Thursday, 21/11/2024

Làng nghề cần làm “cách mạng” trong thời đại số

18:25 27/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng song hành thách thức. Để tận dụng tối đa cơ hội và không bị tụt hậu, bản thân các làng nghề phải làm một cuộc “cách mạng” toàn diện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thiếu sáng kiến đột phá

Theo thống kê, cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó 90% làng nghề đã chú trọng hình thành các mô hình Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm làng nghề một cách bền chặt.

Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự bùng nổ của Cuộc cách mạng 4.0, cùng bất ổn về thị trường, tác động tiêu cực của dịch bệnh, không ít HTX làng nghề bị ảnh hưởng, thậm chí suy giảm cả về quy mô hoạt động lẫn hiệu quả kinh tế.

Nghề làm miến tại làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, các làng nghề đang đối mặt với khó khăn lớn nhất là vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ, cũng như chưa có một cơ quan tổ chức nào chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm truyền thống làng nghề. Sở dĩ những sản phẩm của làng nghề chưa tìm được đầu ra một phần do có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho hàng Việt Nam truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức.

Mặt khác, hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Vấn đề đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng tầm.

Cùng chung nhận định này, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Phát triển làng nghề Nguyễn Thị Hương cho rằng, với sự phổ biến của sản phẩm làng nghề truyền thống và sự thay đổi của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khi mua sắm hoặc tới tham quan tại làng nghề.

Trong bối cảnh này, nhiều người làm nghề, nhà sản xuất ở làng nghề phải đối mặt khó khăn và thách thức, trong đó 3 vấn đề liên quan tới nguồn lực là: Nguồn lực để đổi mới sản phẩm; nguồn lực để phát triển kênh kinh doanh; nguồn lực cho tiếp thị và bán hàng.

Bà Nguyễn Thị Hương chỉ ra, điểm yếu của làng nghề là thiếu các sáng kiến đột phá và cơ hội để hành động đổi mới. Năng lực đầu tư còn hạn chế ở quy mô nhỏ, cản trở việc mua sắm đầu vào tốt hơn, như: Nguyên liệu, thiết bị, duy trì và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và có đủ sức khoẻ để làm việc năng suất và lâu bền.

“Thông qua các hoạt động khảo sát phục vụ nghiên cứu trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ khách hàng rằng sản phẩm không hấp dẫn. Đặc biệt là khách du lịch, khách tham quan các đợt hội chợ, họ cho biết cách tiếp thị và bán hàng của các làng nghề chưa làm hài lòng người mua” - bà Nguyễn Thị Hương cho hay.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Hồi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sơn mài Hạ Thái cho biết, hiện nay cái khó của làng nghề là muốn xuất khẩu đơn hàng lớn phải ứng dụng công nghệ. Nhưng hiện nay, việc chuyển đổi số ở HTX còn gặp nhiều bất cập. Thành viên HTX phải mất nhiều thời gian để đăng tải sản phẩm và cập nhật thông tin. Trong khi HTX có nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin khác nhau. Bên cạnh đó, phải có người hiểu biết về công nghệ để tương tác với khách hàng thường xuyên thì mới có đơn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) Vũ Quốc Tuấn cho rằng, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề hiện nay, do có nhiều cơ sở quy mô nhỏ bé, vốn liếng chưa nhiều, văn phòng cần gọn nhẹ, nên thiết thực nhất là ứng dụng chuyển đổi số từng bước trong những hoạt động trước đây dùng phương pháp thủ công. Ví dụ như: Quản lý, lưu giữ tài liệu; quản trị công việc, nhân sự, lập báo cáo; trao đổi thông tin, hội thảo trực tuyến; đào tạo nhân lực; thu thập dữ liệu về khách hàng; ứng dụng trong thiết kế sản phẩm… Trong đó, việc sử dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn tạo nên sự khác biệt của sản phẩm được tạo ra so với phương pháp truyền thống. Từ đó, giúp cho nhà thiết kế có những tiếp cận mới, làm nảy nở các kiểu dáng mới cho sản phẩm làng nghề.

Song song với đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Thực tiễn cho thấy trong làng nghề, các hoạt động xúc tiến thương mại đều có thể ứng dụng những công cụ hiện đại của cách mạng 4.0, nhất là trong quảng bá sản phẩm và giới thiệu sự kiện xúc tiến thương mại.

Việc giới thiệu sản phẩm có thể thực hiện bằng hình ảnh, băng hình, kỹ thuật 3D, giúp cho khách hàng nhận biết giá trị của sản phẩm, nhất là giá trị văn hóa của sản phẩm làng nghề truyền thống. Việc giới thiệu các sự kiện (như hội chợ, triển lãm...) cũng có thể ứng dụng các công cụ hiện đại, để qua thực tế ảo, khách hàng cũng có thể nhận biết những đặc sắc của từng sự kiện để tham dự, cũng như những sản phẩm hàng hóa mới để tìm mua.

Còn theo TS Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để thu hút được khách hàng, nhất là khách online, các HTX cần tạo điểm nhấn về hình ảnh, mẫu mã. Vì vậy, cần tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử. Qua đó, giúp các thành viên HTX thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

“Việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị đang là thách thức không nhỏ đối với các làng nghề. Để thực hiện đồng bộ việc này, cần có sự hướng dẫn, đào tạo cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước để các làng nghề, các xã áp dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình số trong phát triển kinh tế bài bản, chủ động hơn nữa” - TS Tôn Gia Hóa nêu ý kiến.

Theo Kinh tế đô thị

https://kinhtedothi.vn/lang-nghe-can-lam-cach-mang-trong-thoi-dai-so.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke