Hội đồng Điện gió Toàn cầu: "Điện gió ngoài khơi Việt Nam khó vận hành đúng nghĩa trước năm 2026"
18:13 22/07/2021
Trong báo cáo mới đây của Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC), các chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị cho sự phát triển ngành điện gió của Việt Nam dựa trên những kinh nghiệm, bài học từ quốc tế.
Mới đây, Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) đã công bố báo cáo về việc chuyển đổi sang đấu thầu điện gió ngoài khơi Việt Nam. Mục tiêu của báo cáo này nhằm giúp Việt Nam biến nguồn tài nguyên gió ngoài khơi quốc gia trở thành trụ cột của cơ cấu năng lượng trong tương lai.
Dựa trên những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới như Anh, Hà Lan, Đan Mạch, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để ngành điện gió của quốc gia có thể phát huy hết tài năng của mình, đồng thời ngăn chặn tất cả các rào cản trong giai đoạn đấu thầu cực kỳ quan trọng cho sự tăng trưởng.
Báo cáo cho biết, do thiếu chính sách rõ ràng bởi thị trường điện gió ở Việt Nam còn non trẻ so với các thị trường khác trên thế giới, thế nên các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ không được vận hành thương mại (COD) một cách đúng nghĩa cho đến năm 2026, thậm chí có thể muộn hơn. Vì lẽ đó, các chuyên giả của GWEC khuyến nghị Việt Nam nên có một biểu giá điện cố định (FIT) mới cho điện gió ngoài khơi và phải được áp dụng ngay từ bây giờ để hỗ trợ giai đoạn đầu với 4-5 GW kết nối với lưới điện quốc gia, trước khi thực hiện cơ chế đấu thầu.
Trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi hết hạn giá FIT mới cho 4-5 GW ban đầu của các dự án điện gió ngoài khơi, Chính phủ cần phải lên một kế hoạch thu xếp việc chuyển đổi từ FIT mới sang đấu thầu và phải được thực hiện rõ ràng và thông báo công khai.
Trước khi đấu thầu được áp dụng, tính khả thi cấp vốn của hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện tại cần được cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài. Mặc dù các nghiên cứu điển hình không đề cập đến trong báo cáo, thế nhưng các nhà phân tích nhấn mạnh rằng tính cấp vốn của PPA sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển của các dự án điện gió ngoài khơi do quy mô đầu tư lớn.
Về quy trình và chính sách hỗ trợ, báo cáo kiến nghị Việt Nam cần thông báo tối thiểu trước 2 năm cho các bên liên quan chính trong ngành về bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong cách tiếp cận. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên kết hợp một quá trình tham vấn có hệ thống và cởi mở khi xây dựng chính sách điện gió ngoài khơi trong tương lai. Hơn nữa, chính sách phát triển cho điện gió ngoài khơi phải được minh bạch hoàn toàn trong suốt cả quá trình, chẳng hạn như công bố các mục tiêu, dự thảo các quy định và quy trinh thủ tục để góp ý.
Ví dụ như ở Hà Lan, Chính phủ đã đưa ra các chỉ thị rõ ràng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi thông qua các chính sách và lộ trình hỗ trợ. Cơ quan lập pháp công bố thông tin về địa điểm và thời gian các trang trại điện gió ngoài khơi mới sẽ được đấu thầu và vận hành, cùng với các hạng mục khác. Điều này cung cấp sự rõ ràng cho tất cả các bên liên quan và đảm bảo sự chắc chắn cho các nhà phát triển trang trại điện gió.Hà Lan là một ví dụ điển hình của việc này. Cho đến nay, chính phủ vẫn tiếp tục cung cấp và đáp ứng thời gian biểu này.
Về thiết kế đấu thầu, GWEC cho biết, việc thiết kế phiên đấu thầu cần phân biệt giữa công nghệ hoàn thiện và công nghệ kém hoàn thiện. Đơn cử như ở Anh, việc chia tách các công nghệ thành các nhóm hoặc các "cụm" (ngân sách và công suất phân bổ riêng cho các nhóm công nghệ cụ thể) và sự thích ứng của các nhóm công nghệ đã phát triển là chìa khóa để đảm bảo sự hỗ trợ được phân bổ cho nhiều loại công nghệ trong khi vẫn cạnh tranh trong cùng một cơ chế đấu thầu, cũng như tối đa hóa tiềm năng đổi mới công nghệ trong các dự án quy mô thương mại. khi được công bố, cuộc đấu thầu cần có quy mô đủ lớn để có thể đáp ứng sự quan tâm mạnh mẽ đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
Đặc biệt, Việt Nam cần thực hiện nghiên cứu sâu hơn về đấu thầu 1 giai đoạn so với đấu thầu 2 giai đoạn của quốc gia. Dẫn chứng cho luận điểm này, báo cáo chỉ ra rằng, Đan Mạch là một ví dụ về quốc gia sử dụng đấu thầu một giai đoạn. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) đóng vai trò là bộ phận một cửa duy nhất, chịu trách nhiệm về các cuộc đấu thầu, nhượng quyền cũng như các thủ tục và giấy phép có liên quan. Điều này có hiệu quả trong việc đảm bảo một quá trình tinh gọn và thuận tiện về mặt hành chính. Các cuộc đấu thầu được tổ chức phải có địa điểm cụ thể do DEA phát triển sơ bộ và phê duyệt trước. Khi thắng thầu, nhà phát triển nhận được tất cả các giấy phép và sự chấp thuận cần thiết để tiến hành xây dựng.
Sự thành công của cơ chế một cửa được chứng minh bằng thời gian đã đạt được. Ví dụ, DEA đã tiến hành EIA cho Horns Rev 3 với kết quả được công bố vào tháng 5/2014, chỉ 6 tháng sau khi thông báo hợp đồng chính thức được công bố. Cuộc đấu thầu được kết thúc vào đầu năm 2015 và trang trại điện gió đã vận hành vào năm 2019.
Một quy trình cấp phép hiệu quả và hợp lý là điều cần thiết để bàn giao dự án đúng thời hạn. Chính phủ cần chuẩn bị cho việc mua bán điện gió ngoài khơi với cơ quan "1 cửa", đơn vị sẽ chịu trách nhiệm điều phối chung hoạt động cấp phép, hoặc phân chia trách nhiệm phê duyệt cấp phép rõ ràng hơn trong các cơ quan nhà nước.