Doanh nghiệp tuyển lao động lúc người dân rời miền Tây sau Tết
10:28 06/02/2022
Hàng chục nghìn lao động rời miền Tây để đi tìm việc trong khi các doanh nghiệp trong khu vực liên tục thông báo tuyển người.
Hai ngày mùng 4 và 5 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hòa vào dòng người du xuân là hàng chục nghìn lao động rời quê ở các tỉnh miền Tây để lên TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tìm và làm việc.
Về quê tránh dịch COVID-19 từ hồi tháng 10/2021, nhiều lao động miền Tây tranh thủ lên thành phố sớm để đi tìm nhà trọ và việc làm sau nhiều tháng mất thu nhập.
Sáng 5/2, anh Thạch Thanh Hồng (43 tuổi, ở huyện Thoại Sơn, An Giang) thuê ô tô 4 chỗ để cùng vợ và 3 con đi Bình Dương làm thuê. Người đàn ông này là một trong những lao động về quê tránh dịch COVID-19 gần nửa năm trước.
Hàng chục nghìn người trở lại TP.HCM và các tỉnh
Anh Hồng cho biết do mang về quê nhiều vật dụng, lần trở lại Bình Dương lần này gia đình phải thuê ôtô. Theo anh, nếu mua vé xe khách đi Bình Dương, gia đình sẽ tốn gần 1 triệu đồng nhưng khó mang theo nhiều đồ đạc.
Thuê ôtô đi Bình Dương, chi phí đội lên thêm 1,5 triệu đồng nhưng anh được tài xế tạo điều kiện chở đi tìm nhà trọ và việc làm.
“Chỗ gia đình tôi thuê xe là người cùng xóm nên họ nói cố gắng chở đi tìm nhà trọ để chúng tôi đỡ vất vả. Vợ con của tôi lo không tìm được việc vì mình bỏ về quê nhiều tháng. Riêng tôi, nếu không xin được vào nhà máy may thì tìm chỗ làm phụ hồ”, anh Hồng chia sẻ.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết số công nhân trở lại TP.HCM và các tỉnh làm việc sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần khoảng 40.000-50.000 người. Lực lượng này đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống sản xuất công nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh như Bình Dương và Đồng Nai.
Theo ông Thư, chính quyền địa phương đang mời gọi các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đến An Giang đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để sử dụng thêm khoảng 20.000 lao động.
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ giải quyết thêm khoảng 30.000 lao động; phần còn lại sẽ tăng cường các hoạt động đào tạo, dạy nghề để đưa vào các làng nghề.
“Theo đánh giá chúng tôi, địa phương giải quyết được 80-95% việc làm cho số lao động về quê tránh dịch. Đây là tín hiệu rất là tốt trong giải quyết việc làm. Đối với những người lớn tuổi, trong lần về quê tránh dịch COVID-19, bà con không đi làm nữa mà ở quê chăn nuôi, trồng trọt”, ông Thư nói.
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết công nhân của đơn vị đã trở lại xưởng sản xuất từ mùng 4 Tết. Doanh nghiệp này thông báo tuyển 500 công nhân làm việc sau Tết với lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Công nhân thủy sản lương 7-12 triệu đồng/tháng
Tại Công ty TNHH Thủy sản Tài Kim Anh ở khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng), Giám đốc Đỗ Ngọc Tài cho biết đang tuyển gần 1.000 công nhân cho 2 nhà máy.
Theo ông Tài, các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đều có nhu cầu tuyển công nhân sau Tết. Riêng Công ty Tài Kim Anh cần nhiều lao động do mở rộng quy mô sản xuất, chuyên sâu vào các mặc hàng tinh chế.
“Năm 2021 doanh thu của chúng tôi đạt khoảng 163 triệu USD, năm nay kế hoạch tăng lên 180 triệu USD. Theo tôi, công nhân làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản ở miền Tây sẽ tốt hơn khi đi xa. Lương của công nhân chúng tôi dao động từ 7-12 triệu đồng/tháng”, ông Tài chia sẻ.
Cùng quan điểm với lãnh đạo các doanh nhiệp thủy sản ở miền Tây, ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long (Giá Rai, Bạc Liêu), nói rằng nhiều đôi vợ chồng làm cho đơn vị mỗi tháng có thu nhập gần 20 triệu đồng. Do đó, nếu công nhân làm việc gần nhà sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí nếu đi TP.HCM, Bình Dương làm việc.
Công nhân làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản ở miền Tây sẽ tốt hơn khi đi xa
Ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Kim Anh (Sóc Trăng)
“Cũng có nhiều bạn trẻ muốn đi xa để tìm thêm cơ hội mới về việc làm nên lên TP.HCM, Bình Dương. Công ty chúng tôi đang có 550 công nhân, đang tuyển thêm 300 người làm việc lâu dài và 150 lao động thời vụ”, ông Diệu nói.
Nói với Zing, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2022 là 9 tỷ USD.
Với khả năng phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp như hiện nay, ông Hòe hi vọng ngành thủy sản sẽ đạt được con số này vào cuối năm.
Theo ông Hòe, các doanh nghiệp phải chuẩn bị tinh thần, nhất là làm sao tổ chức chuỗi liên kết từ khâu nuôi vì hiện nay chủ yếu dựa vào nguyên liệu từ nuôi trồng.
Điều quan trọng trong năm 2022 là ngoài việc làm thị trường, các doanh nghiệp còn củng cố khâu nguyên liệu là rất quan trọng vì khả năng cạnh tranh tốt là giá nguyên liệu từ vùng nuôi.
Về lao động, ông Hòe cho rằng các tỉnh miền Tây chứ không phải thành phố lớn nên việc doanh nghiệp tìm lao động không căng thẳng như các ngành khác.