Để gỡ nghẽn đầu ra cho nông sản đang nằm trong “vùng dịch” Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và doanh nghiệp để vừa tạo thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu, tiêu thụ trong nước vừa kiểm soát an toàn dịch bệnh.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở “vùng dịch” lớn nhất cả nước là tỉnh Bắc Giang vẫn đang diễn biến phức tạp thì những lô vải thiều đầu tiên ở hai huyện Tân Yên và Lục Ngạn của tỉnh này đã được thông quan hôm 19/5 vừa qua qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn để xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc.
Lo vận chuyển gặp khó
Có thể thấy đây là nỗ lực lớn của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong việc khơi thông đầu ra cho mùa vải năm nay. Để làm được điều đó thì chính quyền địa phương đã lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung.
Ở Tân Yên và Lục Ngạn đã triển khai thiết lập vùng an toàn để tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, việc đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cũng được thực hiện trong các hoạt động thu hoạch, thu mua vải thiều.
Và trước đó nữa, Bắc Giang đã phải gửi văn bản đến các địa phương đề cập hiện nay xe chở nông sản, hàng thiết yếu, nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh đến các tỉnh bạn đều bị chốt kiểm soát chặt lại, không cho qua. Không những vậy, xe chở hàng từ nơi khác đến Bắc Giang khi trở về địa phương, lái xe phải cách ly tập trung 21 ngày.
Cần ghi nhận thêm hồi tuần rồi Chính phủ vừa đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều Bắc Giang. Điều này góp phần quan trọng vào việc XK vải thiều sang Trung Quốc được thuận lợi trong lúc này.
Tuy vậy, những khó khăn phía trước về mặt XK nông sản vẫn đang chực chờ đối với tỉnh này bởi vì việc XK qua cửa khẩu vẫn còn gặp trở ngại ở khâu vận chuyển, lưu thông hàng hoá.
Trong việc XK rau quả ở các địa phương sang Trung Quốc, chia sẻ với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng vấn đề vận chuyển vẫn đang là một trong những thách thức lớn. Nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc vận chuyển phải kéo dài tốn kém nhiều thời gian.
“Do việc kiểm tra dịch bệnh ở khu vực biên giới kéo dài đã làm ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng, nhất là các phương tiện vận tải do gặp vấn đề kiểm dịch nên không quay đầu kịp”, ông Nguyên nói.
Để giúp việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang được thuận lợi, gỡ khó về đầu ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ nhằm gỡ vướng đầu ra cho tiêu thụ nông sản. Đặc biệt khi mà tỉnh này đang cần khơi thông đầu ra cho một triệu con lợn, sản lượng thịt 44.000 tấn; 20 triệu gia cầm, sản lượng thịt 10.000 tấn; 17.000 tấn thủy sản; 20.000 tấn rau; 15.000 tấn dứa; 180.000 tấn vải thiểu vào vụ thu hoạch; 20.000 tấn nhãn; 15.000 tấn na sắp đến vụ...
Cụ thể, “các địa phương cần giúp đỡ, tạo điều kiện thông thương hàng hóa qua cửa khẩu thuận lợi, nhanh chóng”, văn bản đề nghị của tỉnh Bắc Giang do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương ký gửi Thủ tướng nêu rõ. Mặt khác, trong văn bản của tỉnh cũng cam kết: lái xe và người giao hàng được xét nghiệm Covid-19, các xe vận chuyển nông sản đều được khử khuẩn.
Cần sự hỗ trợ đồng bộ
Còn ở tỉnh Bắc Ninh - một trong hai điểm dịch nóng nhất cả nước hiện nay, việc lưu thông, tiêu thụ nông sản sao cho đúng quy định và ổn định cũng đang là vấn đề quan tâm lớn.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình dịch Covid-19 để có những chỉ đạo kịp thời nhằm ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh) vốn đang kích hoạt cao nhất các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, theo ghi nhận thì sản lượng cá lồng trên sông và sản lượng thịt gia cầm đang khó khăn đầu ra, vẫn còn nhiều, tiêu thụ bấp bênh.
Chính vì vậy, huyện này đang muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ nông sản. Nhất là nâng cao khả năng vận chuyển, cung ứng, kết nối tiêu thụ các loại rau quả và cây trồng khác, chăn nuôi, thủy sản…
Để gỡ nghẽn về đầu ra cho nông sản ở các địa phương là “vùng dịch” trong lúc này, giới chuyên gia nhấn mạnh đây là lúc cần thiết có sự hỗ trợ đồng bộ và kịp thời hơn nữa của các cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp.
Nhất là trong vấn đề về vận chuyển. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, nếu như trước đây việc chuyên chở mặt hàng nông sản qua cửa khẩu để sang Trung Quốc được kiểm hoá nhanh, còn hiện nay do dịch bệnh nên người ta bắt phải phun trùng, khử khuẩn khá phức tạp.
Không những vậy, theo vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, có những thời điểm tài xế xe tải ở Việt Nam không được phép chạy qua bên kia cửa khẩu mà phải để tài xế Trung Quốc đi sang bên mình rồi lái xe qua cửa khẩu.
“Điều này càng làm trầm trọng trong vấn đề giao hàng nông sản”, ông Nguyên lưu ý thêm.
Trong việc XK nông sản trước bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, điều mong mỏi ở các địa phương trong “vùng dịch” là Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành trung ương để hỗ trợ địa phương trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường XK.
Riêng với việc XK sang thị trường Trung Quốc thì cần giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến chi phí, thời gian vận chuyển cũng như điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu.
Còn đối với việc tiêu thụ nông sản ở “vùng dịch” ngay trên thị trường nội địa thì rất cần sự tích cực tham gia khơi thông đầu ra của các doanh nghiệp, kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.