Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng du lịch Ninh Thuận cần có “ngôn ngữ riêng” trong tam giác du lịch Đà Lạt – Nha Trang – Phan Rang, đó là đẳng cấp về chất lượng.
Trong khuôn khổ Chương trình Năm Du lịch Quốc Gia – Quảng Nam 2022, ngày 27-3, tại TP Hội An, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết Ninh Thuận được xem như "vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á". Với bờ biển dài hơn 105km, Ninh Thuận có sự đa dạng về sinh học, nhiều thắng cảnh nổi tiếng: bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Tái, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình...
Giai đoạn 2021 – 2025, Ninh Thuận định hướng xây dựng 3 nhóm sản phẩm chính gồm: sản phẩm đặc thù, sản phẩm mới lạ, sản phẩm bổ trợ. Cụ thể, sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận là trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa.
"Đến Ninh Thuận để đầu tư, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, hưởng thụ không khí trong lành, tìm hiểu nét đẹp văn hóa Chăm cổ kính. Ninh Thuận thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thân thiện và nhiều cơ hội phát triển" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mời gọi.
PGS-TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cho rằng Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên phải ứng dụng công nghệ cao vào du lịch như năng lượng tái tạo. Đây là cơ hội để Ninh Thuận thực hiện du lịch xanh.
"Điểm đến xanh là phải ưu tiên các loại hình du lịch thân thiện với môi trường. Cả nước chỉ có 6 tỉnh ,thành có 2 vườn quốc gia, trong đó có Ninh Thuận. Không phải địa phương nào cũng có khu dự trữ sinh quyển như Ninh Thuận. Đây là lợi thế rất lớn" - PGS.TS Phạm Trung Lương nhận xét.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho rằng cần biến sự canh tranh giữa các địa phương thành sự liên kết Ninh Thuận và các tỉnh lân cận cần chia nhau sản phẩm, sự kiện để tạo thành một chương trình du lịch tổng thể. "Cần phải có hành lang pháp lý để tạo cơ chế chính sách phát triển, tạo sự bền vững cho du lịch xanh" - ông Tường đề xuất.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, Ninh Thuận cần truyền thông xúc tiến du lịch để sớm phục hồi, cần phải xanh hóa, số hóa các sản phẩm du lịch.
"Ninh Thuận cần có "ngôn ngữ riêng" để tạo sự khác biệt trong tam giác du lịch Đà Lạt – Nha Trang – Phan Rang. Đó là đẳng cấp về chất lượng. Làm sao khi nghĩ đến Ninh Thuận, du khách sẽ lập tức nghĩ tới điểm đến đẳng cấp và chất lượng. Ninh Thuận cần phải có sự hợp tác công – tư, tức là chính quyền và doanh nghiệp tư nhân kết hợp với nhau để quảng bá cho các sản phẩm du lịch địa phương" - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Ông Hà Văn Siêu gợi ý Ninh Thuận nên phối hợp với Bình Thuận để cùng nhau thực hiện Năm Du lịch quốc gia 2023. "Trên cơ sở những hoạt động của năm du lịch quốc gia, những chương trình xúc tiến quảng bá sẽ có hiệu quả lớn. Song song việc thu hút khách, Ninh Thuận cần phải thu hút nhà đầu tư, có như vậy mới có thể phát triển được" - ông Siêu nhận định.