Emil Schmid, một chuyên gia về phần mềm máy tính, bất ngờ gặp chuyện buồn vào năm 42 tuổi. Ông quyết định nghỉ việc và đi du lịch trong vòng một năm để tìm lại ý nghĩa của cuộc sống.
Emil sau đó thuyết phục vợ là Liliana cùng đi với mình. Bà miễn cưỡng đồng ý, bỏ dở nghề thư ký và lên đường cùng ông.
Đó là ngày 16/10/1984. Hai vợ chồng ông lên chuyến bay thẳng từ Iceland tới New York, để lại tất cả tài sản của mình tại quê nhà và bắt đầu hành trình khám phá Bắc Mỹ theo dự tính ban đầu.
Chiếc Land Cruiser ‘82 được ông chuyển đến Mỹ bằng đường biển sau đó. Khi chiếc xe đến nơi, họ chất đồ đạc và những vật dụng thiết yếu nhất cho cuộc sống rồi hướng thẳng tới Montreal, Canada.
Thoáng chốc, một năm trôi qua nhưng ông Schmid hoàn toàn không muốn dừng lại, dù vợ còn do dự nhưng ông vẫn kiên trì thuyết phục để bà Liliana tiếp tục cuộc hành trình này.
Kể từ đó, họ đã đi khắp thế giới trong suốt 37 năm ròng rã. Tính đến năm 2017, vợ chồng nhà Schmid nắm giữ ba kỷ lục Guinness về hành trình lái xe lâu nhất vượt qua quãng đường dài nhất (741.065 km) và đi qua nhiều nước nhất (186 quốc gia) trên một chiếc ôtô.
Nhưng cho tới nay khi đã gần bước sang tuổi 80, họ vẫn chưa muốn dừng lại. Chiếc xe Toyota cũ kỹ đã trải qua nhiều lần tái chế với hàng trăm chiếc lốp xẹp, hàng chục bộ giảm xóc và pin cùng vô vàn những vết lõm, xước không thể đếm xuể. Emil hy vọng có thể tiếp tục cho đến khi không còn lựa chọn nào khác ngoài dừng lại.
Bà Liliana từng chia sẻ 'Cuộc sống không được đo bằng số lần ta hít thở mà bằng những nơi cuốn đi hơi thở của ta. Chính những điều nhỏ bé như cây cối, hoa lá, chim chóc mới thật sự làm nên ý nghĩa của cuộc sống'.
Trước khi đến một đất nước mới, họ thường mua sách về đất nước đó để tìm hiểu và sau đó mới lên lịch trình.
Trung bình mỗi ngày họ lái xe ba giờ và đi không quá 150km để tận hưởng phong cảnh đẹp, gặp gỡ và trò chuyện với người bản địa, trả lời email, cập nhật thông tin và ảnh chụp tại nơi họ dừng chân lên trang web riêng.
Thời gian đầu, họ dùng số tiền Emil tiết kiệm được để đi du lịch, sau đó mẹ Liliana mất và để lại cho bà một khoản thừa kế. Hai vợ chồng dùng số tiền này để chi tiêu bên cạnh thu nhập từ công việc làm thêm và những khoản hỗ trợ từ cộng đồng.
Để đi vòng quanh châu Âu, Emil và Liliana mất ba năm rưỡi, Bắc Mỹ mất đến sáu năm, Nam Mỹ hơn ba năm, châu Phi ba năm rưỡi, gần một năm ở Australia và ba năm ở châu Á. Việt Nam là đất nước thứ 152 trong hành trình dài của ông bà. Họ đã đón năm mới 2006 tại Mũi Né, Phan Thiết.
Trước khi sang Việt Nam, bà Liliana từng bị gãy chân do một tai nạn ở Campuchia. Họ từng bị đe dọa tính mạng vì bị cướp ít nhất ba lần.
Lần mất trộm ở châu Phi khiến ông Emil trở nên thận trọng phải lắp thêm những tấm lưới kim loại khóa chặt cửa kính xe. Những tai nạn nhỏ như xe bị sa lầy, lốp xe hỏng xảy ra thường xuyên và chỉ là chuyện vặt đối với họ.
Chiếc ôtô được trang bị bếp và cả bồn rửa tay. Nóc xe được gia cố thêm hai cái càng kim loại bám chặt lấy mui xe làm giá đỡ cho một dãy dài những can đựng nhiên liệu, thùng chứa 50l nước và tấm lót kim loại chống sa lầy. Emil cho biết chiếc xe nặng 2 tấn, cộng thêm 2,5 tấn đồ đạc nữa là lên tới 4,5 tấn.
Ông bà Emil không có con cái. Họ tin rằng điều tốt đẹp nhất họ có được từ chuyến đi dài này chính là bạn bè. 'Mặc dù đã trải qua nhiều khó khăn và sợ hãi, chúng tôi đã gặp được rất nhiều người bạn tuyệt vời trong suốt cuộc hành trình. Và chúng tôi phát hiện ra rằng con người trên thế giới này không quá tệ như tin tức hay tivi thường mô tả. Có đến trên 95% số người mà chúng tôi gặp là người tốt bụng, họ sẵn sàng chia sẻ miếng ăn cuối cùng của họ với chúng tôi'.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/du-lich/hanh-trinh-37-nam-di-phuot-cua-cap-doi-ky-luc-gia-80-tuoi-774476.html