Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 ở Việt Nam đạt 97,85%, trong đó nhóm tuổi 15-35 đạt 99,3%, tính đến năm 2020.
Đó là kết quả được Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại Hội nghị Tổng kết thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, sáng 18/6. Với mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 đạt 94,88%, độ tuổi 15-35 đạt 97,91%.
Trong 8 năm qua, các địa phương đã xóa mù chữ cho trên 300.000 người ở độ tuổi 15-60. Số phụ nữ biết chữ đạt tỷ lệ cao, giúp chỉ số cân bằng giới gần đạt được sự cân bằng tuyệt đối.
Trong những người mới biết chữ, hơn 90% tiếp tục học tập và không tái mù. "Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" đã đóng góp quan trọng vào kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ", Thứ trưởng nói.
Cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trung học cơ sở mức độ 1 và nhiều nơi đạt mức chuẩn cao hơn. Tỷ lệ học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại trường đạt 64,6% và không ngừng tăng qua từng năm.
Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên cũng được phát triển, mở rộng. Hiện, cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trường cấp tỉnh, 619 cấp huyện, còn lại là trung tâm học tập cộng đồng, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống. Trong 8 năm, khoảng 8,4 triệu học viên đã theo học tại các trung tâm này, riêng học viên ngoại ngữ là 7,1 triệu người.
Tuy đề án đạt được thành tích nhất định, Thứ trưởng Độ đánh giá mục tiêu nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đạt. Cụ thể, mới hơn 43% cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2, hơn 19% đạt chuẩn bậc 3; hơn 94% cán bộ, công chức cấp xã, huyện đạt trình độ chuyên môn theo quy định; lao động, công nhân tay nghề cao hơn 82%.
Trong giai đoạn 2021-2030, Đề án Xây dựng xã hội học tập đặt mục tiêu hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đảm bảo đến năm 2030, mọi người dân đều bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng.
Để đề án mới đạt mục tiêu mong muốn, Thứ trưởng cho rằng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của học tập suốt đời đến người dân. "Ngoài ra, sự tham gia của các trường đại học liên thông trong việc cung ứng nguồn tại nguyên học liệu mở cần được đẩy mạnh. Công tác tổ chức các hoạt động học tập sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ số và công nghệ thông tin", ông Độ nói.