Sunday, 24/11/2024

Điều gì xảy ra khi công ty công nghệ hợp tác với nhà xuất bản báo chí?

15:18 02/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Tập đoàn truyền thông lớn nhất Australia News Corp vừa đạt được thỏa thuận hợp tác với Facebook, đánh dấu bước đột phá mới trong giải quyết vướng mắc về trả phí sử dụng thông tin.

Vào giữa tháng Ba, tập đoàn truyền thông lớn nhất Australia News Corp thông báo đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Facebook, đánh dấu một bước đột phá mới trong việc giải quyết vướng mắc, liên quan tới việc trả phí sử dụng thông tin, theo luật Đàm phán Truyền thông vừa được Chính phủ Australia ban hành.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: AP/TTXVN

* Đại gia công nghệ nhượng bộ
Cuộc đối đầu giữa Facebook và Chính phủ Australia đã tạm khép lại với một kết quả tương đối khả quan.

Luật Đàm phán Truyền thông mới, quy định các công ty công nghệ lớn phải chia sẻ doanh thu sử dụng tin tức với các hãng truyền thông sở tại, được Quốc hội Australia thông qua ngày 26/2.

Trong khi, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ cũng đã hoàn thành việc gỡ bỏ ngăn chặn các trang thông tin của Australia trên nền tảng mạng xã hội Facebook và bắt đầu triển khai kế hoạch đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, một số nguồn tin bên trong ngành báo chí "xứ Chuột túi" tiết lộ các cuộc đàm phán diễn ra không hề êm đẹp.

Facebook yêu cầu bổ sung điều khoản "poison pill" (chiến thuật "viên thuốc độc" – chống thâu tóm doanh nghiệp) vào bản hợp đồng, khẳng định quyền được chấm dứt thỏa thuận hợp tác trong mọi thời điểm.

Điều khoản này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các công ty truyền thông Australia, vì được xem là mang lại lợi thế không công bằng cho đại gia công nghệ của Mỹ.
Trong bối cảnh nhiều ý kiến lo ngại về việc nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh không thực sự muốn đàm phán, thì bất ngờ tới giữa tháng Ba, tập đoàn truyền thông News Corp công bố đạt được thỏa thuận hợp tác thương mại với Facebook.

Một tập đoàn truyền thông lớn khác của Australia là Nine Entertainment cũng tiết lộ đang đi đến hồi kết của quá trình đàm phán và sẽ sớm tiến tới ký kết thỏa thuận với Facebook.
Theo thông tin từ tờ Sydney Morning Herald, "gã khổng lồ" công nghệ đã chấp thuận gỡ bỏ điều khoản "poison pill", thể hiện thiện chí hợp tác với các nhà xuất bản tin tức Australia.

Sau News Corp và Nine Entertainment, dự kiến Facebook cũng sẽ sớm đạt được thỏa thuận cùng một số tờ báo lớn khác như ABC, Guardian Australia, cũng như thúc đẩy việc ký hợp đồng cùng các hãng truyền thông nhỏ hơn, vốn đã hoàn thành ký ý định thư, như Seven West Media, Solstice Medi, The New Daily và Private Media, Crikey.

Một số nhà quan sát cho biết giá trị của các giao dịch mới không được tiết lộ, nhưng dự kiến sẽ cao hơn bất kỳ một thỏa thuận cung cấp tin tức nào mà các tập đoàn truyền thông Australia đã ký kết với những đối tác nước ngoài.

Cuộc đối đầu giữa Facebook và Chính phủ Australia đã tạm khép lại với một kết quả tương đối khả quan. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc điều hành của News Corp, Robert Thomson, chia sẻ thỏa thuận với Facebook là một bước ngoặt trong việc chuyển đổi các điều khoản thương mại cho lĩnh vực báo chí, tạo ra tác động và ý nghĩa đáng kể đối với các doanh nghiệp tin tức của Australia.

Tuy nhiên, liệu việc ký kết thỏa thuận thương mại cùng các đại gia công nghệ có đem lại niềm vui chung cho toàn bộ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ báo chí Australia hay không.
Trên phương diện vĩ mô, rõ ràng thỏa thuận thương mại sẽ đem lại nguồn thu đáng kể, nuôi sống các tòa soạn tin tức.

Bên cạnh nguồn tài trợ đến từ quảng cáo, được cho là thiếu ổn định và không liên tục, các thỏa thuận thương mại, đặc biệt là thỏa thuận cùng đại gia công nghệ toàn cầu, với mức giá trị lên tới hàng trăm triệu đô la mỗi năm, là nguồn doanh thu ổn định giúp các nhà xuất bản có thể yên tâm tập trung vào công tác chuyên môn, thay vì phải "bươn chải" tìm kiếm nguồn thu nhập thụ động, nuôi sống bộ máy hoạt động của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, Giáo sư Simon Wilkie, Hiệu trưởng Trường đại học Monash của Australia, người từng đảm nhiệm vị trí nhà kinh tế trưởng tại Ủy ban Truyền thông Mỹ, cho rằng các thỏa thuận hợp tác với những nền tảng mạng xã hội và tìm kiếm sẽ là "con dao hai lưỡi" của ngành công nghiệp truyền thông Australia.
Vị Giáo sư này nhận định các đại gia công nghệ thực hiện việc ký kết hợp tác với một số đầu báo lớn và nhỏ, nhưng không phải là tất cả. Một số tờ báo địa phương sẽ bị "đứng ngoài rìa" cuộc chơi.

Bằng chứng là mới đây nhất Tập đoàn truyền thông ABC của Australia đã quyết định không gia hạn hợp tác cung cấp thông tin cho tờ The New Daily, một chuyên trang tin tức của quỹ Hưu trí Australia, để tập trung vào hợp đồng với Facebook và Google.

Điều đó sẽ đặt tờ The New Daily vào một giai đoạn khó khăn mới, khi khó có thể tìm được nguồn cung cấp thông tin đầu vào phù hợp và đảm bảo hơn.
Nếu một trong những mục tiêu của Luật đàm phán Truyền thông của Australia là thúc đẩy môi trường báo chí vì lợi ích cộng đồng lành mạnh hơn, thì đây sẽ là một thiếu sót cần được giải quyết.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý khác nữa là các hợp đồng truyền thông ký với những nền tảng công nghệ lớn sẽ khiến các tờ báo quy mô lớn có khả năng "cướp" mất thị phần của các tờ báo nhỏ.

Nhờ có một lượng độc giả trung thành, đồng thời cũng là những người thường xuyên dùng mạng xã hội và Internet, các hãng truyền thông lớn sẽ thu được thị phần nhiều hơn sau khi thực hiện liên kết với những công ty công nghệ, trong khi thị phần của những hãng tin tức nhỏ hơn sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Nếu trường hợp này xảy ra, mục tiêu của quy tắc thương lượng bắt buộc theo Luật Đàm phán Truyền thông sẽ không được đáp ứng. Đó là đem lại sự công bằng cho tất cả các đơn vị báo chí và truyền thông sở tại.
* Sự phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ
Không chỉ thực hiện việc ký kết hợp tác cùng các công ty truyền thông Australia, Facebook sắp tới cũng sẽ mở rộng việc hợp tác chia sẻ thông tin cùng nhiều đơn vị báo chí thuộc các quốc gia khác nhau.

Kế hoạch đó nằm trong chương trình xây dựng kênh thông tin riêng của nền tảng mạng xã hội này, có tên gọi là Facebook News.
Ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg, ngày 24/2, đã thông báo sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực tin tức trong vòng ba năm tới, khẳng định việc đảm bảo chất lượng báo chí là trọng tâm của cách thức hoạt động trên các mạng xã hội mở, khi họ cung cấp thông tin và trao quyền cho người dân.
Tương tự, một đại gia công nghệ khác là Google cũng đã hoàn tất việc ký kết hợp tác với hàng loạt nhà xuất bản tin tức, từ Australia cho tới Pháp và mới đây nhất là Italy.

Công ty công nghệ khổng lồ Mỹ đã chính thức mở rộng hoạt động của nền tảng Google News, hướng tới việc tạo ra một khuôn khổ đồng nhất cho việc hợp tác cung cấp thông tin cùng các tòa soạn tin tức trên toàn thế giới.
Điều đáng nói là cùng với sự phát triển lớn mạnh của Google News, Facebook News và cả một số trang thông tin tổng hợp trên mạng xã hội khác như Bing của Microsoft hay Yahoo News cũng thuộc Google, xu hướng báo chí thế giới chắc chắn sẽ đón nhận nhiều sự thay đổi mới.
Thể loại tin tức nào sẽ được ưu tiên xuất hiện? Quyền định đoạt nội dung tin tức sẽ nằm trong tay các đại gia công nghệ thay vì các nhà xuất bản? ...Và cuối cùng liệu bạn đọc có thể vui mừng vì sẽ được truy cập nguồn thông tin miễn phí, hay sẽ phải trả phí cho các nhà cung cấp nền tảng mạng công nghệ thay cho các tòa soạn tin tức?

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

Thong ke