Thursday, 21/11/2024

Kẽ hở trong đầu tư điện mặt trời

14:38 08/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Với nhiều chính sách ưu đãi về thuế và giá mua điện, theo thống kê chưa đầy đủ cả nước hiện có hàng nghìn dự án điện mặt trời áp mái lớn nhỏ. Tuy nhiên, đã có không ít dự án núp bóng nông nghiệp để hưởng lợi trong đầu tư điện mặt trời.

Dự án núp bóng trang trại

Trong hai năm gần tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… đã có hàng trăm dự án mặc dù được đăng ký làm trang trại trồng nấm, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình công nghệ cao. Tuy nhiên, đến hiện tại có rất ít dự án triển khai nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi như giấy phép mà chủ yếu doanh nghiệp tập trung đầu tư xây dựng, lắp đặt các tấm thu năng lượng mặt trời để sản xuất điện nhằm hưởng các ưu đãi về thuế và tiền thuê đất, cũng như kỳ vọng thu lợi từ giá bán điện ưu đãi được tính toán là cao hơn hẳn so với suất đầu tư nông nghiệp.

Đầu tư, lắp đặt điện mặt trời tại các trang trại

Theo số liệu thống kê của tỉnh Gia Lai, hiện nay có khoảng trên 3.200 hệ thống điện mặt trời được xây dựng. Trong đó có khoảng 400 hệ thống áp trên mái của các công trình công nghiệp, trang trại nông nghiệp với tổng công suất trên 400 MWp. Ngành điện lực tại Đắk Lắk và Đắk Nông tính toán, nếu tính chung cả khu vực Tây Nguyên, đến nay số lượng dự án điện mặt trời đã tăng gấp 5 lần so với năm 2019.

Trong đó có khoảng 40% công suất hòa lưới điện đến từ các trang trại nông nghiệp. Với tốc độ phát triển điện mặt trời áp mái ồ ạt trên đất nông nghiệp như vậy, nhiều địa phương dự báo, chỉ trong vòng 5 năm tới, diện tích đất trồng trọt và đất rừng trong vòng sẽ thu hẹp ít nhất 23%.

Tình trạng dùng vỏ bọc trang trại nông nghiệp để đầu tư điện mặt trời áp mái như kể trên không chỉ diễn ra ở khu vực Tây Nguyên mà hiện nay đã trở thành một thực tế phổ biến tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tại miền Trung, hàng chục dự án núp bóng trang trại nông nghiệp để làm điện mặt trời đã đua nhau mọc lên ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Tại phía Nam, các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… thời gian gần đây cũng bắt đầu nhận thấy nhiều dự án điện mặt trời được xây dựng trên mái của các trang trại chăn nuôi và trồng cây dược liệu. Một số địa phương (như Đồng Phú - Bình Phước) thậm chí còn coi việc cho doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp (trồng điều, trồng hồ tiêu) để làm dự án điện mặt trời là một hướng đi mới của người dân vì kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao hơn so với tự sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ.

Biến tướng và lách luật

Điều này cho thấy những chính sách ưu đãi đối với điện mặt trời áp mái đã bắt đầu phản tác dụng, phát sinh những biến tướng để trục lợi. Bởi theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công thương phê duyệt. Vì vậy, các nhà đầu tư này đã chia nhỏ dự án (dưới 1 MWp) nhằm lách luật. Thậm chí một số nơi đã bắt đầu để lại hệ lụy đáng kể về môi trường và tác động tiêu cực đến diện tích đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp.

Thực tế hiện nay, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã xây dựng xong Dự thảo Quyết định liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái để thay thế cho Quyết định 13/2020 (đã hết hiệu lực từ 31/12/2020). Trong đó, mức giá mua điện áp mái dự kiến giảm từ 8,38 cent/kWh xuống còn 5,2-5,8 cent/kWh tùy theo quy mô dự án.

Ngay khi có dự thảo này, EVN đã dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện đối với các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020. Trong các tháng đầu năm 2021, ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư dự án điện mặt trời áp mái bỏ trốn hoặc không tiếp tục ký hợp thuê đất của người dân, mặc dù trước đó đã thuyết phục người dân chặt bỏ cây trồng để lấy đất cho thuê làm trang trại kết hợp dự án điện.

Mặc dù những trường hợp này chỉ diễn ra đơn lẻ ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa và xảy ra ở các dự án nhỏ (công suất dưới 1 MWp), nhưng những hệ lụy mang lại đối với các địa phương là khá lớn. Đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân nghèo vì đã lỡ chặt bỏ cây công nghiệp dài ngày để chạy theo các dự án điện áp mái do các doanh nghiệp đầu tư ồ ạt.

Ở góc độ cân đối nguồn cung, hiện nay Bộ Công thương đã có văn bản trình Chính phủ và Quốc hội đề xuất về việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo vì lý do hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ. Trong những tháng gần đây, ở khu vực các tỉnh phía Nam như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An… sản lượng điện bị cắt giảm từ nguồn điện áp mái cũng khá lớn.

Theo EVN khả năng trong năm nay tập đoàn này sẽ cắt giảm 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo. Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro cho các ngân hàng và nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu của các dự án điện. Ngoài ra, đối với các dự án nhỏ nằm ngoài quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính cao thì nguy cơ vỡ nợ càng lớn hơn.

Chính vì vậy, thời điểm này việc rà soát, đánh giá các dự án điện mặt trời áp mái là việc làm mà các địa phương cần nhanh chóng thực hiện để ngăn chặn triệt để làn sóng ồ ạt đầu tư điện mặt trời, có thể dẫn đến hệ lụy tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của nhiều vùng kinh tế trọng điểm.

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến cuối năm 2020 cả nước có tới hơn 101.000 công trình điện mặt trời áp mái được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9.300 MWp; trong đó, phần lớn các dự án có công suất dưới 1 MWp là các dự án thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp.

Theo Minh Châu/Petrotimes

Chia sẻ bài viết

Thong ke