Thursday, 21/11/2024

Học nghề "hot", SV Cao đẳng Lào Cai ra trường thu nhập 30 triệu đồng/ tháng

14:11 20/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai cho hay, nhà trường đã có nhiều gương sinh viên học nghề "hot", ra trường đạt mức thu nhập lên đến 30-40 triệu đồng/ tháng.

Ngành "hot", thu nhập tốt

Trao đổi với PV Dân trí về cơ hội việc làm sau của sinh viên sau khi ra trường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: "Theo số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường (kể cả hệ trung cấp và hệ cao đẳng) năm vừa qua, 87,1% các em có việc làm ngay sau 6 tháng. Phần còn lại một số em về quê không đi làm, một số em thì đi các địa phương khác nhà trường chưa thu thập được dữ liệu".

Mức thu nhập của sinh viên trường nghề sau tốt nghiệp được đảm bảo. Theo ông Đạt, sinh viên của trường ra trường xin vào làm việc trong ngành du lịch, điện, cơ khí - vốn là các ngành "hot" mà tỉnh có nhu cầu nhân lực lớn nhưng hiện đang thiếu khá nhiều.

Thu nhập của sinh viên mới ra trường phổ biến ở mức trung bình 7-8 triệu đồng/ tháng. Có những ngành nghề "ra đến đâu, hết đến đấy" và trường nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Chẳng hạn như ngành Kế toán, lương của ngành này là 9-10 triệu đồng/ tháng.

Giảng viên Nguyễn Thị Lê Ngân - Khoa Kinh tế Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn thực hành nghiệp vụ phục vụ nhà hàng, khách sạn cho sinh viên.

Đặc biệt, vốn là một tỉnh du lịch phát triển, sinh viên học ngành Du lịch của trường sau khi tốt nghiệp đã được nhận vào các khách sạn 5 sao, không ít em được đảm nhận những vị trí cao trong các khu du lịch, khu công nghiệp của Sa Pa.

Hầu hết các em được đào tạo nghề có thu nhập ổn định, trung bình khi mới vào làm việc là 7 triệu đồng/ tháng và mức thu nhập để cải thiện rất nhanh khi các em tích lũy đủ kinh nghiệm.

"Đáng chú ý, có những em đạt mức thu nhập lên đến 30 triệu đồng/ tháng khi học ngành "hot" như ngành tiếng Trung. Nhà trường đã có rất nhiều các gương này", Hiệu trưởng Hoàng Quang Đạt tự hào nói.

"Ngoài ra, một số doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Hà Nội cũng lên Lào Cai tuyển dụng và hứa hẹn một mức lương khá tốt nhưng nguồn cung của chúng tôi cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp".

Sinh viên trong một giờ thực hành tay nghề.

Giảng viên Nguyễn Thị Lê Ngân - Khoa Kinh tế Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Lĩnh vực du lịch của Lào Cai ngày càng phát triển. Nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao lớn, vì vậy trường Cao đẳng Lào Cai theo định hướng của Tỉnh ủy Lào Cai luôn luôn đầu tư phát triển mạnh ngành du lịch.

"Khoa Kinh tế Du lịch chúng tôi luôn chú trọng đầu tư phát triển năng lực cho các em. Các em từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa vào trường được đào tạo chuyên môn, được cầm tay chỉ việc. Ngoài ra, các em còn được đào tạo thêm về cử chỉ, thái độ và sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp, hầu hết 80% trở lên có việc làm ngay, nhất là ngành Du lịch.

Ngoài làm việc trong mảng khách sạn - nhà hàng, các em còn làm trong lĩnh vực khác có liên quan. Đây là cơ hội việc làm rất lớn. Các em có thể trải nghiệm nhiều lĩnh vực, tự tin thỏa sức khám phá, đem kinh nghiệm của mình về góp phần đóng góp làm giàu cho quê hương".

Em Phùng Thị Thơm đến từ huyện Văn Bàn - sinh viên năm nhất của trường tâm sự: "Chế độ chính sách của trường rất tốt đã giúp hỗ trợ được phần lớn cho việc học tập cho em. Nhận thấy ngành Quản trị khách sạn đang là ngành "hot" của tỉnh Lào Cai, em đã chọn học ngành này. Em tin rằng mình có nhiều cơ hội việc làm. Sau khi ra trường, em hi vọng làm việc đúng chuyên ngành và cống hiến cho ngành du lịch địa phương".

"Cháy hàng" sinh viên tốt nghiệp, trường nợ doanh nghiệp hơn 1000 lao động

Ông Hoàng Quang Đạt cho hay: "Nguồn lao động nhà trường đã ký kết hợp đồng sẽ đào tạo cung cấp cho doanh nghiệp hiện tại chúng tôi vẫn còn thiếu. Nhà trường đã thực hiện ký kết hợp đồng với 64 doanh nghiệp trong cung cấp nguồn lao động".

"Hiện tại, chúng tôi vẫn còn đang nợ doanh nghiệp khoảng hơn 1000 lao động", Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai cho biết thêm.

Theo ông Đạt, hiện nay nguồn cung lao động trong địa bàn tỉnh chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Bởi số lượng các em đi học đại học rất nhiều, số lượng các em đi học nghề ít.

"Hầu hết sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai chúng tôi sau khi ra trường đều có doanh nghiệp đặt hàng, cơ bản được nhận ngay. Và ngay từ khi thực tập các em đã được doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, nhận vào làm nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ nguồn để tuyển dụng.

Nguyên nhân là các em trong tỉnh đi học đại học ra trường thì kỹ năng nghề nghiệp các em có nhiều kiến thức hơn trong khi kỹ năng nghề nghiệp lại gần như không có; do đó không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Cho nên hiện nay địa bàn tỉnh nhiều doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng thiếu nguồn lao động có tay nghề khá lớn".

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã có chỉ đạo về công tác phân luồng theo Nghị định của Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, đối tượng học sinh THCS ở Lào Cai có khoảng 12.000 em, theo kế hoạch sẽ phân luồng cho khoảng 2000 em đi học hệ Trung cấp nghề. Và đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm có khoảng 8000 em, tỉnh dự kiến phân luồng 1200 em vào hệ Cao đẳng. Đây là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Lào Cao, nỗ lực của các cơ sở dạy nghề trong công tác tuyên truyền để tăng cường phân luồng.

Năm nay, trường Cao đẳng Lào Cai dự kiến tuyển 1500 em vào học hệ Trung cấp và khoảng 800-1000 em tốt nghiệp THPT vào học hệ Cao đẳng.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Xóa đói giảm nghèo bền vững

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai cho rằng, rất nhiều các chính sách trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên theo ông đánh giá, xóa đói giảm nghèo tốt nhất bền vững nhất là đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn. Đây là con đường bền vững nhất.

"Và thực tế đã chứng minh có những xã đã thoát nghèo, làm giàu được bởi vì ở khu vực đó có một nhà máy. Người lao động được đào tạo ở trường nghề rồi ra làm việc tại đó. Đây không chỉ là giải pháp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn. Cứ địa phương nào có nhiều người được đi đào tạo nghề, làm việc tại các doanh nghiệp, có nguồn thu nhập mang về thì an ninh của nơi đó được tốt hơn và xóa đói giảm nghèo được bền vững", ông Đạt chia sẻ.

Vị hiệu trưởng mong muốn, các cấp hoạch định chính sách chú ý đến điều này. Ông cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư chú trọng vào hệ thống khuyến khích học nghề.

"Con em của chúng ta vẫn muốn đi học đại học và tỷ lệ đi học đại học khá cao. Ở số nước chẳng hạn như Singapore họ có một hệ thống khuyến khích học nghề. Chẳng hạn, họ coi một kỹ năng nghề tương đương với một bằng đại học, nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa có như vậy. Hoặc ở Nhật Bản tỉ lệ học sinh đi học nghề chiếm 60%; còn ở Việt Nam, tỉ lệ học sinh đi học đại học (sau khi tốt nghiệp cấp 3) chiếm 60%. 

Cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam theo trình độ đang ở dạng tháp ngược về lao động so với thế giới. Để cải thiện điều này, vị hiệu trưởng trường nghề mong muốn các nhà hoạch định chính sách sẽ có biện pháp để khuyến khích và tái cơ cấu lại nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế.

Theo Dân trí

Chia sẻ bài viết

Thong ke