Doanh nghiệp trẻ cần phải làm thế nào để chuyển đổi số thành công?
17:29 20/10/2022
Có khá nhiều doanh nghiệp trẻ đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hoạt động quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả. Vậy họ cần phải làm thế nào để chuyển đổi số thành công?
Đâu là vấn đề mà các doanh nghiệp trẻ khác chưa dám quyết định thực hiện chuyển đổi số? Những câu hỏi ấy được đặt ra tại hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong logistics - thực trạng vận hành logistics và câu chuyện chuyển đổi số thành công tại Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM vào ngày 18.10.
Chương trình do Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM phối hợp với Liên minh Chuyển đổi số DTS và Công ty cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog tổ chức, thu hút gần 100 doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia.
Hoạt động nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất định hướng, lập kế hoạch và triển khai tốt lộ trình chuyển đổi số. Từ đó giúp cho doanh nghiệp có thể tìm kiếm được một giải pháp toàn diện phục vụ cho kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới.
Trước câu hỏi của anh Nguyễn Văn Đức (34 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Technics Lê Nguyễn, Q.Tân Phú (TP.HCM) yếu tố nào quyết định sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số?
Ông Đỗ Huy Bình, sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog (TP.HCM), nói: “Các doanh nghiệp cần hiểu đúng sẽ quyết định tất cả”. Ông Huy Bình nhận định: “Chuyển đổi số logictics tại Việt Nam chính là hành trình vạn dặm từ bước chân nhỏ”. Rồi ông nêu ra nỗi đau của khách hàng: “Sản phẩm không đúng chất lượng, sản phẩm không được giao đầy đủ, chi phí cao, trải nghiệm tệ hại. Thực tế chuyển đổi số logicgics tại Việt Nam gồm các rào cản: chi phí đầu tư, đối tác công nghệ, không biết bắt đầu từ đâu, tích hợp hệ thống, đội ngũ và quá trình chưa sẵn sàng”.
Từ bài toán đầy khó khăn trên, ông Bình cũng đã nêu ra giải pháp tư duy mới cho chuyển đổi số cần tập trung vào tốc độ của niềm tin, tư duy hệ thống, tầm nhìn mở.
Đồng quan điểm với ông Bình, ông Nguyễn Trường Hải, Tổng Giám đốc Saint-Gobain Việt Nam, cũng cho biết việc chuyển đổi số của doanh nghiệp muốn thành công thì cần tập trung vào việc phục vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó tăng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ.
“Chúng tôi bắt đầu bằng tư duy đó là làm thế nào để khách hàng không phải lo về vấn đề vận chuyển chứ không chỉ là áp dụng công nghệ, hệ thống vào quy trình”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, để quá trình chuyển đổi số thành công thì các doanh nghiệp cần hướng đến việc phát triển bền vững. “Các doanh nghiệp cần chú trọng giảm lượng thải khí C02 cho toàn chuỗi cung ứng thông qua việc tối ưu hóa cung đường xe chạy giao hàng, cắt giảm việc nâng hạ, lưu hàng 2 lần ở các kho bãi…”, ông Hải chia sẻ.
Anh Huỳnh Duy Phương (35 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Kim Bình Long đặt câu hỏi trong quá trình chuyển đổi số, không ít các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn, vậy giải pháp vượt qua gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực logistic?
Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty SATRACO, việc chuyển đổi số ngành logistic là hành trình dài, khó khăn mà bất kể doanh nghiệp nào muốn phát triển đều phải vượt qua. "Để bắt đầu hành trình này và vượt qua khó khăn ấy, doanh nghiệp cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ nhân sự, năng lực, tư duy đội ngũ, ngân sách, truyền thông… Việc chuẩn bị dữ liệu một cách chi tiết sẽ giúp quá trình chuyển đổi đạt hiệu quả cao hơn”, ông Hoàng Giang nói.
Cũng bàn về câu chuyện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trẻ, ông Đào Xuân Đức, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM, cho biết: “Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang dẫn đến một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Cuộc cách mạng này đang thách thức và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi phương pháp tổ chức sản xuất truyền thống. Đây cũng là dịp để tất cả doanh nghiệp trẻ cùng khám phá, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước”.