Dự thảo Nghị định Luật BVMT làm tăng gánh nặng cho DN, Bộ TN&MT nói gì?
14:34 24/09/2021
Bộ TN&MT khẳng định nội dung mà các DN góp ý chưa phải là bản Dự thảo Nghị định Luật BVMT mới nhất...
Cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa lên tiếng về những ý kiến của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp (DN) đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) và cho rằng sẽ làm tăng gánh nặng, chi phí về môi trường cho DN.
Theo Bộ này, Luật BVMT 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian và chi phí tuân thủ của DN.
Đồng thời, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (tập trung vào các dự án lớn thuộc nhóm I và dự án nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa…).
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng tích hợp 7 giấy phép, xác nhận vào 1 giấy phép môi trường (GPMT); Phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường nhưng bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan;
Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; Cắt giảm cơ chế “xin- cho”, chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; Cụ thể hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”…
Với mục tiêu đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,...
Dự thảo Nghị định mới nhất thể hiện gì?
Bộ TN&MT khẳng định thực hiện đúng quy định pháp luật và cho biết, nội dung mà các Hiệp hội, DN góp ý chưa phải là bản Dự thảo Nghị định mới nhất đã tiếp thu, hoàn thiện.
Theo đó, Bộ này cho biết, Dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách TTHC theo quy định của Luật BVMT 2020, trong đó, đã giảm 18 TTHC so với quy định hiện hành (giảm 34%). Tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận, chỉ cần thực hiện 1 thủ tục là đề nghị cấp GPMT.
Về ý kiến “trước đây chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin GPMT, nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin GPMT là không có cơ sở”, theo Bộ TN&MT, điều này được thực hiện đúng pháp luật, quy định rõ ở Điều 30 và Điều 39 Luật BVMT.
Cụ thể, dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39.
Về quy định các cơ sở chế biến thủy sản thuộc Mục III danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT khẳng định: Đây không phải là quy định mới của Dự thảo Nghị định mà đã được kế thừa quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đang triển khai cho đến nay.
“Việc quy định loại hình này thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn là cần thiết, phù hợp với các quy định của quốc tế. Qua đó, sẽ tạo thuận lợi cho các sản phẩm chế biến thủy sản của Việt Nam”, Bộ TN&MT nhận định.
Liên quan đến trách nhiệm tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu), theo Bộ này, Dự thảo Nghị định hiện nay không quy định cụ thể tỷ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn.
Còn vì sao phí tái chế sản phẩm, bao bì được gọi là “đóng góp” chứ không gọi là phí được Bộ này giải thích rằng: Theo quy định tại Điều 54 Luật BVMT 2020, đây không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
Điều 54 Luật BVMT 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc; Trường hợp không tự tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế...