Giới khoa học Trung Quốc nghiên cứu về liều tăng cường của vaccine do Sinopharm sản xuất
15:08 18/09/2021
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy mũi tiêm thứ 3 của vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm có thể giúp phục hồi mức độ kháng thể trong cơ thể người được tiêm, sau khi lượng kháng thể này bị giảm xuống vài tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Vaccine của Sinopharm là một trong những vũ khí chính của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19. Vaccine này cũng được sử dụng ở các quốc gia như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Campuchia.
Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường cho các đối tượng có nguy cơ cao hơn trong dân số, khi ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng mức độ kháng thể sẽ suy yếu theo thời gian.
Theo kết quả phân tích các mẫu máu của các nhân viên y tế đã được tiêm vaccine của Sinopharm, khoảng 5 tháng sau mũi thứ 2, nồng độ trung bình của kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 sẽ giảm xuống 70% so với thời điểm 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2. Tuy nhiên, 1 tuần sau khi tiêm mũi thứ 3, nồng độ kháng thể đã tăng trở lại gấp 7,2 lần, so với mức độ ghi nhận ở thời điểm 5 tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Mặc dù vậy, nghiên cứu không đề cập liệu những thay đổi về nồng độ kháng thể có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine hoặc cách kháng thể tăng cường hoạt động chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu cũng cho thấy phản ứng của tế bào - một yếu tố quan trọng khác trong hệ thống miễn dịch của con người - cũng được cải thiện sau khi tiêm mũi thứ 3. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Liều tăng cường có thể mang tới phản ứng dịch thể và tế bào một cách mạnh mẽ và nhanh chóng".
Một số loại vaccine khác ngừa COVID-19 cũng cho thấy sự suy giảm về lượng kháng thể theo thời gian và các nhà sản xuất vaccine coi đây là lý do để triển khai thêm mũi tiêm tăng cường. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cần có nhiều dữ liệu hơn để quyết định liệu có cần mũi tiêm thứ 3 hay không.