Elon Musk kêu gọi châu Âu khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động
14:32 12/03/2022
Elon Musk kêu gọi châu Âu khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đang dừng hoạt động để sản xuất nhiều năng lượng hơn.
Trong một bài đăng trên Twitter mới đây, vị giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk đã kêu gọi châu Âu sản xuất nhiều năng lượng hạt nhân hơn để xoa dịu những lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt.
Trong bài đăng, ông viết, một điều “hết sức hiển nhiên” là châu Âu nên khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đang ngừng hoạt động, cũng như đẩy mạnh năng suất của những nhà máy còn đang hoạt động.
Bài viết này hiện nhận được hơn 40.300 lần chia sẻ nhưng cũng gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
“Cho đến khi một sai lầm nữa xảy ra và gây rò rỉ phóng xạ khắp mọi nơi. Nguy cơ sẽ không thể đếm xuể”, Jim Osman, nhà sáng lập Edge Consulting Group đáp lại trước lời kêu gọi của vị CEO Tesla.
Tuy nhiên, Musk nói rằng quan niệm về việc các nhà máy điện hạt nhân đồng nghĩa với rủi ro rò rỉ phóng xạ là một sự sai lầm, đồng thời thách thức những người chỉ trích ông.
“Với những người có suy nghĩ (sai lầm) rằng việc này sẽ gây ra các rủi ro về phóng xạ, hãy chọn một địa điểm mà bạn nghĩ rằng đó là nơi nhiễm phóng xạ tồi tệ nhất, tôi sẽ đến thăm và ăn các loại thực phẩm được trồng tại địa phương này trên truyền hình”, ông viết trên twitter, đồng thời nói thêm rằng mình đã làm điều này ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản chỉ vài tháng sau sự cố hạt nhân.
Theo một thông cáo báo chí được đưa ra bởi SolarCity, một công ty được Teasla mua lại vào năm 2016, Musk đã đến thăm Fukushima vào tháng 7/2021. Chuyến đi này của ông còn được đưa tin trên phương tiện truyền thông Asahi Shimbum của Nhật Bản. Tuy nhiên, những người trong cuộc không thể xác định liệu ông chủ Tesla có thực sự ăn thực phẩm trồng tại địa phương này như những gì ông nói hay không.
Trước đó, hai thảm họa nhà máy hạt nhân lớn trong lịch sử đã xảy ra tại Chernobyl ở Liên Xô cũ vào năm 1986 và tại Fukushima vào năm 2011.
Tại Chernobyl, trẻ em cùng các nhân viên cấp cứu và phục hồi có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng do bức xạ gây ra. Nhưng “Đại đa số dân chúng không cần phải sống trong nỗi sợ hãi về những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng”, đánh giá của Liên hợp quốc về hai thảm họa, được công bố vào năm 2021.
Một nghiên cứu khác của Liên hợp quốc được công bố vào năm 2021 cho biết họ không tìm thấy "những ảnh hưởng xấu lên sức khỏe" ở những người dân đã trực tiếp tiếp xúc với phóng xạ sau vụ tai nạn ở Fukushima.
Trong khi đó, lời kêu gọi của Musk về việc tăng sản xuất năng lượng hạt nhân ở châu Âu được đưa ra hai ngày sau khi ông kêu gọi việc thúc đẩy tăng sản lượng dầu và khí đốt ở Mỹ để đối phó với bất kỳ sự thiếu hụt nào gây ra bởi việc cắt giảm nguồn cung từ Nga.
Xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 1/3 do các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc tấn công của nước này vào Ukraine, Energy Intelligence đưa tin vào thứ Tư (2/3) tuần trước. Mặc dù các biện pháp trừng phạt không nhắm mục tiêu cụ thể đến xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng “người mua nhìn chung vẫn không muốn mạo hiểm với hàng hóa của nước này”, hãng truyền thông thương mại đưa tin.
Diễn biến này đã khiến giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, kéo theo sự tăng vọt của giá khí đốt.
“Tuy không thích nói điều này, nhưng chúng ta cần phải tăng sản lượng dầu và khí đốt ngay lập tức”, Musk viết trên Tweet và nhấn mạnh: “Thời điểm bất thường đòi hỏi có những biện pháp khác thường”.