Chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, làm sao để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc phải làm cho khu vực này.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh cho các HTX nông nghiệp, hướng tới chuyển đổi số” được tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội.
1% HTX ứng dụng công nghệ số
Những năm gần đây, HTX nông nghiệp Toàn Phát (Sơn La) đã ứng dụng công nghệ cao vào trồng mận hậu với diện tích gần 35ha. Theo đó, các thành viên chuyển sang trồng mận theo quy trình VietGAP và lắp đặt camera theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, hệ thống còn hỗ trợ cung cấp cho chủ hộ thông tin cảnh báo thời tiết, sâu bệnh. Sản phẩm được đóng hộp và có mã QR-code giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Nhờ áp dụng công nghệ, minh bạch trong sản xuất mà các sản phẩm mận của HTX đã chinh phục được tiêu dùng. Tuy nhiên, với sản lượng trung bình 100 tấn/năm, mận của HTX mới chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong nước.
Không chỉ HTX Toàn Phát mà một số HTX sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao cũng đã sử dụng và ứng dụng thành công công đoạn tưới tự động, truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng Flycam, số hóa dữ liệu, điều khiển và giám sát từ xa..., từ đó giúp nâng cao sản lượng, thu nhập trên chính mảnh vườn của từng thành viên.
Hiện nay, cả nước có khoảng 27.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp có số lượng lớn nhất, chiếm khoảng 65% và đóng vai trò “bà đỡ” cho các hộ sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc ứng dụng chuyển đổi số của các HTX nông nghiệp vẫn còn hạn chế.
Tính đến nay, cả nước có 17.500 HTX nông nghiệp, tuy nhiên điều tra của Cục kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm... Điều này khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan trong hệ sinh thái.
Nguyên nhân của vấn đề này là do chất lượng nguồn nhân lực chưa cao làm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ cao. Theo khảo sát của Viện môi trường nông nghiệp tại 40 HTX trên các tỉnh thành cho thấy, trình độ của thành viên HTX chủ yếu ở mức tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ thành viên HTX có trình độ đại học rất thấp, chỉ đạt 6,6% HTX.
Ông Nguyễn Đình Tĩnh (Công ty TNHH CN Marvel Việt Nam) cho biết, thực tế khả năng tiếp nhận hệ thống phần mềm của các HTX nông nghiệp vẫn còn hạn chế. “Dù có HTX đã bố trí cán bộ trẻ, có trình độ nhất định nhưng đa phần phải qua thực hành 4-5 lần thì cán bộ HTX mới cơ bản nắm bắt được nguyên lý hoạt động của phần mềm”, ông Tĩnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, thu nhập của người dân được nâng cao. Việc sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet không còn quá xa lạ đối với người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ thành viên sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích sản xuất là tương đối thấp và biến động, chỉ đạt khoảng 34-50%, đa số các hộ mới chỉ tập trung sử dụng điện thoại để quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội.
Chuyển đổi số phải phù hợp thực tiễn
Nhìn nhận về những trở ngại, ông Lê Đức Thịnh cho rằng để chuyển đổi số, quan trọng nhất phải thay đổi tư duy, vượt ra khỏi suy nghĩ làm nông nghiệp thuần túy, thay vào đó là làm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 27.000 HTX, trong đó có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp các HTX tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới.
Ông Thịnh cũng cho rằng muốn chuyển đổi số hiệu quả, HTX phải tập trung giải quyết khó khăn về “nguồn vốn quản lý”, tức là tập trung vào kỹ năng về marketing, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng KHCN, công nghệ cao... theo từng bước để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, thay vì ứng dụng các công nghệ nặng về kiểm soát thì nên ứng dụng các công nghệ mang tính hỗ trợ như big data, IoT...
Còn theo ông Lê Anh Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp số (Hà Nội), chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX (cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực...) chứ không phải chạy theo sự áp đặt của công nghệ, sự lệch pha giữa công nghệ và khả năng vận dụng của người dùng. Chuyển đổi số có thể đơn giản là số hóa, có IoT, website, thương mại điện tử hoặc đơn thuần là chuyển từ lao động tay chân sang tự động hóa, chuyển từ giấy bút sang phần mềm. Tức là phải phù hợp với thực tiễn, năng lực tiếp nhận để không gây choáng, gây sợ cho HTX khi tiếp nhận.
Khảo sát của Viện môi trường nông nghiệp tại 40 HTX trên các tỉnh thành, 96,1% HTX hài lòng với sự hỗ trợ của các đơn vị về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý. Đây là nền tảng để các HTX tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới.