Để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi các HTX phải tăng cường liên kết từ trong nội bộ vùng đến liên kết ngoài vùng. Điều này không chỉ phát huy sức mạnh tổng hợp của các vùng kinh tế mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hạn chế sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các HTX ở các vùng miền trên cả nước.
Hiện nay, để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đều cần một lượng hàng lớn đảm bảo về chất lượng nhưng có thể cung ứng liên tục trong thời gian dài.
Liên kết còn lỏng lẻo
Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp liên kết với một vài HTX sẽ khó đáp ứng được yêu cầu trên. Thay vào đó, doanh nghiệp liên kết với nhiều HTX ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng cùng áp dụng một quy trình từ sản xuất đến bao tiêu sẽ giải quyết được vấn đề này.
Thực tế hiện nay, đã xuất hiện một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội, môi trường.
Tiêu biểu như Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết với hàng trăm HTX ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung sản xuất hàng chục nghìn ha lúa cùng giống, có chất lượng cao, có cùng quy trình sản xuất, chỉ dẫn nguồn địa lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mô hình này đang cung cấp gạo ra thị trường thế giới ổn định về chủng loại và chất lượng, được thị trường nhiều nước đánh giá cao.
Ở quy mô nhỏ hơn, HTX Tân Hiệp Phát (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã liên kết với các hộ dân và các HTX ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ… thực hiện mô hình trồng chuối xuất khẩu theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Những mô hình liên kết ở các cấp độ vùng, miền khác nhau này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho thành viên HTX, giảm áp lực di dân về các đô thị lớn để tìm việc làm.
Vậy nhưng, nhìn trên tổng thể có thể thấy, mô hình liên kết vùng theo các chuỗi giá trị hiện đại giữa HTX với HTX và HTX với doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nhiều. Và biểu hiện của tình trạng này chính là vấn đề đầu ra của người dân, HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng cung- cầu chưa gặp nhau vẫn xảy ra. Trong khi đó, đa phần các HTX thời gian qua phát triển chủ yếu dựa vào việc khai thác các tài nguyên sẵn có tại địa phương nên các sản phẩm của HTX còn khá đơn điệu và trùng lặp, thiếu dịch vụ bổ sung.
Theo các chuyên gia, việc các HTX chưa đẩy mạnh liên kết vùng sẽ dễ xảy ra tình trạng sản xuất trùng lặp, không có sự sắp xếp theo mô hình đầu-cuối của chuỗi giá trị, từ đó dễ dẫn đến dư cung, không phát huy được giá trị của chuỗi trong sản xuất kinh doanh hàng hóa.
Bên cạnh đó, công đoạn liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực của các HTX còn hạn chế. Hoạt động liên kết giữa HTX ở các địa phương trong vùng với nhau vẫn còn lỏng lẻo nên năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa phát huy được tổng thể lợi thế về tài nguyên cũng như những điểm mạnh sẵn có của các HTX để phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa.
Tạo sức mạnh tổng hợp
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn là chưa khơi dậy, chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, cũng như chưa có sự kết nối, liên kết mạnh mẽ để phát triển sản xuất kinh doanh giữa các HTX trong và ngoài vùng.
Trong khi hiện nay, cơ sở hạ tầng ở các vùng và liên vùng đã và đang được đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp kết nối đồng bộ. Nếu các HTX thúc đẩy liên kết vùng, sẽ tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong sản xuất, kinh doanh và quản lý mô hình HTX, quản lý chuỗi giá trị.
Thông qua liên kết vùng, mâu thuẫn giữa các HTX trong vùng được giải quyết hài hòa hơn thông qua sự bàn bạc và có những đề xuất hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về chính sách/dự án chung đối với vùng và liên vùng.
Đặc biệt, khi HTX đẩy mạnh liên kết vùng sẽ góp phần đáng kể trong việc thu hút các chủ thể khác trong nền kinh tế tham gia hợp tác, đặc biệt là thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia các hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vùng, từ đó mở rộng đầu ra cho các HTX.
Để đẩy mạnh liên kết vùng, trước tiên các HTX cần tận dụng lợi thế về vị trí địa lý tiếp giáp cận kề, giao thông kết nối thuận tiện giữa các tỉnh, thành phố ngay trong nội vùng để bổ trợ cho nhau trong sản xuất kinh doanh. Điều này cũng sẽ giúp HTX phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời bổ sung, khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển, tránh tình trạng tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Thông qua việc liên kết, hợp tác giữa các HTX trong vùng sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, tạo ra những sản phẩm đặc thù nhưng có chất lượng cao cho toàn vùng, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển hàng hóa.
Mô hình của HTX Chuối Viba (Hòa Bình) là ví dụ điển hình. Điểm nhấn của HTX là vùng nguyên liệu không chỉ được sản xuất ở Hòa Bình mà còn được mở rộng trồng và liên kết với người dân, HTX ở Chương Mỹ, Phú Xuyên (Hà Nội). Việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu không chỉ giúp HTX dễ dàng trong việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản mà còn hạn chế những thiệt hại do thiên tai.
Trước sự hiệu quả trong liên kết của HTX Viba, các chuyên gia cho rằng, trong nền kinh tế thị trường và công nghệ 4.0, cần xác định liên kết vùng là chìa khóa cho các HTX, doanh nghiệp phát triển, từ đó tạo đà có các vùng phát triển với những sản phẩm chủ lực. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu nông sản phục vụ xuất khẩu.