“Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới - Kỳ 1: Bài học từ hỗ trợ và kích thích nền kinh tế
10:08 06/07/2021
Tập trung gói hỗ trợ và kích thích kinh tế đang là lựa chọn của nhiều quốc gia để không lỡ hẹn chuyến tàu chuyển đổi lịch sử sang một nền kinh tế toàn cầu mới.
Trong khi các quốc gia giàu có tranh luận sôi nổi về việc cần phải “hành động lớn” bằng các gói kích thích tài khóa, tiền tệ vừa lớn, vừa chưa có tiền lệ nhằm ứng phó với Covid-19, thì các quốc gia mới nổi lại xem chống dịch là ưu tiên hàng đầu, đồng thời thúc đẩy các cải cách mang tính cấu trúc. Vậy phải làm gì để đừng lỡ hẹn chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới?
Kỳ 1: Bài học từ hỗ trợ và kích thích nền kinh tế
Tập trung gói hỗ trợ và kích thích kinh tế đang là lựa chọn của nhiều quốc gia để không lỡ hẹn chuyến tàu chuyển đổi lịch sử sang một nền kinh tế toàn cầu mới, được xây dựng trên nền tảng xanh và kỹ thuật số.
Bài học thất bại của các gói kích thích kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi
Các nước giàu có, được tích lũy nguồn lực từ thời kỳ đại bình ổn nhiều thập kỷ trước, dư thừa nguồn lực để thực hiện các chính sách bơm tiền vào nền kinh tế với quy mô lớn chưa từng có, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hiện vẫn tiếp tục với quy mô ngày càng lớn hơn để đối phó với đại dịch.
Các quốc gia mới nổi cũng mô phỏng theo các nước phát triển bằng các gói kích thích kinh tế, thậm chí rất hào phóng, để đối phó với khủng hoảng tài chính năm 2008. Một phần sự hào phóng này do nhiều nền kinh tế mới nổi có tiềm năng tăng trưởng cao gần 2 con số trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, đáng buồn là, tất cả những khoản chi tiêu khổng lồ chỉ tạo ra một sự tăng trưởng trong thời gian ngắn, để rồi sau đó lụi tàn dần. Các nền kinh tế mới nổi giờ được nhắc đến nhiều hơn với rủi ro thường trực để trả những món nợ vượt quá khả năng chi trả.
Khi Covid-19 xảy ra vào năm 2020, các nền kinh tế mới nổi không còn đủ nguồn lực để thông qua các gói kích thích tài khóa như trước đây. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy cải cách để nâng cao năng suất. Các gói kích thích tài khóa, tiền tệ và bảo lãnh tín dụng của nhà nước ở các nền kinh tế mới nổi tăng từ 6% GDP vào năm 2008 lên đến 9% GDP vào năm 2020. Tuy vậy, chúng vẫn còn rất nhỏ so với quy mô các gói kích thích kinh tế của các nước phát triển (từ 10% GDP năm 2008 lên đến 33% GDP trong năm 2020). Các quốc gia phát triển đã chi cho các gói kích thích kinh tế vào năm 2020 nhiều hơn gần 4 lần so với các nước đang phát triển.
Trung Quốc là trường hợp đáng lưu ý nhất. Các gói kích thích tài khóa năm 2008 lên đến 14% GDP đã được nhiều tổ chức ca ngợi hết lời là đã “giải cứu” nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái. Kết cục, Trung Quốc đang bắt đầu gánh chịu hậu quả với quả bom nợ khổng lồ, nguy cơ bong bóng tài chính và tăng trưởng bắt đầu chậm dần lại đáng kể. Phản ứng với Covid-19, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc chỉ còn khoảng 9% GDP.
Phản ứng với đại dịch, các nước đang phát triển, thay vì tập trung quá mức vào tính toán các gói kích thích kinh tế đủ lớn như thế nào, lại đặt cược vào bài toán làm thế nào thúc đẩy hàng loạt cải cách nhằm nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng.
Truyền thông thế giới đưa tin nhiều về việc nông dân Ấn Độ biểu tình giữa đại dịch do Chính phủ bắt đầu chấm dứt nhiều khoản trợ cấp mang tính bảo hộ nông nghiệp. Nhưng đó là cái giá phải trả của đạo luật nông nghiệp mới, trong một nỗ lực toàn diện nhằm thúc đẩy cạnh tranh khu vực tư nhân để tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng.
Indonesia cảm nhận không được hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế khỏi Trung Quốc do căng thẳng Mỹ - Trung, nên đang đặt ra chương trình nghị sự đầy tham vọng bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời quyết liệt truy vết các khoản thuế khu vực kỹ thuật số và chuyển mạnh sang mở cửa thị trường tài chính để phấn đấu GDP tăng bình quân 5%/năm trong nhiều năm tới.
Trong khi đó, Philippines đang nén đau để cắt giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp khá cao, từ 30% xuống 20%, nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, lần đầu tiên cho phép người nước ngoài mua nhà và các doanh nghiệp địa phương.
Đáng ngạc nhiên là, Trung Quốc bắt đầu mở cửa mạnh mẽ hơn nữa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư quốc tế, cho dù nguồn lực vẫn còn rất dồi dào.
Rõ ràng, sự bất định phía trước khiến các quốc gia phải cảnh giác mở rộng các bộ đệm tài khóa, tiền tệ để gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
Kế hoạch 3 điểm: “vắc-xin, thể chế, kinh tế xanh và số hóa”
Bài học đầu tiên cho Việt Nam là, trong khi xem “chống dịch như chống giặc”, cũng cần phải đặt trọng tâm cho các chiến lược cải cách mang tính cấu trúc.
Về vấn đề này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây có khuyến nghị đối với các nước đang phát triển bằng kế hoạch 3 điểm, bắt đầu bằng việc khuyến khích sản xuất và phân phối vắc-xin phòng Covid-19. Sau đó, các chính phủ cần phải cải cách chính sách tài chính công theo hướng giảm dần hỗ trợ cho nền kinh tế, đồng thời dỡ bỏ các rào cản thể chế. Cuối cùng, các chính phủ nên tìm cách đầu tư mạnh mẽ để hướng đến tăng trưởng do đổi mới công nghệ cao hơn và xanh hơn, nhằm phát triển bền vững hơn.
Đối chiếu khuyến nghị 3 điểm của IMF, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP 2021 (về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022) đã đề cập tham vọng tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vắc-xin ở nước ta là bước đi đúng hướng, mang tính quyết định mọi thành bại sau này.
Nghị quyết này hầu như đề cập đủ mọi khía cạnh trong kế hoạch 3 điểm của IMF, song các giải pháp trọng tâm lại chưa đề cập đến ít nhất 2 vấn đề cốt lõi. Đó là phát triển nền kinh tế xanh và chống biến đổi khí hậu; mở cửa thị trường tài chính mạnh mẽ hơn nữa để thu hút nhiều hơn các nguồn lực bên ngoài.
IMF khuyến cáo “các quốc gia nghèo hơn có nguy cơ lỡ hẹn chuyến tàu chuyển đổi lịch sử sang một nền kinh tế toàn cầu mới, được xây dựng trên nền tảng xanh và kỹ thuật số”.
Rủi ro của việc làm quá nhiều sẽ thấp hơn rủi ro của việc làm quá ít hoặc không dám làm gì
Bất chấp nỗ lực chống dịch, hậu quả của đại dịch đã để lại vết sẹo quá lớn cho các nước. Việt Nam cũng không là ngoại lệ và ưu tiên hàng đầu của chúng ta sắp tới là phải chữa lành các tổn thương. Chúng ta phải dám nhìn thẳng sự thật rằng, đã đến lúc chấp nhận tăng đáng kể các khoản chi tiêu đầu tư, tăng nợ công để hỗ trợ các hộ gia đình, người lao động và các doanh nghiệp bị tổn thương. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ lo ngại rủi ro tài chính công và tính bền vững của nợ công. Nhưng cũng nên sớm kịp nhận ra rằng, nếu đại dịch không được kiểm soát, hậu quả là sẽ tạo ra rủi ro, thậm chí còn lớn hơn đối với sự thịnh vượng lâu dài của nền kinh tế và tính bền vững tài khóa.
Việc triển khai gói hỗ trợ và kích thích tài khóa lần đầu vào năm 2020 là một dạng thiết kế và thực thi chính sách theo kiểu “rủi ro của việc làm quá ít sẽ thấp hơn rủi ro của việc làm quá nhiều”. Thực tế đã cho thấy, một chính sách như thế ít mang lại hiệu quả, vì chẳng có bao nhiêu đối tượng được thụ hưởng các lợi ích được nêu như kỳ vọng. Vì vậy, gói kích thích tài khóa và hỗ trợ kinh tế sắp tới cần được thiết kế đảo ngược lại, theo phương châm “rủi ro của việc làm quá nhiều sẽ thấp hơn rủi ro của việc làm quá ít hoặc không dám làm gì”. Chúng ta chỉ có hai chọn lựa và chỉ còn cách lựa chọn kịch bản ít xấu nhất.
Gói hỗ trợ kinh tế và kích thích tài khóa phải đủ lớn để bao phủ, đơn giản, nhưng hiệu quả. Chẳng hạn, đối với gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động, nếu chỉ phát tiền cho người lao động, cho người dân, nhưng họ không chi tiêu mà để dành tiết kiệm thì sẽ không (hoặc ít) hiệu quả. Thay vào đó, có thể phát phiếu mua hàng có thời hạn nhất định (vé máy bay, hoặc các mặt hàng cần kích cầu) theo kiểu mua 1 tặng 3. Người dân nhận phiếu chỉ chi trả 1 đồng cho món hàng trị giá 3 đồng, phần chênh lệch sẽ được ngân sách chi trả. Phiếu mua hàng dạng này nếu áp dụng ở các chợ đêm tại các thành phố lớn và nơi du lịch sẽ là mũi tên trúng nhiều đích: hỗ trợ người lao động, trong khi kích cầu ở các khu vực kinh tế bị tổn thương nặng nhất, nhờ đó, giảm nhẹ gánh nặng chi ngân sách ở các khu vực này.
Cải cách chính sách thuế
Theo IMF, hành động khẩn cấp lúc này là ưu tiên tiêm chủng vắc-xin cho người dân, còn các vấn đề liên quan đến chi tiêu tài khóa và trần nợ công thuộc vấn đề dài hạn. Mặc dù vậy, trong quá trình tiến đến dài hạn, chúng ta cũng phải xử lý dần những rủi ro có khả năng dẫn đến an toàn tài khoá sau này. Đại dịch là một cú sốc tạm thời. Về nguyên tắc, thiết kế nguồn thu để tài trợ cho việc xử lý hậu quả của đại dịch cũng phải mang tính chất tạm thời. Trong bối cảnh đó, các chính sách tăng thuế vào lúc này, thay vì làm ngược lại, vừa ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư, vừa ảnh hưởng đến sức chống chịu của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có nhận định đáng lưu ý về vấn đề này khi cho rằng, không chấp nhận làm thuế kiểu “ngứa đâu, gãi đó”. Chúng ta cần lưu ý hai vấn đề.
Thứ nhất, do là cú sốc tạm thời, cơ quan thuế không nhất thiết phải dùng công cụ thuế để tăng nguồn thu. Thay vào đó, có thể mạnh dạn dùng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước, tiết kiệm nhiều hơn nữa các khoản chi thường xuyên hoặc thậm chí có thể tính tới phương án phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế.
Thứ hai, nhân cơ hội này, biến các khoản thuế từ cú sốc tạm thời thành các khoản thuế mang tính cấu trúc, vĩnh viễn. Đại dịch đã thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số phát triển chưa từng có. Đây là lúc cơ quan thuế nên tập trung tối đa nguồn lực thiết kế chính sách thuế cho khu vực kinh tế số nhằm tạo nguồn thu dài hạn, bù đắp phần nào các khoản chi quá mức ứng phó với đại dịch. Điều này thể hiện một sự thay đổi căn cơ và mang tính hệ thống của chính sách thuế.