Thursday, 21/11/2024

HTX Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ kêu cứu (Bài 1): Thành phố chỉ đạo một đằng, huyện Phúc Thọ làm một nẻo?

17:02 02/07/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Liên minh HTX Việt Nam đã nhận được đơn của Ban giám đốc và thành viên HTX Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ (HTX chăn nuôi Phúc Thọ) phản ánh về quyết định của UBND huyện Phúc Thọ gây thiệt hại nghiêm trọng đến hàng trăm thành viên và dự án hơn 25 tỷ đồng của HTX. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, cán bộ Uỷ ban kiểm tra của Liên minh HTX Việt Nam và phóng viên tạp chí Kinh Doanh đã tìm hiểu sự việc.

Đơn tố cáo của Ban giám đốc và thành viên HTX Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ (HTX chăn nuôi Phúc Thọ) gửi đến Liên minh HTX Việt Nam nêu những khuất tất của UBND huyện Phúc Thọ trong việc ban hành Quyết định số 2750 ngày 26/10/2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trái với Quyết định 4156 ngày 21/9/2012 và Quyết định 2397 của UBND TP Hà Nội về việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ. Quyết định này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hàng trăm thành viên và dự án hơn 25 tỷ đồng của HTX.

Theo đó, một HTX chăn nuôi Phúc Thọ nhiều năm nay làm đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng từ Hà Nội đến trung ương để giải quyết việc giao đất theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hàng trăm lá đơn kêu cứu được gửi đi nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, khiến HTX từng được đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào sản xuất, kinh doanh gắn với công nghệ cao phải rơi vào điêu đứng, phá sản.

Từ một chủ trương lớn của TP Hà Nội

Tìm hiểu về hồ sơ pháp lý của HTX Phúc Thọ, địa chỉ ở thôn 2, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ cho thấy, năm 2013, HTX được thành lập mới theo Luật HTX năm 2012, với 70 thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp trên diện tích 2,5ha.

Các thành viên đã góp vốn xây dựng chuồng trại có quy mô 5.000 con lợn thương phẩm, 8.000 con vịt, 200 con bò và 1.000m2 nuôi trồng thủy sản. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường hơn 600 tấn lợn thịt, gần 300 tấn cá và hàng triệu quả trứng vịt. Trừ chi phí, lợi nhuận của HTX thu được hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu/người/tháng.

Ngày 21/9/2012, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 4156 phê duyệt phát triển quy hoạch tổng thể kinh tế huyện Phúc Thọ, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung huyện Phúc Thọ, trong đó có xã Ngọc Tảo đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, khu chăn nuôi này có diện tích 15ha, có vị trí tại khu Dộc Trai và được thể hiện rõ trên tờ bản đồ số 2.

Từ một đơn vị dẫn đầu về tạo việc làm cho người lao động, đến nay HTX chăn nuôi Phúc Thọ gặp khó khăn, chuồng trại bỏ hoang vì UBND huyện Phúc Thọ không bàn giao mặt bằng theo Quyết định 2397 của UBND TP Hà Nội.

Với sự nỗ lực cố gắng trong sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng nông thôn, ngày 17/6/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với sự chứng kiến của nhiều Bộ, ngành, Quyết định số 2397/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ của HTX Phúc Thọ được công bố và trao cho đại diện HTX.

Theo quyết định này, diện tích chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt công nghệ cao Dương Hạ có diện tích 2,52ha tại khu Dộc Trai, xã Ngọc Tảo, thời gian triển khai dự án là 49 năm, số vốn đầu tư là 25,2 tỷ đồng, quy mô xây dựng chuồng trại 1.000 con bò thịt, bò sinh sản ứng dụng công nghệ cao/năm. Đây là một trong những dự án trọng điểm về chăn nuôi công nghệ cao không chỉ của riêng huyện Phúc Thọ, mà là của cả TP Hà Nội tại thời điểm đó.

Đến việc làm trái quy định của UBND huyện Phúc Thọ

Dự án có nhiều tính ưu việt là khai thác được nguồn nhân lực địa phương, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để cung cấp nguồn bò giống cho các trang trại cũng như cung cấp một số lượng đáng kể thịt bò cho nhu cầu của người dân Thủ đô. Và điều quan trọng là không để diện tích đất nông nghiệp bị hoang hóa trong tiến trình đô thị hóa khu vực ngoại thành Hà Nội.

Chủ trương đầu tư này sau đó được HĐND TP Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND, kỳ họp thứ 7, khóa XX ngày 4/12/2018 về việc thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP Hà Nội. Cùng với các chủ trương, Nghị quyết, quyết định trên, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo nhiều sở, ban, ngành quan tâm giúp đỡ HTX chăn nuôi Phúc Thọ trong quá trình triển khai dự án để nuôi bò công nghệ cao.

Khu chuồng trại của HTX chăn nuôi Phúc Thọ bị UBND huyện Phúc Thọ giao chồng lấn cho dự án Sharf Farm.

Thế nhưng, suốt từ đó đến nay, việc triển khai dự án chăn nuôi bò công nghệ cao Dương Hạ vẫn dậm chân tại chỗ, dù HTX chăn nuôi Phúc Thọ đã hoàn tất mọi thủ tục và UBND huyện Phúc Thọ cũng đã có Quyết định số 1091 ngày 15/10/2018 về việc “Chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ” và “Thông báo thu hồi đất” số 170 ngày 19/3/2019 của hộ gia đình bà Dương Thị Hạ, diện tích dự kiến 3.287m2 để thực hiện dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ. Phương án đền bù với tổng dự toán 7,5 tỷ đồng, niêm yết công khai và đã được Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội bàn giao bản định vị mốc giới từ ngày 20/12/2018. Nguyên nhân là UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Ngọc Tảo không chịu bàn giao mặt bằng cho HTX.

Thậm chí, diện tích đất đang sản xuất 2,52ha tại khu Dộc Trai của HTX đang sản xuất còn bị UBND huyện Phúc Thọ giao chồng lấn cho Công ty Nông trại chia sẻ SHARF FARM làm dự án nông trại chia sẻ tại Quyết định số 2750/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND huyện Phúc Thọ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã Ngọc Tảo đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, theo tờ trình số 600/TTr ngày12/9/2018 của UBND xã Ngọc Tảo.

Điều đáng nói là dự án SHARF FARM chưa được UBND TP Hà Nội cho phép đầu tư, không có trong quy hoạch sử dụng đất của xã Ngọc Tảo, nhưng lại được đích thân Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Tình đứng ra thuê đất cho, và được UBND huyện Phúc Thọ ủng hộ. Trong khi dự án Dương Hạ được UBND TP Hà Nội có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, có tên trong quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng dất năm 2020 huyện Phúc Thọ, thì lại bị bỏ ra ngoài.

Điều này khiến cho dự án Dương Hạ sẽ chết yểu, kèm theo đó là việc phá sản của HTX chăn nuôi Phúc Thọ cùng hàng trăm thành viên và hộ liên kết rơi vào điêu đứng.

Theo Vnbusiness

Chia sẻ bài viết

Thong ke