Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cũng bởi thế, đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của hai bên nhằm củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Trong các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao, đặc biệt là trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai bên đều đặc biệt nhấn mạnh điều này.
Khẳng định Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện.
Trên thực tế, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cả về chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư… trong nhiều năm qua.
Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 171,9 tỷ USD.
Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Lũy kế đến hết tháng 7/2024, Trung Quốc đã đầu tư sang Việt Nam hơn 28,5 tỷ USD, xếp vị trí thứ 6 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam…
Tuy vậy, tiềm năng hợp tác Việt Nam - Trung Quốc còn rất lớn. Chính vì thế, các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, nhất là hai chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng trong hai năm 2022 - 2023 và hiện giờ, là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ mở ra cơ hội to lớn để hai bên tăng cường, thúc đẩy hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn.
Trong các cuộc hội đàm, hai bên nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy tin cậy chính trị và tin cậy kinh tế, xây dựng hiệu quả “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược”. Các nhà lãnh đạo hai bên cũng đã đi sâu trao đổi các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững theo đúng phương châm “16 chữ”, tinh thần “4 tốt”.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy các lĩnh vực hợp tác thực chất, đồng thời nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó có thúc đẩy kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai con đường”, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới, tăng cường giao lưu về cải cách doanh nghiệp nhà nước…
Đã có 14 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của hai bên được ký kết trong khung khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong đó, có các nghị định thư về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc. Đó còn là các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, cũng như có bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về thúc đẩy các dự án hợp tác phát triển trong lĩnh vực xã hội, dân sinh…
Khi các văn kiện hợp tác này được hiện thực hóa sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ Việt - Trung phát triển ngày càng ổn định, bền vững, lâu dài, mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho nhân dân hai nước.
Theo Báo Đầu tư
https://baodautu.vn/dua-quan-he-viet---trung-di-vao-chieu-sau-d222851.html