Đừng để doanh nghiệp Việt lỡ nhịp với thị trường khó tính
19:50 23/11/2022
Đã và đang có không ít doanh nghiệp thực phẩm tuột mất đơn hàng khi không bắt nhịp được thị trường và những yêu cầu về bao bì từ phía đối tác. Bên cạnh đó, việc ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt cần cải thiện nhiều hơn nữa (phải xác định đạt tiêu chuẩn cao nhất) khi xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), cho biết vừa rồi có doanh nghiệp (DN) Việt bán sản phẩm tôm cho hệ thống siêu thị Walmart ở Mỹ. Tuy nhiên, nhà cung cấp của Walmart yêu cầu phía DN phải dùng khay nhựa đựng sản phẩm tôm được lấy từ Thái Lan thay vì khay nhựa được sản xuất tại Việt Nam do không đủ tiêu chuẩn.
Mất đơn hàng vì…bao bì
Như lý giải của bà Lan, với khay nhựa đựng sản phẩm tôm nếu không đạt chuẩn và kém chất lượng sẽ dẫn đến cong vênh khi được đặt trong kho lạnh. Trong khi đó, một nhà sản xuất tôm của Việt Nam (vốn rất tự tin vì chiếm thị phần lớn tại Mỹ) lại từ chối yêu cầu nêu trên và khăng khăng dùng khay nhựa Việt Nam.
Trước việc khước từ yêu cầu như vậy, ngay lập tức nhà cung cấp cho Walmart đã mua sản phẩm của Thái Lan với khay nhựa đạt chuẩn rồi nhanh chóng xuất khẩu (XK).
Nêu ra vấn đề này cho thấy, công nghiệp hỗ trợ cho bao bì sản phẩm (vốn thay đổi liên tục theo xu hướng thân thiện môi trường) ở trong nước vẫn còn rất yếu kém để hỗ trợ cho ngành thực phẩm Việt khi XK.
Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM (FFA), trường hợp gần đây nhất là một nhà máy chế biến mì ăn liền tại Việt Nam đã mất đơn hàng rất lớn từ phía đối tác Mỹ (bao gồm cả đơn hàng của Chính phủ Mỹ).
Đó là vì khi DN gửi hàng mẫu là mì ly sang Mỹ, giá cả và bao bì đều được chấp nhận. Thế nhưng, phía đối tác khui nắp mì ly ra phát hiện nắp trên có màn nhôm bên trong nên không chấp nhận.
Đóng vai trò cầu nối cho đối tác Mỹ và nhà sản xuất mì tại Việt Nam, bà Chi cho biết phía đối tác nói rằng việc thay đổi một chút về nắp bao bì cho sản phẩm mì ly là tương đối dễ dàng, không những vậy đối tác sẽ đặt số lượng hàng ổn định trong 3 - 5 năm. Tuy vậy, dù đã thuyết phục, thế nhưng nhà sản xuất mì tại Việt Nam (vốn đã XK đi được 40 quốc gia) vẫn giữ quan điểm là không thay đổi bao bì, mẫu mã.
Từ câu chuyện nêu trên, vị chủ tịch FFA nhấn mạnh với các DN ở nhóm ngành chế biến thực phẩm trong bối cảnh hiện nay là cần bắt nhịp ở các thị trường khó tính để đưa ra những sản phẩm mà thị trường chấp nhận được.
Cũng nên nhắc thêm, vào ngày 22/11, Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố một sáng kiến mới nhằm giúp các DN nhỏ của Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường đổi mới sáng tạo, khắc phục những hạn chế. Điểm chú ý trong sáng kiến mới là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).
Phải xác định đạt tiêu chuẩn cao nhất
Không chỉ với bao bì, khúc mắc về công nghiệp hỗ trợ làm ảnh hưởng đến đơn hàng XK, hay các tiêu chuẩn ESG, việc ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn cũng là điều mà các DN Việt cần lưu tâm khi nhắm đến XK vào thị trường khó tính.
Chia sẻ tại diễn đàn về đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức ở Tp.HCM ngày 22/11, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp U&I (Unifarm), cho biết để chọn đúng sản phẩm nhằm chinh phục thị trường khó tính thì phải làm khảo sát thị trường. Nhất là đi đến các siêu thị, nhà bán lẻ để xem thị trường XK cần cái gì.
“Có nghĩa là chúng ta sản xuất ra đúng cái mà thị trường cần, chứ không phải là sản xuất ra những sản phẩm mà chúng ta có thể sản xuất. Cho nên chúng tôi quan niệm mỗi sản phẩm của mình trồng trọt, sản xuất có thể vừa có thế mạnh cung ứng ra thị trường trong nước vừa có thế mạnh về XK”, ông Liêm nhấn mạnh.
Cũng theo vị Chủ tịch của Unifarm, sau khi chọn được sản phẩm mà thị trường cần rồi thì cần phải xác định làm sao cạnh tranh với những quốc gia đang sản xuất sản phẩm đó.
“Chúng ta không thể nói theo kiểu yếm thế là ở Châu Âu thì mình có tiêu chuẩn khác, ở Mỹ đáp ứng tiêu chuẩn khác, ở Nhật làm theo tiêu chuẩn khác, còn ở Việt Nam có tiêu chuẩn thấp hơn. Thành ra ngay từ đầu chúng tôi xác định là phải sản xuất ra những sản phẩm có tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó”, ông Liêm chia sẻ thêm.
Và không chỉ với ngành hàng nông sản thực phẩm, tiêu chuẩn quốc tế là điều mà các DN Việt cần nhắm đến. Ngay như với các DN nhỏ và vừa hay các DN mới gia nhập thị trường, theo bà Nguyễn Minh Xuân, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Fonos, tiêu chuẩn quốc tế là điều mà mỗi công ty này cần cân nhắc khi bắt đầu kinh doanh trong thế giới toàn cầu.
“Khi một công ty khởi nghiệp bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, họ nên nghĩ đến khả năng cạnh tranh với các DN quốc tế vì khách hàng sẽ so sánh sản phẩm trong nước với thương hiệu tương tự mà họ từng trải nghiệm. Họ không xác định dựa trên vị trí địa lý mà trên kinh nghiệm của bản thân”, bà Xuân nói.
Bà Xuân cũng đề cập đến sự khác biệt trong việc thu thập hiểu biết về khách hàng so với trước đây nhờ công nghệ và dữ liệu thông tin theo thời gian thực thông qua các cách khác nhau mà các DN Việt có thể dùng để tương tác với khách hàng quốc tế.
Nói chung, điều mà các DN cần làm để chinh phục thị trường khó tính trong giai đoạn đầy thách thức như hiện tại đòi hỏi không chỉ ở chất lượng, đạt những tiêu chuẩn cao nhất, đáp ứng các yêu cầu về bao bì mà còn cần ở sự chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường để không phải lỡ nhịp.