Thursday, 21/11/2024

Hệ sinh thái kín tiếng Thành Vinh của nữ doanh nhân Liên 'Thép'

16:56 27/05/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Là đại gia hàng đầu xứ Nghệ, song không có quá nhiều thông tin về hệ sinh thái đa ngành của nữ doanh nhân Lê Thị Kim Liên.

Trung tâm thương mại Vinh Centre. Ảnh: Văn Dũng

Bất động sản Nghệ An những năm qua khởi sắc rõ rệt. Sự xuất hiện của nhiều ông lớn với loạt dự án quy mô, chuyên nghiệp đang tạo ra một luồng sinh khí mới, tác động tích cực đến thị trường nơi đây.

Ở trung tâm TP.Vinh, một trong những công trình nổi bật, đóng góp vào bộ mặt đô thị phải kể đến Trung tâm thương mại Vinh Centre, đối diện Quảng trường Hồ Chí Minh và chợ Quán Lau. Tổ hợp thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí này nằm ở khu vực đắc địa nhất TP. Vinh, nơi tập trung các Sở ban ngành, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An.

Vinh Centre gắn liền với hình ảnh của nữ doanh nhân Lê Thị Kim Liên, còn được giới doanh nhân Thành Vinh đặt biệt danh là Liên "Thép", vì bà từng có thời gian đi buôn thép. 

Bà Kim Liên sinh năm 1972, là đại gia có tiếng ở Nghệ An. Ngoài Vinh Centre, người ta đồn đoán bà tham gia nhiều thương vụ buôn bán dự án. Nhưng cụ thể ra sao, thì không có quá nhiều thông tin chi tiết.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, pháp nhân lõi trong hệ sinh thái đa dạng của bà Lê Thị Kim Liên là CTCP Xây lắp và Thương mại hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, được thành lập từ năm 1997. Tại thời điểm đầu năm 2017, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 16 tỷ đồng, trong đó bà Kim Liên chiếm chi phối 55%, chồng bà - ông Trần Đình Quý có 15%, một cổ đông họ Lê khác - bà Lê Thị Hải Yến (SN 1974) nắm 30% còn lại.

CTCP Xây lắp và Thương mại có một công ty con là CTCP Dâu tơ tằm Việt Nam, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn sắt, thép. Ngoài ra, hệ sinh thái của doanh nhân Lê Thị Kim Liên còn phải kể tới Công ty TNHH DVTH Hoàng Sơn (hoạt động kiến trúc); Công ty TNHH Khánh Vinh (sản xuất gạch); CTCP Phát triển Hoa Sen; CTCP Vật liệu xây dựng Việt Nhật (sản xuất bê tông), hay Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Nghệ An.

Dự án trung tâm thương mại Lotte đang dần hoàn thành sau thương vụ "lướt sóng" của bà Lê Thị Kim Liên. Ảnh: Văn Dũng

Nguyễn Kim Nghệ An ban đầu là thành viên của Nguyễn Kim Group, là chủ dự án Trung tâm thương mại Vinh quy mô 12.000 m2, tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý III/2015. Thế nhưng, gần 6 năm sau, dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

Sau nhiều lần đốc thúc, ngày 16/3/2017 UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định cho phép Nguyễn Kim Nghệ An được gia hạn thực hiện dự án thêm 24 tháng, tức là phải hoàn thành trước 16/3/2019. 

Ngay trước "deadline" thu hồi, bà Kim Liên đầu tháng 3/2019 đã mua lại dự án từ Nguyễn Kim Group. 

Những tưởng về tay doanh nhân gốc Nghệ sẽ góp phần thay đổi tình thế và hồi sinh dự án hơn nửa nghìn tỷ, song dự án này vẫn không thoát cảnh "quây tôn, đắp chiếu" và gần một năm sau, ngày 22/1/2020 UBND tỉnh Nghệ An bất ngờ có Quyết định số 238/QĐ-UBND chấp thuận chuyển nhượng dự án Trung tâm thương mại Vinh từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Nguyễn Kim Nghệ An cho CTCP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam.

Chia sẻ với truyền thông khi được hỏi vì sao không thực hiện dự án như đã cam kết thì bà Liên cho rằng “có nhiều lý do lắm” và không nói gì thêm.

Ít ai biết bà Kim Liên là cổ đông sáng lập, sở hữu 20% cổ phần trong CTCP Đầu tư đô thị Dầu khí Quang Trung (PVUC) - chủ đầu tư dự án Cải tạo, xây dựng lại khu A - chung cư Quang Trung (dự án Quang Trung), TP. Vinh. Thời điểm thành lập (2014), công ty này có số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ngoài bà Kim Liên, các cổ đông khác là CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (17,5%), Nguyễn Đức Tiến (15%), Phan Đức Thuận (17,5%) và Hoàng Văn Nguyên (30%).

Đến tháng 8/2017, Dầu khí Nghệ An thoái vốn khỏi PVUC, tỷ lệ sở hữu lúc này như sau: Lê Thị Kim Liên (20%), Nguyễn Đức Tiến (31,5%), Phan Đức Thuận (2%) và Hoàng Văn Nguyên (30%). Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là Nguyễn Đức Tiến (SN 1973). Ông Tiến, nên biết, còn là chủ sở hữu/đại diện pháp luật tại một số công ty khác là CTCP Cung ứng và dịch vụ Visscom, CTCP Đầu tư BĐS Đại Trường Thành hay CTCP Đầu tư DTG Holdings.

Trở lại với dự án Quang Trung, dự án này được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2010 và cấp giấy phép đầu tư cho CTCP Xây lắp dầu khí Nghệ An. Nhưng do chậm tiến độ kéo dài, UBND tỉnh Nghệ An đã thu hồi giấy phép và giao cho nhà đầu tư mới là PVUC thực hiện Dự án. Theo số liệu trong bản cam kết của PVUC (ngày 31/3/2015), tổng mức đầu tư cho Dự án Quang Trung là 1.028 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 258 tỷ đồng. Vào ngày 14/4/2015, PVUC đã thế chấp toàn bộ tài sản và các lợi ích liên quan đến dự án Quang trung tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – CN Nghệ An.

Bên cạnh bất động sản, nông nghiệp cũng là mối quan tâm đặc biệt của nữ doanh nhân này. Riêng trong tháng 1/2021, bà Lê Thị Kim Liên đã cùng hai cá nhân khác là Trần Thị Linh Chi, Phan Thế Chiến thành lập các pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực này là CTCP Đầu tư Phát triển Nông Nghiệp Việt; CTCP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Lục Dạ; CTCP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Đại Ngàn với vốn điều lệ mỗi doanh nghiệp là 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Liên còn từng là Tổng giám đốc và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Vĩnh An - chủ trung tâm sát hạch lái xe số 1 Nghệ An, pháp nhân từng được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết "Sự trỗi dậy của Golden City - ông lớn địa ốc số 1 Nghệ An".

Năng lực hệ sinh thái của doanh nhân Lê Thị Kim Liên

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, giai đoạn 2017-2019, doanh thu thuần của CTCP Xây lắp và Thương mại đều dao động trên mức 100 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 224,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh lại là vấn đề lớn khi doanh nghiệp này giai đoạn 2017-2019 chìm trong thua lỗ. Trong đó năm 2019 lỗ sau thuế 7,6 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu xuống mức âm 13 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty là 106 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả đã lên đến 119 tỷ đồng.

Chỉ tiêu kinh doanh khiêm tốn cũng là bức tranh chung cho cả hệ sinh thái của bà Lê Thị Kim Liên. Riêng năm 2019, đem về khoản doanh thu thuần lớn nhất là DVTH Hoàng Sơn với hơn 115 tỷ đồng, theo sau là Vĩnh An với 41,6 tỷ đồng. 

Về phần mình, giai đoạn 2017-2019, PVUC không phát sinh lợi nhuận và có doanh thu thuần đạt đỉnh vào năm 2017 với 30,9 tỷ đồng và giảm sút liên tiếp trong những năm gần đây. Riêng năm 2019, chỉ tiêu này là 3,9 tỷ đồng, giảm 66% so với năm trước. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty là 234 tỷ đồng.

Theo Nhà đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke