Hữu Lũng (Lạng Sơn) vươn mình thức giấc: Người dân trồng loại cây 1 năm 2 vụ cho thu nhập “khủng”
21:43 09/11/2022
Không chỉ có lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp, công nghiệp, Hữu Lũng còn được biết đến là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một địa phương trù phú, thu hút nhiều việc làm và khách du lịch tới thăm.
Mặc dù sản lượng trái vụ ít hơn vụ chính, nhưng với việc trồng na 1 năm 2 vụ đang cho người nông dân Hữu Lũng thu nhập “khủng”.
Đất lành “chim đậu”
Thiên nhiên ưu đãi cho huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) rất nhiều điều kiện thuận lợi, địa hình đa phần là đồi núi thấp, khí hậu thổ nhưỡng tốt, giao thông đi lại thuận tiện. Từ Hà Nội, chạy thẳng đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, nối tiếp vào đoạn cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là du khách có thể đặt chân đến vùng đất nổi tiếng với na dai.
Bạt ngàn là vườn na được trồng dưới đất thấp, trên cả các đồi núi đá. Thiên nhiên ưu đãi nên cả những cây na cheo leo trên vách đá cũng toả một màu xanh mát.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng na trái vụ tại xã Cai Kinh là bà Nông Thị Huyền Trang, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng. Đi tới đâu, đoàn công tác đều rất ngạc nhiên về mô hình trồng na trái vụ. Mặc dù vào cuối thu, các loại cây khác đều thi nhau trút lá, nhưng với mô hình vườn na ở đây như không thấy mùa thay lá mà cả một cánh đồng na thi nhau vươn lên xanh tốt. Xen kẽ là những trái na được người nông dân bọc cẩn thận trong những chiếc túi ni lông chuyên dùng.
Vừa đi, bà Nông Thị Huyền Trang vừa trò chuyện, sở dĩ huyện Hữu Lũng phát triển được cây na là do khí hậu thổ nhưỡng ở đây quanh năm mát mẻ, đất tơi xốp, không bị ngập nước. Cách đây 5-6 năm, người nông dân mới làm thêm na trái vụ, nhưng hiệu quả kinh tế khá cao.
Nói thêm về na trái vụ cho đoàn công tác, ông Nông Văn Lợi, chủ vườn na xã Cai Kinh cho biết, na trái vụ được bắt đầu rất tình cờ. Vụ mùa tháng 6 – 7, người dân đi thu hoạch na, cắt cành dọn vườn thấy ra hoa. Thấy thế, bà con chăm sóc hoa và từ đó bà con thu hoạch xong đi dọn cành hoặc chưa thu hoạch xong cũng tỉa gối vụ luôn.
“Từ lúc gối vụ đến lúc cây ra hoa thụ phấn đậu quả khoảng 3 tháng 15 ngày là na chín”, ông Lợi nói.
Không chỉ có na dai, vườn nhà ông Lợi có cả na giống Thái cho quả to, ngon, năng suất hơn. Theo như ông Lợi chia sẻ, tổng diện tích gia đình có 3.700 cây bao gồm cả na Thái và na dai, trong đó có 1.500 cây làm trái vụ (630 cây na Thái), những cây ở trên núi đá không làm được trái vụ do thiếu nước chăm tưới hàng ngày.
Trồng na Thái năng suất hơn na dai, nhưng thị trường nội địa vẫn chuộng na dai do có vị thơm đặc trưng, ngọt sắc. Có năm trái vụ nhưng na Thái rất sai quả, 1 cây đậu 20 quả, mỗi quả đến vụ thu hoạch nặng tầm 800 gram đến 1 kg.
Ông Lợi cho biết, trồng na trái vụ không quá vất vả như những gì tưởng tượng, cách chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây không khác gì chính vụ, có những năm na trái vụ còn cho trái sai hơn chính vụ. Mỗi năm, doanh thu cả 2 vụ na được hơn 1 tỷ đồng, trừ công chăm sóc, phân bón gia đình thu về khoảng 800-900 triệu đồng.
Các nhà cùng vào cuộc
Người nông dân Hữu Lũng không “đơn thương độc mã”, song hành cùng họ có Hợp tác xã (HTX) và cơ quan quản lý Nhà nước. Chia sẻ về na Cai Kinh, ông ông Trần Ngọc Oánh, Giám đốc HXT na Cai Kinh cho biết, HTX không thu mua nông sản của bà con, mà đứng ra phối hợp với các phòng ban trong huyện tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con, cùng bà con kiểm soát phun thuốc, chăm sóc vườn tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap. Năm 2020, na Cai Kinh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
“Nhờ kinh nghiệm của bà con, kết hợp cùng HTX hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, từ khi làm trái vụ, thu nhập của bà con tăng, sản lượng na tăng thêm”, ông Trần Ngọc Oánh nói.
Nói về những khó khăn, thuận lợi khi làm na trái vụ, bà Nông Thị Huyền Trang chia sẻ, ưu điểm nhất làm na gối vụ không bị sâu bệnh hại vì được bọc trong túi ni lông, không phải phun thuốc sẽ đỡ tốn công hơn. Na trái vụ chất lượng quả tốt, thơm ngon, bảo quản được lâu nên khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ dễ, đầu ra ổn định mang lại thu nhập khá cho người dân. Đặc biệt khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”.
Tuy nhiên, cũng theo bà Trang, sản lượng na chính cao nên khi làm na trái vụ cây sẽ bị yếu dẫn đến cây dễ bị chết. Mẫu quả không đẹp như vụ chính. Diện tích nhỏ nên công tác phòng trừ sâu bệnh phức tạp và khó khăn hơn làm na vụ chính.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng, tổng diện tích trồng na của huyện là 1.664 ha, riêng diện tích na trái vụ khoảng 200-300 ha. Sản lượng chung của huyện là 12.785 tấn/năm. Hiện diện tích trồng na được tập trung ở 9 xã như Hòa Lạc, Cai Kinh, Đồng Tân, Yên Vượng, Yên Sơn, Yên Thịnh, Nhật Tiến, Minh Tiến và Thiện Tân. Bên cạnh đó, để mở rộng diện tích trồng na, huyện đang chỉ đạo phát triển tại các xã núi đá Yên Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng.
Đầu ra cho sản phẩm na tương đối thuận lợi, các thương lái và các HTX thu mua của người nông dân sau đó được tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình...Và hiện đã có 4 HTX có sản phẩm na đạt sản phẩm OCOP: Na Cai Kinh đạt 4 sao; Na Hòa Lạc, Yên Sơn, Yên Vượng đạt 3 sao.
Làm na trái vụ chính là chìa khóa giúp bà con nông dân thành công với mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với tất cả các loại cây ăn quả khác. Do đó đời sống của các hộ dân có diện tích làm na trái vụ được nâng cao, thu nhập ổn định.