Độc đáo mỹ phẩm từ vỏ, lá, hạt chôm chôm: Phát triển kinh tế xanh bền vững
18:44 03/12/2022
Các nguyên liệu mỹ phẩm chiết xuất từ các phụ phẩm của trái chôm chôm như màng vỏ, lá, hạt được BASF giới thiệu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2022) khiến nhiều người thích thú.
Theo đó mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) đã tổ chức “Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022”, diễn từ ngày 28 - 30.11 tại Khu đô thị Sala (TP.HCM). Sự kiện là nơi hội tụ của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị bền vững.
Trong ba ngày diễn ra hội nghị, triển lãm và các phiên đối thoại cấp cao giữa Doanh nghiệp với Doanh nghiệp (B2B) và Doanh nghiệp với Chính phủ (B2C), GEFE 2022 đã tăng cường sự hợp tác song phương giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững thông qua các buổi chia sẻ chuyên môn hay trao đổi sáng kiến về chuyển giao công nghệ.
Tham gia GEFE 2022 lần này, BASF mang tới nhiều giải pháp đa dạng giúp cho quy trình sản xuất cũng như sản phẩm đầu ra của nhiều ngành khác nhau hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải, theo đó đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về mặt môi trường, an toàn, sức khỏe và con người.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia thích thú trước nguyên liệu mỹ phẩm giúp cung cấp độ ẩm và trẻ hóa da cho người tiêu dùng được chiết xuất từ các phụ phẩm của trái chôm chôm như màng vỏ, lá và hạt, được trồng theo phương pháp hữu cơ tại Việt Nam.
“Đây là sáng kiến của BASF kết nối cùng nông dân địa phương, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ nhằm hình thành chuỗi cung ứng có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho trái chôm chôm Việt Nam. Điều này giúp các nhà sản xuất mỹ phẩm có thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đang ngày càng chú ý đến xu hướng làm đẹp có trách nhiệm, đồng thời giúp tránh lãng phí nguồn nguyên liệu quý giá này và hạn chế sử dụng tài nguyên đất”, đại diện BASF cho biết.
Tại những phiên thảo luận trong khuôn khổ GEFE 2022, BASF cũng mang tới những cách thức đa dạng giúp cho sản phẩm tiêu dùng mang tính tuần hoàn hơn. Đại diện cho công ty, Tiến sỹ Carola Richter, Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), nhấn mạnh vai trò của những giải pháp kỹ thuật mà ngành hóa chất có thể mang lại giúp sản phẩm kéo dài tuổi thọ, tăng vòng đời cho sản phẩm, tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu lãng phí và tránh thải bỏ ra môi trường.
Thêm vào đó, công ty cũng nhận định cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý, tái chế chất thải, cũng như nâng cao nhận thức xã hội, nhằm giải quyết vấn đề quản lý chất thải còn nhiều bất cập tại nhiều nơi.
Chủ trương gắn liền phát triển bền vững trong chiến lược doanh nghiệp, theo đó kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, BASF cho biết đã tham gia tích cực trong nhiều chương trình gắn kết xã hội để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.
“Công ty đã và đang chung tay cùng Báo Thanh Niên và các đối tác trong dự án xây cầu dân sinh tại xã giáp biên giới thuộc tỉnh Long An nhằm giúp cho việc đi lại, giao thương và học hành của người dân nơi đây cùng con em của mình thuận lợi và an toàn hơn”, đại diện BASF thông tin.