hiện đã được tất toán).
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), trong việc “hô biến” đất công thành đất tư để trục lợi. Đặc biệt là Vinafood 22 làm trái chỉ đạo của Thủ tướng đến 4 lần mới bị phát hiện.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34- 36-42 Chu Mạnh Trinh (quận 1, Tp.HCM) để lập dự án ‘khống’, rồi mang đi thế chấp ngân hàng và vay tiền trái luật.
Theo đó, từ cuối năm 2015 đến nay, sau khi mua lại 4 cơ sở nhà đất, Công ty Việt Hân Sài Gòn tiếp tục dùng “chiêu” vẽ dự án khống – The Goldmark Premium Tower trên đất số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh để vay thêm nhiều ngàn tỷ từ ngân hàng MSB, Techcombank và đặc biệt là ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Cụ thể, ngày 6/2/2017, bà Trương Thị Cẩm Giang là đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn vay SCB chi nhánh Phạm Ngọc Thạch với tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nêu trên. Đáng chú ý, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lập dự án khống The Goldmark Premium Tower với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng rồi dùng để làm tài sản đảm bảo thế chấp cho khoản vay.
Mục đích của khoản vay này là trả nợ cho 9 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn, thực hiện thi công giai đoạn 1 dự án The Goldmark Premium Tower. SCB chi nhánh Phạm Ngọc Thạch đã giải ngân hơn 5.800 tỷ đồng.
Sau đó, ngày 17/8/2017 bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục ký hợp đồng vay hơn 5.300 tỷ đồng với SCB chi nhánh Củ Chi bằng tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nêu trên. Mục đích vay cũng như lần trước, thực hiện thi công giai đoạn 1 dự án The Goldmark Premium Tower.
Hiện nay, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã thế Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà đất để vay từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn khoảng 6.308 tỷ đồng. Khoản vay này được Công ty Việt Hân Sài Gòn chi cho các công ty con gồm: Công ty CP Bạch Minh Long, Công ty CP Supreme Power, Công ty CP Đầu tư Thuận Nha, Công ty CP Clover Peak, Công ty CP Đầu tư Thanh Man, Công ty CP Đầu tư Song Phú.
Nhưng khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp. Đó là các bất động sản tại dự án khu dân cư lô 9A2 khu 9A+B, khu chức năng số 9 đô thị mới nam Tp.HCM, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Việt Liên Á làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Chinh.
Được biết, đến thời điểm hiện nay, SCB đã thu hồi hết tiền cho vay (là 6.308 tỷ đồng) kèm tiền lãi theo quy định.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng Giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo là hơn 7.251 tỷ đồng, phối hơp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn và các cơ quan Công chứng để thực hiện ký cùng thời điểm 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung như nhau, có cùng giá trị tài sản bảm đảm là hơn 7.251 tỷ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác nhau là 6.308 tỷ đồng, bằng cách: Lập hồ sơ Dự án đầu tư khống (thực tế không có tồn tại dự án này, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền) đối với 4 cơ sở nhà đất này, lấy tên là The Goldmark Premium Tower, để các công ty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn với một trong các chi nhánh ngân hàng của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), có mục đích sử dụng vốn vay là “Bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án The Goldmark Premium Tower giai đoạn 1 tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này” và được giải ngân ngay.
Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này đến hạn, sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác giải ngân như cho vay mới. Phương thức và cách làm này được lập lại nhiều lần như nhau, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước là vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo cơ quan Thanh Tra, Giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay và các khoản vay liên quan đến việc sử dụng Giấy chúng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 của 4 cơ sở nhà, đất tại số số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh và xử lý nghiêm vi phạm đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền.
Lợi nhuận khiêm tốn vẫn cho vay “khủng”
Mặc dù SCB là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất đứng thứ 5 hệ thống ngân hàng nhưng theo báo cáo tài chính vài năm gần đây cho thấy lợi nhuận tại SCB rất khiêm tốn, trái ngược với quy mô tổng tài sản.
Cụ thể, năm 2016, SCB đạt lợi nhuận sau thuế 78,8 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận phân phối cho các cổ đông của Ngân hàng (lãi ròng) đạt 75,2 tỷ đồng, tương đương con số 76,4 tỷ đồng của năm 2015. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của SCB đã lên tới 361.682 tỷ đồng,tăng 16% so với năm 2015, trong đó, dư nợ tín dụng đạt 222.183 tỷ đồng, tăng 30,3%.
Lãi dự thu (các khoản lãi và phí phải thu) năm 2016 của SCB cũng tăng tới 31%, đạt 36.366 tỷ đồng, cao nhất xét trên toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Lãi dự thu từ lâu được biết đến là nơi lý tưởng để “giấu” nợ xấu, báo “lãi ảo”.
Năm 2017, lãi sau thuế tại SCB cũng chỉ đạt 124 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt 176 tỷ đồng. Năm 2019, lãi sau thuế của SCB lại giảm nhẹ, đạt gần 175 tỷ đồng, tương đương ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) chỉ 0,03%. Trong khi đó, tổng tài sản của SCB ở mức 567.894 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018 (cao nhất nhóm ngân hàng tư nhân).
Năm 2020, SCB báo lãi trước và sau thuế gấp 3,2 lần năm trước, đạt hơn 696 tỷ đồng và 551 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản tại nhà băng này đã tăng 12% so với đầu năm, đạt gần 634.417 tỷ đồng. Đồng thời, lãi dự thu tại SCB cũng cao nhất hệ thống ngân hàng với 73.598 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2020, SCB dành 1.993 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên 13.600 tỷ đồng. Song song với dự phòng, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2020 tại SCB tăng 72% so với đầu năm, lên mức 2.835 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm. Kết quả kéo tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu lên mức 1,16% và 0,81%.
Trong BCTC hợp nhất quý 1/2021 vừa công bố, SCB không có phần thuyết minh nên mọi thông tin về nợ xấu tại nhà băng này vẫn là một ẩn số.
Lợi nhuận khiêm tốn, SCB vẫn tự tin rót hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án “ma” của Vinafood 2