Điều lo ngại nhất của quỹ đầu tư là start-up tiêu tiền sai chỗ, duy trì “run way” không dài
13:37 29/03/2021
Bên cạnh không ít start-up phải rời thị trường trong năm vừa qua, vẫn có nhiều start-up tăng trưởng nhanh trong đại dịch hoặc nhanh chóng chuyển đổi mô hình phù hợp hơn.
ThinkZone Ventures được sáng lập và dẫn dắt bởi những cá nhân từng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và tài chính.
Họ mang theo mình nhiều bài học, trong đó thất bại nhiều hơn thành công. Đội ngũ ThinkZone kỳ vọng từ những kinh nghiệm thực chiến của mình sẽ tạo ra các công cụ đầu tư đồng hành với startup, theo cách phù hợp nhất.
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn có cuộc trao đổi với ông Bùi Thành Đô, thành viên sáng lập/Giám đốc điều hành ThinkZone về định hướng hoạt động Quỹ cũng như đánh giá sơ lược về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Vì sao ThinkZone lại chọn hướng tới hỗ trợ, đầu tư các start-up giai đoạn đầu (early stage)?
Vì đây là đối tượng chiếm phần lớn (trên 95%) trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam và thiếu rất nhiều nguồn lực để thuận lợi chèo lái “con thuyền” đi xa hơn.
Ở Việt Nam, có tới gần 100 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động, tập trung chủ yếu vào đầu tư trên 1 triệu USD trở lên.
Các quỹ đều lớn, khó để giải ngân phân tán quá nhiều thương vụ. Trong khi, các quỹ đầu tư giai đoạn sớm thì còn ít, chỉ khoảng 10 quỹ tập trung đầu tư đoạn này.
Đầu tư sớm đồng nghĩa với rủi ro cao, cần tìm nhiều start-up hơn để chọn lọc, đánh giá và thử nghiệm với các gói đầu tư nhỏ.
Thế nên, ThinkZone Ventures xây dựng chương trình ThinkZone Accelerator để đồng hành hỗ trợ start-up, tập trung vào một số giá trị.
Giá trị đó là gì, thưa ông?
Đầu tiên là đầu tư vốn ươm mầm từ 30.000 USD đến 500.000 USD từ ThinkZone Fund và các quỹ đầu tư đối tác hay các nhà đầu tư thiên thần.
Thứ hai, cung cấp gói tài trợ giúp giảm chi phí hoạt động hay phát triển sản phẩm, thị trường từ các tập đoàn lớn.
Thứ ba, tạo ra các chương trình đào tạo, tư vấn từ các chuyên gia “thực chiến” trong nhiều lĩnh vực.
Thứ tư, đồng hành giúp tìm kiếm nguồn lực đầu tư tăng trưởng ở serie A, B… từ mạng lưới Quỹ đầu tư đối tác lớn Open Space, VIG, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hoặc giúp kết nối hợp tác với các tập đoàn lớn như Viettel, Ecopark, GGroup,…
Có những thành quả nào nổi bật sau 2 năm ThinkZone hoạt động?
Chúng tôi đã đầu tư vào 9 start-up ở nhiều lĩnh vực như vận tải, giáo dục, công nghệ tài chính, dịch vụ gia đình, thương mại điện tử, công nghệ vật liệu… nổi bật như Emddi, Gimo…
Emddi là nền tảng quản lý điều vận taxi lớn nhất ở Việt Nam với 102 hãng taxi với 30.000 xe taxi đang vận hành ở 46 tỉnh.
Trong khi đó, Gimo là nền tảng tài chính hỗ trợ ứng lương 24/7 cho các công ty và người lao động.
Sau 10 năm hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp qua nhiều vị trí, ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam?
10 năm hoạt động ở hệ sinh thái khởi nghiệp, từ khi là sáng lập các start-up, cho đến điều hành các doanh nghiệp và giờ là quỹ đầu tư, thời điểm này, tôi và nhiều đồng nghiệp trong khu vực đều nhận định Việt Nam là điểm sáng hấp dẫn nhất trong nhiều năm tới để thu hút các nguồn lực đầu tư và nguồn lực nhân sự chất lượng cao cho các start-up phát triển.
Cơ sở nào để nhìn nhận “Việt Nam là điểm sáng hấp dẫn nhất trong nhiều năm tới để thu hút các nguồn lực đầu tư và nguồn lực nhân sự chất lượng cao cho các startup phát triển”?
Đại dịch Covid-19 là một điều mà không ai mong muốn xảy ra vì nó làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng và suy sụp nền kinh tế.
Có nhiều start-up phải thay đổi để thích ứng, nhưng đa số không kịp vì “start-up” đúng nghĩa thì đang thử nghiệm mô hình sản phẩm mới, trải nghiệm mới nên khi có thay đổi khiến họ càng khó trở mình.
Có thể đóng cửa luôn hay chuyển sang sản phẩm mới. Cũng không có gì lạ, start-up là thay đổi và tìm hướng đi mới mỗi ngày.
Nhưng cũng có nhiều start-up tăng trưởng rất nhanh trong dịch vì hành vi người dùng đã thay đổi nhiều.
Ví dụ, người dân hạn chế ra siêu thị mua đồ vì tiếp xúc nhiều, nên nhiều start-up về bán thực phẩm tươi sống trực tuyến phát triển nhanh như FoodHub, Tiki Foods…hay các trường học đều chuyển qua học online nên các start-up về dạy học trực tuyến cũng thuận lợi, khi phương tiện học tập và thói quen đã được thích ứng nhanh hơn, nhu cầu cũng thiết thực ngay.
Thế hệ ngày xưa thường nói, "trong nguy có cơ" và với start-up, đa số các bạn có sẵn sự nhanh nhẹn, thông minh, thích cái mới.
Thế nên, nhiều start-up bĩnh tĩnh và tìm hiểu xem: Cái gì đang thay đổi? Mình làm gì với thay đổi đó? Lợi thế mình có hay không? Sự thay đổi này sẽ diễn ra trong bao lâu hay chỉ trong giai đoạn rất ngắn?.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước vẫn còn không ít start-up bị “chín ép”, chưa tạo dựng được lượng khách hàng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm/ dịch vụ hay dùng vốn để mở văn phòng to, thể hiện sự bóng bẩy…?
Luôn luôn có. Ai cũng có tâm lý này. Nghèo quen rồi, khi có tiền không biết tiêu như nào.
Trong giới đầu tư mạo hiểm (VC) chúng tôi hay quan ngại nhất, kể cả với các start-up bắt đầu gọi vốn thành công serie A trở đi, là kinh nghiệm quản lý của đội ngũ sáng lập có thích ứng được không?
Các bạn ấy đa số đều trẻ, số ít kinh qua nhiều quản lý doanh nghiệp, nên đa phần chưa quản lý công ty lớn bao giờ.
Nhân sự tăng lên, vốn tăng lên, nên các bạn bị “ngợp”, tiêu tiền sai chỗ, duy trì “run way” không dài.
Việc này, các nhà sáng lập cần tìm những quỹ đầu tư kinh nghiệm, không chỉ đầu tư tiền, mà còn đầu tư kiến thức, đồng hành giúp nâng cao năng lực quản trị, nhất là đưa ra các trường hợp, ví dụ cụ thể có giá trị để tham khảo.
Chính ThinkZone cũng như “start-up”, cũng phải đi gọi vốn từ các nhà đầu tư. Vậy khó khăn mà đội ngũ ThinkZone phải đối mặt cũng như phải giải quyết trong hành trình này là gì?
Cũng có nhiều nét tương đồng lắm.
Fund I của ThinkZone thì vẫn còn để tiếp tục đầu tư ở phân khúc Pre-seed và Seed round.
Fund II thì hướng tới quy mô 30 triệu USD và đầu tư vào phân khúc Seed đến Serie A. Các nhà đầu tư vào Fund II sẽ là những đối tượng khác, thường là các tập đoàn lớn ở trong và ngoài nước hay các quỹ đầu tư theo kiểu “fund of funds” (quỹ của các quỹ -PV) ở nước ngoài.
Chúng tôi cũng làm việc, xây dựng kế hoạch không khác gì các nhà sáng lập đi gọi vốn vì quỹ đầu tư cũng là 1 mô hình kinh doanh với sản phẩm đầu tư cùng các thế mạnh riêng hướng tới đối tượng là các startup ở giai đoạn nào đó, hoạt động trong thị trường nào đó.
Chúng tôi cũng cần chứng minh cho các nhà đầu tư tin tưởng vào đội ngũ quản lý quỹ, tương lai của thị trường, những hiệu quả mà Fund I đã đạt được, vì đó là minh chứng rõ ràng nhất cho những gì mà ThinkZone đã làm.
Có rất nhiều lý do để các quỹ đầu tư từ chối rót vốn vào start-up. Theo ông, việc quan trọng nhất là đội ngũ sáng lập (hay lãnh đạo) công ty đó phải làm sau khi bị từ chối là gì?
Điều đầu tiên chắc chắn cần phải biết là bị từ chối vì lý do nào.
Bởi mỗi quỹ có khẩu vị khác nhau, không phải bị từ chối nghĩa là bạn đang đi sai, mà có thể quỹ đó không đầu tư với thương vụ có giá trị như như bạn đang gọi; Quỹ đó không đầu tư vào thị trường bạn đang phát triển; Quỹ đó không đầu tư vào start-up chỉ có một nhà sáng lập; Quỹ đó đã đầu tư 1 công ty là đối thủ của bạn…
Thật ra, có rất nhiều vấn đề, bạn cần cân nhắc trước khi gặp 1 quỹ đầu tư và cần nhận thức rõ ràng là sau khi gặp, họ đánh giá về bạn thế nào và họ có thể giúp gì cho bạn ngoài đầu tư tiền hay không.