Không có hướng dẫn cụ thể, không máy móc hỗ trợ xếp hàng, các tài xế vận chuyển hàng hóa dù cân đúng tải trọng nhưng vẫn có nguy cơ bị phạt nặng vì lỗi quá tải trục.
Đồng loạt gửi đơn cứu xét
Tháng 4, Công ty vận tải Trưởng Lợi đã phải làm đơn xin cứu xét gửi Công an TP.HCM vì bị “phạt oan”. Cụ thể, tài xế điều khiển xe đầu kéo lấy hàng từ công ty tại Phú Mỹ về kho Việt Long ở H.Bình Chánh, đã cân xác định tải trọng hàng hóa đúng quy định và được phép tham gia giao thông (có phiếu cân kèm theo). Tuy nhiên, khi lưu thông qua Trạm cân số 3 Nguyễn Văn Linh - cầu Ông Lớn (Q.7), cơ quan chức năng cân kiểm tra lại đã kết luận xe vượt tải trọng trục cho phép của cầu, đường 24,3%.
Tài xế đã nghiêm túc cân xác định hàng hóa đúng tải trọng, song công tác xếp hàng chỉ được thực hiện bằng cảm quan và kinh nghiệm, không có bất kỳ phương tiện máy móc hỗ trợ trong việc cân đo tải trọng trục, dẫn đến hàng hóa vượt ngưỡng cho phép của cầu, đường. Phương tiện sau đó bị công an lập biên bản xử phạt.
Trưởng Lợi không phải là doanh nghiệp (DN) duy nhất rơi vào tình cảnh này, mà nhiều DN khác như Công ty sản xuất thép Vĩnh Tiến Phát, Công ty vận tải Lộc Phát… cũng đã gửi đơn xin cứu xét tới các cơ quan chức năng và nhận được phản hồi giải quyết sự việc từ Tổng cục Đường bộ.
Theo phản ánh từ các DN, thực tế tại các đơn vị cảng biển, các kho hàng, nhà máy hiện nay không nơi nào trang bị máy móc thiết bị để hỗ trợ tài xế việc cân đo tải trọng trục khi chất xếp hàng hóa lên xe. Vì vậy, họ phải tìm mọi cách để sắp xếp, phân bổ hàng hóa trên sơmi rơ mooc sao cho hợp lý, an toàn nhất theo kinh nghiệm mà không thể biết chính xác có bị vượt tải trọng trục cho phép của cầu, đường hay không. Chỉ đến khi lưu thông qua trạm cân, các cơ quan chức năng giám sát kiểm tra kết luận mới biết quá tải trọng trục cho phép của cầu, đường mặc dù khi lấy hàng đã cân xác định chở hàng hóa đúng khối lượng cho phép tham gia giao thông.
“Việc chở hàng đúng khối lượng cho phép tham gia giao thông nhưng vô ý dẫn tới quá tải trọng trục là bất cập gây hoang mang cho tài xế, chủ DN và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải hàng hóa. Sau khi nhiều DN làm đơn xin cứu xét, cơ quan chức năng cũng đã có quyết định hủy bỏ biên bản xử phạt. Đây là sự thông cảm rất lớn, nhưng chúng tôi không thể cứ mãi làm đơn như vậy”, đại diện một công ty vận tải hàng hóa tại TP.HCM chia sẻ.
Đề xuất tạm ngưng xử lý vi phạm
Ông Nguyễn Văn Chánh (Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM) khẳng định các DN hội viên luôn ủng hộ chủ trương về việc chở đúng tải trọng, bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển hàng trên đường bị cơ quan chức năng xử phạt rất nặng (lên tới 75 triệu đồng) về quá tải trọng trục, mặc dù tổng tải trọng xe không vượt quá quy định, đặc biệt với một số loại hàng như sắt cuộn, thép tấm, hàng rời... diễn ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các DN.
Vì thế, hiệp hội đã đăng ký gặp lãnh đạo Sở GTVT TP để trình bày cụ thể và kiến nghị Sở xem xét tổ chức cuộc họp gồm: lãnh đạo Sở và các bộ phận chuyên môn, Thanh tra giao thông, Phòng CSGT để trao đổi thêm, có biện pháp xử lý trước mắt, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị xử lý vi phạm về quá tải trọng trục.