Gia tộc tỷ phú họ Trần và hai thương vụ thâu tóm đất vàng kín tiếng ở Nha Trang
13:40 02/01/2020
Khu du lịch Trí Nguyên và khu đất 15 Trần Hưng Đạo (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) có giá thị trường tính bằng đơn vị nghìn tỷ đã được chỉ định giao cho CTCP Đầu tư Quản trị Trần với cùng một "motif" quen thuộc.
Với 4,5 triệu kiều bào, Việt Nam là quốc gia có số dân sống ngoài biên giới thuộc hàng đông đảo. Người Việt được đánh giá thông minh, nhanh nhạy, mà minh chứng rõ ràng nhất là một thế hệ doanh nhân Việt thành danh ở Đông Âu, được thế giới công nhận là tỷ phú đô la như Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, và Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang.
Có phần kém tiếng hơn, song cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng rất được đánh giá cao ở tài năng kinh doanh, với những tên tuổi như tỷ phú Hoàng Kiều, ông Chính E.Chu, ông Dung Tấn Trung hay ông David Trần. Dù vậy, cái tên đáng chú ý hơn cả phải là doanh nhân Trần Đình Trường, với khối tài sản khổng lồ là các khách sạn nằm ở vị trí đắc địa tại New York và các thành phố lớn ở Mỹ.
Cố doanh nhân sinh năm 1932 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sau di cư vào Nam. Trước năm 1975 tại Sài Gòn, ông hoạt động trong nghề vận tải biển, rồi sang Mỹ và trở thành tỷ phú đô la trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Khi qua đời năm 2012, tờ The New York Times ước tính khối tài sản của ông Trần Đình Trường vào khoảng 1 tỷ USD. Trong suốt quá trình sinh sống và kinh doanh ở Mỹ, doanh nhân họ Trần cũng nổi danh với nhiều hoạt động thiện nguyện.
Ở Việt Nam, tin tức chính thống về tỷ phú Trần Đình Trường không có nhiều. Thông tin trên website của Tập đoàn Quản trị Trần (Tran Group Management LLC) từ năm 2012 giới thiệu tập đoàn này quản lý và cho thuê hệ thống các khách sạn như Quality Inn Downtown, Best Western (Baltimore), Lafayette Buffalo NY, đang xây dựng khách sạn Crown ở Baltimore 250 phòng, đang xúc tiến xây dựng khách sạn 200 phòng trên đường Market ở Philadenphia.
Tran Group cũng đã phối hợp với Phòng thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số đối tác doanh nghiệp khác mở Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Mỹ (Trung Tâm Thương Mại Việt Nam VBC), do Tran Group quản lý.
Thông tin hiếm hoi trên website từ năm 2012 thể hiện "Tập đoàn Quản trị Trần cũng đang chủ trương đầu tư về Việt Nam bằng các hoạt động liên doanh liên kết xây dựng các khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp…".
Những năm cuối của tỷ phú Trần Đình Trường cũng là giai đoạn Tran Group đầu tư mạnh về Việt Nam. Nhánh kinh doanh này, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, do em trai ông Trường - ông Trần Đình Chín đảm trách. Gia đình ông Chín cũng kinh doanh khách sạn tại Mỹ, song có nhiều năm sinh sống tại một căn nhà trên phố Hàng Khay, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tháng 4/2011, ông Trần Đình Chín cùng các con thành lập CTCP Đầu tư Quản trị Trần, đặt trụ sở tại Nha Trang (Khánh Hoà), phần nào hé lộ phương hướng đầu tư của thành viên tập đoàn Tran Group.
Vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Quản trị Trần là 200 tỷ đồng, trong đó ông Chín trực tiếp sở hữu 10%, ba người con là Trần Đình Sơn, Trần Đình Hùng và Trần Đình Thành mỗi người nắm giữ 30%. Tới cuối năm 2014, ông Trần Đình Chín chuyển giao hết cổ phần, giúp con trai Trần Đình Sơn nâng tỷ lệ sở hữu lên 40%. Ông Sơn sinh năm 1978, hiện cũng là Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Quản trị Trần.
Theo lời kể của cựu Tổng biên tập Báo Tiền Phong Dương Kỳ Anh vào năm 2011, ông Trần Đình Chín chia sẻ Tập đoàn Đầu tư Quản trị Trần sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp với khách sạn 5 sao quy mô 250 phòng cùng công viên biển toạ lạc trên diện tích gần 50ha ngay bờ biển tuyệt đẹp và thơ mộng Nha Trang, bên hồ cá Trí Nguyên nổi tiếng.
Thuỷ cung Trí Nguyên
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, dự án mà ông Trần Đình Chín nhắc tới có vị trí tại Khu du lịch Trí Nguyên tại đảo Hòn Miễu, P. Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Nơi đây nổi tiếng với tên gọi Thuỷ cung Trí Nguyên, một trong những thuỷ cung đa dạng và độc đáo nhất cả nước được Công ty Du lịch Khánh Hoà (Khánh Hoà Tourism) đầu tư xây dựng từ năm 1997, đưa vào sử dụng hai năm sau đó.
Năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép CTCP Đầu tư Quản trị Trần và Khánh Hoà Tourism - lúc này còn là công ty 100% vốn Nhà nước hợp tác thành lập liên doanh. Công ty TNHH Du lịch Trí Nguyên - Nha Trang được thành lập ngày 26/12/2011, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Khánh Hoà Tourism góp 15 tỷ, tương đương 15% bằng giá trị tài sản của Khu du lịch Trí Nguyên.
Ngày 23/3/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu Du lịch sinh thái Trí Nguyên do Công ty TNHH Du lịch Trí Nguyên - Nha Trang làm chủ đầu tư, với mục tiêu biến nơi đây thành một quần thể du lịch cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án khu Du lịch sinh thái Trí Nguyên - Nha Trang có tổng diện tích quy hoạch 68,8ha, trong đó 39,2ha mặt đất và 29,6ha mặt nước. Dự án có nhiều hạng mục như khu khách sạn 5 sao ở trung tâm, các khu biệt thự, căn hộ du lịch, nhà hàng, bar, bể bơi nước mặn, bể bơi nước ngọt, khu vực các trò chơi trên biển, đường hầm, chòi nghỉ... Điểm nhấn hình ảnh chính là nhà hàng mang hình dáng một con cá kiếm khổng lồ. Khi dự án hoàn thành, đây vừa là khu nghỉ dưỡng vừa là khu vui chơi giải trí, tham quan.
Tuy nhiên tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao tới nay vẫn chưa thành hình. Thuỷ cung Trí Nguyên nay đã đổi tên thành Khu du lịch Hòn Sỏi Nha Trang với ba hạng mục chính là Thuỷ cung Sỏi Island, Bãi tắm Pha Lê và Nhà hàng Thuyền Chài.
Tương tự như dự án Tropicana 40 Trần Phú đã được Nhadautu.vn đề cập trongkỳ trước, việc UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép Khánh Hoà Tourism góp vốn thành lập liên doanh với CTCP Đầu tư Quản trị Trần dẫn tới không ít ý kiến trái chiều trong dư luận tỉnh này, khi hàng chục ha đất dự án nghỉ dưỡng cao cấp về tay tư nhân không qua đấu giá.
Ngày 30/6/2014, UBND tỉnh Khánh Hoà tiếp tục có công văn số 3845/UBND-VP cho phép Khánh Hoà Tourism bán phần vốn nhà nước (15%) tại Công ty TNHH Du lịch Trí Nguyên - Nha Trang cho CTCP Đầu tư Quản trị Trần theo giá trị vốn góp là 15 tỷ đồng. Theo đó, Khánh Hoà Tourism đã ký hợp đồng số 272/2014/DL-HĐ ngày 25/8/2014 và chuyển nhượng phần vốn góp cho CTCP Đầu tư Quản trị Trần với mức giá 15 tỷ đồng. Việc thoái vốn nhà nước không qua đấu giá theo quy định của pháp luật một lần nữa đặt ra vấn đề bảo toàn lợi ích nhà nước trong thương vụ này.
Đáng chú ý, Khu du lịch Trí Nguyên không phải khoản đầu tư duy nhất của CTCP Đầu tư Quản trị Trần với "motif" tương tự ở Nha Trang.
Khách sạn Viễn Đông
Sau khi cho phép tư nhân hoá Thuỷ cung Trí Nguyên không qua đấu giá, UBND tỉnh Khánh Hoà ngày 29/10/2012 có Thông báo số 6037/UBND-KT đồng ý cho phép Khánh Hoà Tourism tiếp tục liên doanh với CTCP Đầu tư Quản trị Trần để đầu tư Khách sạn Viễn Đông tại số 01 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang (nay là 15 Trần Hưng Đạo).
Khu đất tại ngã tư "vàng" Trần Hưng Đạo - Hùng Vương - Lê Thánh Tôn có vị trí đặc biệt đắc địa, trước đây là Khách sạn Viễn Đông đồng thời là trụ sở của Khánh Hoà Tourism. Khách sạn Viễn Đông cùng với Khách sạn Hải Yến tại 40 Trần Phú (nay là dự án Tropicana) nằm dựa lưng vào nhau là hai khách sạn lớn của Khánh Hoà Tourism tại Nha Trang.
Doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Trần - Viễn Đông được thành lập ngày 14/9/2013, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Khánh Hoà Tourism góp 25 tỷ đồng, tương đương 25% bằng giá trị tài sản của Khách sạn Viễn Đông, CTCP Đầu tư Quản trị Trần góp 75% bằng tiền, mục tiêu là đầu tư xây dựng khu phức hợp trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn 350 phòng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao.
Ngày 31/10/2014, Khánh Hoà Tourism bàn giao về số lượng và giá trị sổ sách về tài sản, hàng tồn kho để Công ty TNHH Trần - Viễn Đông đi vào hoạt động, theo đó Công ty tạm ghi giảm theo giá trị sổ sách với số tiền là 55,25 tỷ đồng, trong đó góp vốn vào liên doanh 25 tỷ đồng và ghi nhận khoản phải thu khác là 30,25 tỷ đồng.
Ngày 12/7/2017, UBND tỉnh Khánh Hoà có Quyết định số 2014 về việc thu hồi 10.770,9 m2 tại 15 Trần Hưng Đạo do Khánh Hoà Tourism thuê sử dụng và cho Công ty TNHH Trần - Viễn Đông thuê 10.482,2 m2 thực hiện dự án Khách sạn Trần Viễn Đông (còn lại làm lối đi chung). Thời hạn thuê đất đến ngày 8/7/2064.
Khách sạn Viễn Đông nay được đổi tên thành Khách sạn Trần Viễn Đông, quy mô 5 tầng với 176 phòng tiêu chuẩn 4 sao. Đầu năm 2017, một tờ báo dẫn lời ông Trần Đình Thành, TGĐ Công ty TNHH Trần - Viễn Đông cho biết doanh nghiệp này quyết tâm khởi công xây dựng hai toà tháp cao 40 tầng và trung tâm thương mại trên phần đất khách sạn hiện nay rộng gần 11.000 m2 tại 15 Trần Hưng Đạo.
Dấu hỏi năng lực nhà đầu tư
Dù được chính quyền tỉnh Khánh Hoà ưu ái cấp đất/ dự án không qua đấu giá, song cả hai dự án của Tập đoàn Quản trị Trần tại Khánh Hoà tới nay đều chưa được khởi động. Bên cạnh vấn đề pháp lý, thì năng lực tài chính và khả năng triển khai của nhà đầu tư cũng cần được lưu tâm.
Một tài liệu của Khánh Hoà Tourism thể hiện tới thời điểm doanh nghiệp nhà nước này cổ phần hoá năm 2015, khi Khánh Hoà Tourism đã góp đủ 25 tỷ đồng trong liên doanh Trần - Viễn Đông, thì CTCP Đầu tư Quản trị Trần mới góp được 33 tỷ đồng, thiếu 42 tỷ đồng so với cam kết.
Ngoài ra, dự án thứ ba của Tran Group tại Nha Trang là Dự án Công viên, bến tàu du lịch Sông Lô Nha Trang (chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch Trí Nguyên - Nha Trang) có diện tích 14ha tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang. Dự án được cấp phép năm 2014, thời gian hoàn thành công trình chậm nhất 24 tháng. Tuy nhiên dự án triển khai rất chậm tiến độ và đã bị UBND tỉnh Khánh Hoà đặt vấn đề thu hồi, chấm dứt hoạt động từ năm 2017.