Thursday, 21/11/2024

Digiworld: Bán "từ cái kim, sợi chỉ, đến tàu thủy, máy bay", hướng mục tiêu vốn hóa tỷ USD

10:56 13/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Digiworld sẽ “đánh chiếm” thị phần ngành hàng điện tử gia dụng với chiến thuật kinh doanh “từ cái kim, sợi chỉ, đến tàu thủy, máy bay” để tiến đến mục tiêu vốn hóa tỷ USD.

Đánh chiếm thị phần ngành điện tử gia dụng

Chắc chắn, trên con đường đạt đến vốn hóa tỷ USD của Digiworld (mã: DGW) không thể thiếu dấu ấn của “gã khổng lồ” Xiaomi.

Thông tin đối tác sản xuất, lắp ráp các sản phẩm của Xiaomi đang mở nhà máy tại Hải Phòng và dự kiến đi vào hoạt động từ nửa cuối năm nay được Ban lãnh đạo Digiworld chia sẻ với các công ty chứng khoán 2 tháng trước.

Để trở thành công ty tỷ đô, chúng tôi luôn tìm kiếm tăng trưởng từ mọi hướng như các ngành hàng tiêu dùng, bổ sung nhãn hàng, khách hàng, kênh bán hàng...

Ông Nguyễn Hải Khôi, Giám đốc đầu tư Digiworld

Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 6/4, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Digiworld lại không xác nhận thông tin đó, mà chỉ giải thích: “Tất cả thông tin này đều là không chính thức. Xiaomi sẽ phối hợp cùng Digiworld chia sẻ vào ngày thích hợp”.

Digiworld đang là doanh nghiệp độc quyền phân phối mọi sản phẩm của Xiaomi tại Việt Nam. Nếu thông tin trên là chính xác, thì có thể ví, đó chính là chiếc chìa khóa mở ra thị trường có quy mô ít nhất 2,4 tỷ USD cho Digiworld. Ngành hàng điện tử gia dụng với các sản phẩm tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, lò nướng… là “lãnh địa” mà từ trước tới nay, Digiworld chưa thâm nhập. Ông Việt giải thích, do hàng điện tử gia dụng có mức thuế suất quá cao, khoảng 15%, nên Digiworld không thể nhập khẩu để phân phối, bán buôn tại Việt Nam.

“Nếu có nhà máy lắp ráp sản phẩm Xiaomi ở Việt Nam, rào cản về thuế suất sẽ được gỡ bỏ, khoảng cách giữa hàng chính hãng với hàng xách tay được thu hẹp và chúng tôi sẽ tấn công vào thị trường mới là điện tử gia dụng. Đây là câu trả lời cho câu hỏi, làm thế nào để Digiworld duy trì đà tăng trưởng bình quân mỗi năm 25% trong một thập kỷ tới”, ông Việt nói.

Theo Tổng giám đốc Digiworld, ngành hàng điện tử gia dụng được xác định là thị trường quan trọng đến năm 2024 của Công ty với mục tiêu “chiếm thị phần đáng kể”, đặc biệt là nhóm sản phẩm tivi với giá trị cao nhất trong ngành hàng.

Bán nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái của Xiaomi nhất có thể không phải là mục tiêu của riêng nhà phân phối như Digiworld.

Đầu tháng 4, hệ thống cửa hàng của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) bắt đầu lập riêng mảng “Mi Eco - hệ sinh thái thông minh đến từ Xiaomi”, cung cấp hàng trăm dòng sản phẩm của thương hiệu được mệnh danh là “Apple của Trung Quốc” như máy lọc không khí, rô-bốt hút bụi, máy cạo râu, bình siêu tốc, máy sấy tóc...

Câu hỏi đặt ra là, Digiworld và FPT Retail sẽ cạnh tranh như thế nào khi kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Xiaomi?

Tổng giám đốc Digiworld nhìn nhận, việc FPT Retail bán thêm các sản phẩm gia dụng của Xiaomi sẽ giúp Digiworld… có thêm khách hàng, một phần vì Digiworld là đơn vị độc quyền phân phối của Xiaomi, một phần vì Digiworld và FPT Retail vốn là đối tác của nhau (tính đến cuối năm 2020, Digiworld ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của FPT Retail là 70,7 tỷ đồng).

Tương tự, với cả Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, Digiworld vẫn là đối tác, chứ không phải đối thủ, bởi Digiworld là nhà bán buôn, còn Thế giới Di động là nhà bán lẻ (tính đến cuối năm 2020, Digiworld ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của Thế giới Di động gần 402 tỷ đồng).

Chia sẻ bên lề Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Việt cho biết, cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, Digiworld sẽ chính thức tham gia thị trường bán buôn ngành hàng điện gia dụng. Thế nên, trong kế hoạch doanh thu 15.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng năm 2021 sẽ không có sự đóng góp từ ngành hàng này.

“Với Xiaomi và Huawei mà Digiworld đang là đối tác độc quyền tại Việt Nam, tính riêng thị trường tivi có quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng, giả sử Công ty có được 5 - 10% thị phần, thì cũng là đáng kể. Trước mắt, chúng tôi sẽ phân phối các sản phẩm trong ngành hàng này của Xiaomi”, ông Việt nói.

Tivi là sản phẩm mà Xiaomi đang thống lĩnh tại Trung Quốc. Còn tại Việt Nam, thị trường này đang nằm trong tay 3 “ông lớn” là Samsung, Sony và LG.

Theo số liệu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), quy mô thị trường ngành hàng gia dụng nội địa ước khoảng 12,5 - 13 tỷ USD. Nhu cầu mua sắm các thiết bị điện gia dụng, thiết bị nhà bếp sẽ tiếp tục tăng cao cho đến năm 2025.

Riêng 3 nhóm sản phẩm quạt điện, máy lọc nước và nồi cơm điện đã mang về hơn 3.500 tỷ đồng cho Thế giới Di động trong năm vừa qua và đóng góp gần 50% doanh số trong ngành hàng gia dụng của doanh nghiệp này.

Chiến lược tăng trưởng và con đường M&A

“Chúng tôi sẽ công bố thêm nhiều ngành hàng nữa trong tương lai. Tôi hay nói đùa với một số anh em là Digiworld sẽ kinh doanh từ cái kim, sợi chỉ, đến tàu thủy, máy bay”, ông Việt chia sẻ một cách hóm hỉnh. Đây cũng là lý do Ban lãnh đạo Digiworld trình Đại hội đồng cổ đông việc bổ sung và sửa đổi chi tiết một số ngành nghề như bán lẻ dược phẩm, dụng cụ y tế, bán thuốc đông y, thuốc nam… nhằm tránh bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Mua bán - sáp nhập (M&A) theo hướng thâu tóm các doanh nghiệp đang sở hữu kênh phân phối mà Digiworld chưa có là chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết với cổ đông giữ đà tăng trưởng bình quân 25%/năm của Digiworld. Được biết, Digiworld đã “đặt hàng” các công ty tư vấn và đang đưa vào “tầm ngắm” một số doanh nghiệp mục tiêu, nhưng chưa đi đến giai đoạn chốt thương vụ.

Năm 2020, ngành hàng tiêu dùng chỉ mang về 265 tỷ đồng, đóng góp 2% trong tổng doanh thu của Digiworld và chỉ hoàn thành 53% kế hoạch. Nguyên nhân được Ban lãnh đạo Công ty chỉ ra là “các đơn vị phân phối mảng này ở Việt Nam rất manh mún” và giải pháp trong thời gian tới là “ưu tiên tìm sản phẩm mới cũng như M&A”.

Theo đánh giá của ông Việt, những ngành hàng chưa nằm trong danh mục kinh doanh của Digiworld sẽ mang về hiệu quả cao, vì có thể “tăng trưởng từ không đến có”. Đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney có thể là một ví dụ. Digiworld đang sử dụng các điểm giao dịch của hệ thống này làm đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Digiworld ghi nhận khoản lỗ xấp xỉ 212,7 triệu đồng từ việc rót vốn vào Công ty cổ phần Vietmoney (đơn vị sở hữu chuỗi cầm đồ Vietmoney) thông qua công ty con là Công ty TNHH MTV Digiworld Venture.

Cụ thể, đầu tháng 9/2020, Vietmoney công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Digiworld Venture và Quỹ đầu tư Probus Opportunities.

Theo thông tin công bố trên báo chí, Probus và Digiworld Venture sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia vào Hội đồng Quản trị. Còn theo báo cáo của Digiworld, giá trị khoản đầu tư này là 50,5 tỷ đồng để sở hữu 21,86% vốn tại Vietmoney.

“Để trở thành công ty tỷ đô, chúng tôi luôn tìm kiếm tăng trưởng từ mọi hướng như các ngành hàng tiêu dùng, bổ sung nhãn hàng, khách hàng, kênh bán hàng... Ngoài ra, chúng tôi còn liên tục tìm kiếm mô hình mới. Tất nhiên, với mô hình mới, sẽ có những công ty non trẻ có động lực tăng trưởng nhanh. Quan điểm đầu tư của Công ty là luôn tìm mô hình liên quan đến hệ sinh thái tiêu dùng”, ông Nguyễn Hải Khôi, Giám đốc đầu tư Digiworld lý giải về khoản đầu tư vào Vietmoney. Theo ông Khôi, Vietmoney là công ty cung cấp giải pháp tài chính cá nhân và sẽ liên quan đến mảng tiêu dùng mà Digiworld đang nắm giữ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về lợi thế cạnh tranh giữa Vietmoney và các chuỗi cầm đồ khác trên thị trường, ông Đoàn Hồng Việt nhận xét, về mô hình kinh doanh, Vietmoney không có gì độc đáo, nhưng lại khiến ông “nhìn thấy hình ảnh của mình 15 năm trước, trẻ trung, nhiệt huyết, chân thành”. Đối với ông Việt, con người là quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp; sự chân thành, nhiệt huyết của đội ngũ sáng lập sẽ quyết định thành công, tạo nên sự khác biệt của Vietmoney so với các đối thủ khác.

Theo số liệu thống kê của FiinGroup, có khoảng 48% dân số Việt Nam có thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng, tức dưới 7 triệu đồng/tháng) và đây là đối tượng khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.

Ước tính, ở Hà Nội hiện có khoảng 2.000 cửa hàng cầm đồ, ở TP.HCM có khoảng 2.500 cửa hàng cầm đồ, trong đó có một số chuỗi lớn như F88, Vietmoney, Người bạn vàng (đối tác của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận)…

Tại Việt Nam, dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật. Nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn xảy ra biến tướng và có tác động tiêu cực đến xã hội. Nhiều chủ tiệm cầm đồ thừa nhận, kinh doanh cầm đồ dễ trở thành “sân sau” của tín dụng đen, hoặc trở thành nơi tội phạm tiêu thụ, cầm cố tài sản vi phạm pháp luật.

Thời gian gần đây, ngành dịch vụ cầm đồ trở thành lực hút lớn với sự tham gia tích cực và mở rộng thị trường của nhiều tên tuổi lớn, mà hầu hết đều có bóng dáng của nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn.

Đơn cử, các cổ đông của Hệ thống cầm đồ T99 đều đang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các công ty ở Việt Nam, trong đó có ông Bang Min Kyu, Tổng giám đốc UST Vina và ông Simon Chadwick Jinks, quốc tịch Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mỹ Việt. Hay với F88, sau khi Mekong Capital và Granite Oak đầu tư, Ban lãnh đạo công ty này đặt kỳ vọng đến năm 2023, F88 sẽ trở thành “tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số 1 Việt Nam, với 1.000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc”.

Vì vậy, việc rót vốn vào Vietmoney không nằm ngoài toan tính của ông Việt cùng Ban lãnh đạo Digiworld trong một “trận đánh” tổng lực hướng tới mục tiêu vốn hóa 1 tỷ USD.

Theo Báo Đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke