Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Huy Hoàng cho biết, theo phê duyệt đánh giá tác động môi trường xử lý bãi rác này, nilon phân loại sẽ được tái chế.
''Chúng tôi có lắp dây chuyền trong khuôn viên đất của dự án để tái chế và hoạt động được khoảng 1 năm. Nhưng tỉnh Hải Dương muốn xây nhà đến đâu cho người dân vào ở đến đó nên việc tái chế phải dừng lại vì gây ô nhiễm. Sau thời gian xử lý, doanh nghiệp đã phân loại được 5.000 tấn và sơ chế giặt, rửa, ép thành từng kiện. Nó trở thành nguyên liệu cho ngành sản xuất hạt nhựa bình thường, chứ không còn là rác thải nữa.
Trước đó, chúng tôi đã có đề xuất với tỉnh cho phép doanh nghiệp thuê lại 10.000m2 đất tại huyện Thanh Hà hoặc TP Chí Linh để di chuyển 5.000 tấn phế liệu đến tập kết và chờ phương án xử lý. Đồng thời thuê đất trong khu công nghiệp của tỉnh để xây dựng nhà máy sản xuất tái chế hạt nhựa. Tuy nhiên tỉnh không đồng ý với phương án này và trong cuộc họp mới đây tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp chuyển rác trong vòng 2 tháng, doanh nghiệp đồng ý với quyết định này. Trước mắt doanh nghiệp sẽ tìm thuê kho bãi để chuyển và tập kết toàn bộ số rác thải đó” - ông Phùng Văn Huy thông tin.
Trước đó, như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, hiện nay, cư dân ven sông Thái Bình, phường Hải Tân, TP Hải Dương đang phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nguyên nhân từ bãi phế liệu cách đó khoảng 100m được chất cao 3 - 4m, dài đến hàng trăm mét.
Theo phương án được phê duyệt, nilon trong bãi rác này sau khi phân loại, một phần được xử lý bằng phương pháp đốt, một phần được giặt rửa, đóng kiện, đưa đi tái chế. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, Công ty Huy Hoàng đã không xử lý nilon bằng phương pháp đốt mà chỉ giặt rửa, đóng kiện, tập kết trong khuôn viên.
Theo kết quả khảo sát vào giữa năm 2021 của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, Công ty Huy Hoàng đang tập kết khoảng 5.000 tấn nilon (3.000 tấn trong hành lang đê Thái Bình và khoảng 2.000 tấn trong khuôn viên công ty).
Công ty Huy Hoàng cũng đã có công văn số 25/2001.CV-HHHD ngày 12/5/2021 giải trình với Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết chậm nhất giữa tháng 7/2021 sẽ chuyển toàn bộ lượng nilon đang tập kết đi xử lý.
Từ đó, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu Công ty Huy Hoàng tập trung có biện pháp chuyển ngay lượng nilon đang tập kết đi xử lý. Nếu sau ngày 20/7/2021 (hoặc ngày khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh) công ty vẫn tập kết nilon không đúng quy định, Sở TN&MT sẽ lập hồ sơ xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên đến nay núi rác này vẫn tồn tại gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực.
Theo Môi trường và đô thị
Hải Dương chốt thời gian chuyển dứt điểm 5.000 tấn rác (moitruongvadothi.vn)