Saturday, 23/11/2024

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô làm nhà nước vì kinh tế đi xuống

20:14 03/12/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến nhiều người trẻ muốn thi công chức để có việc làm ổn định.

Lynn Lau - sinh viên vật lý tại Đại học Bắc Kinh - từng kỳ vọng các doanh nghiệp tư nhân lớn của Trung Quốc đến trường tuyển dụng vào hè này. Nhưng khi nền kinh tế lớn nhì thế giới đang tăng trưởng chậm nhất nhiều thập kỷ, nhiều nhà tuyển dụng đã không tới đây.

Mong muốn của cha mẹ Lau về việc con gái có công việc "ổn định" trong nhà nước đột nhiên trở nên có ý nghĩa. "Thời điểm này năm ngoái, các anh chị cùng trường tôi đã nhận được thư mời của các công ty lớn rồi. Nhưng năm nay, các doanh nghiệp đó chỉ quan sát và chờ đợi", cô cho biết.

Lau là một trong hơn 2,6 triệu người đã đăng ký thi tuyển công chức tại Trung Quốc. Họ sẽ cạnh tranh để có 37.000 việc làm trong chính phủ và hàng chục nghìn việc làm khác trong chính quyền địa phương.

Các tỉnh thành Trung Quốc năm nay tăng số vị trí tuyển dụng lên kỷ lục. Theo Global Times, đây là động thái mới nhất nhằm đối phó với tình hình thất nghiệp của nhóm cử nhân đại học vài năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.

Người dân đi qua một con phố ở Bắc Kinh vào giờ cao điểm. Ảnh: Reuters

Năm nay, các vị trí này nhận được sự quan tâm kỷ lục, bất chấp việc nhiều chính quyền địa phương giảm lương công chức vì thiếu tài chính. Xinhua đưa tin một số vị trí có 6.000 người nộp đơn. Còn tỷ lệ trung bình là 70 người một việc làm.

Các công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, giáo dục đang sa thải hàng chục nghìn việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc năm nay lên kỷ lục 20%. Năm tới, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết khoảng 11,6 triệu sinh viên nước này sẽ tốt nghiệp.

Tìm việc làm cho họ hiện là một trong những thách thức lớn nhất của giới chức Trung Quốc. Global Times trích thông báo hôm 14/11 của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết bộ này thúc giục tăng tạo việc làm liên quan đến chính sách, nhằm bình ổn thị trường lao động và duy trì tuyển dụng với sinh viên tốt nghiệp.

Alicia Garcia-Herrero - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết nhu cầu tìm việc làm nhà nước đang tăng vọt. "Lý do rất rõ ràng: người dân đang lo ngại về tương lai", bà cho biết.

Những người làm việc trong lĩnh vực tư nhân đang cảm nhận sức ép ngày một tăng khi nền kinh tế chịu tác động từ các lệnh phong tỏa chống dịch, thị trường bất động sản đi xuống và nhu cầu hàng xuất khẩu giảm. Trên mạng xã hội, người trẻ Trung Quốc coi "việc làm nhà nước" là nơi an toàn nhất trong môi trường hiện tại.

Shangshang - một sinh viên 21 tuổi tại Vân Nam cho biết làm công chức sẽ giảm rủi ro "stress tại công sở". "Công việc này rất ổn định", cô nói.

Những công việc này có thu nhập trung bình khoảng 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD) một năm. Nhưng tại các thành phố lớn ven biển, con số này có thể gấp 3-4 lần. Mức lương này cao hơn nhiều so với vị trí tương tự tại các doanh nghiệp tư nhân và còn đi kèm nhiều quyền lợi như trợ cấp mua nhà,...

Điều này giúp việc làm nhà nước vẫn được ưa chuộng, bất chấp chính quyền nhiều địa phương, như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến, đã giảm lương tới một phần ba năm nay, theo số liệu từ truyền thông địa phương.

Hiện chưa rõ liệu việc cắt giảm lương công chức có quy mô thế nào trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương nước này đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 1.000 tỷ USD năm nay, chủ yếu do bất động sản đi xuống và các biện pháp chống dịch.

Jane Kang - nhân viên một văn phòng công tố ở Phúc Kiến - cho biết mức lương 110.000 - 120.000 nhân dân tệ một năm của cô sẽ giảm 10-15% trong năm nay. Cô không hài lòng, nhưng cũng chẳng có lựa chọn nào khác.

"Nếu vẫn ở Trung Quốc, tôi vẫn sẽ làm nhà nước thôi. Làm ở đây đảm bảo về công việc hơn bên ngoài", cô nói.

Dù vậy, môi trường công sở nhà nước gần đây cũng bị phàn nàn là khó khăn hơn. Một công chức ở Quảng Châu cho biết lãnh đạo yêu cầu cô chỉ được di chuyển từ nhà lên văn phòng và ngược lại, để giảm thiểu rủi ro Covid-19, dù thời gian đó người dân Quảng Châu được tự do đi lại.

"Tôi muốn đi công viên, ăn nhà hàng và cắt tóc nữa", cô nói.

Chen - sinh viên luật 25 tuổi tại Quảng Châu - ý thức được thu nhập sẽ bị giảm và chịu nhiều hạn chế. Nhưng việc làm trong nhà nước vẫn là lựa chọn tốt nhất của cô hiện tại. Chen đang học 6-8 giờ mỗi ngày để thi tuyển.

"Tình trạng trên thị trường lao động hiện tại chỉ càng làm tăng mong muốn trở thành công chức của tôi", cô nói.

Theo VnExpress

https://vnexpress.net/gioi-tre-trung-quoc-do-xo-lam-nha-nuoc-vi-kinh-te-di-xuong-4543272.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke