Đề xuất làm tuyến đường trên cao 30.000 tỷ đồng tại TP.HCM: Chuyên gia và người dân nói gì?
16:26 26/05/2021
Trước thông tin đề xuất làm đường trên cao 30.000 tỷ đồng tại TP.HCM, người dân thành phố kỳ vọng dự án sớm thực hiện, còn các chuyên gia nhận định, cần phải tính toán một cách hệ thống để tạo thành mạng lưới liên kết nhằm giảm bớt áp lực giao thông nội đô và tránh phá vỡ mỹ quan đô thị.
Cần nghiên cứu kỹ để tránh phá vỡ mỹ quan đô thị
Tuyến đường trên cao vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng kết nối khu Nam TP.HCM với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dài 14,1km, 4 làn xe được đề xuất thực hiện bằng cách ghép 3 đoạn của 3 tuyến trên cao khác nhau, thời gian thi công dự kiến 5 năm, thu phí sẽ hoàn toàn tự động.
Đơn vị đứng ra đề xuất và nghiên cứu dự án này là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, điểm đầu tuyến tại nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh (quận Tân Bình) và kết thúc ở đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Trên lộ trình, tuyến chạy dọc các đường Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường CMT8) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn.
Thông tin từ CII cho biết, công trình được đơn vị nghiên cứu từ việc ghép các phân đoạn của 3 tuyến trên cao khác có trong quy hoạch bao tuyến đường trên cao số 1, 2 và 3. Trong đó, đoạn 1 trùng hướng tuyến trên cao số 1, từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh đi dọc đường Cộng Hòa đến vòng xoay Lăng Cha Cả, dài 3,1 km (quận Tân Bình). Đoạn 2, theo hướng đường trên cao số 2, từ Lăng Cha Cả đến nút giao Bắc Hải - Thành Thái, dài 2,6 km (quận 10). Đoạn 3 theo hướng tuyến trên cao số 3, từ nút giao Bắc Hải - Thành Thái đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 8,4 km.
Ngoài ra, khi hoàn thiện các phân đoạn, cùng với việc đầu tư tuyến số 4, 5 sẽ tạo mạng lưới giao thông trên cao hoàn chỉnh. Những phân đoạn khác của tuyến số 1, 2 và 3 khi được xây dựng xong sẽ thu phí hoàn vốn giữa các nhà đầu tư và có thể tính theo số km đã áp dụng, không ảnh hưởng khai thác dự án mà đơn vị đang đề xuất.
Trong tổng vốn đầu tư thì phần xây lắp dự tính 14.500 tỷ đồng và nhà đầu tư sẽ chi trả, phần còn lại hơn 15.400 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, đề xuất dùng vốn ngân sách. Dự án được kiến nghị triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Khi hoàn thành, tuyến đường tạo nên trục giao thông đô thị Bắc Nam kết nối đường vành đai 2, liên kết giữa khu vực nội và ngoại thành, giảm áp lực giao thông khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn nhất, chỉnh trang đô thị khu vực nút giao Lăng Cha Cả (khoảng 4,9 ha, quận Tân Bình), cù lao Nguyễn Kiệu (khoảng 2,7 ha, quận 4).
Thông tin từ Sở GTVT cho biết, việc nghiên cứu đầu tư tuyến nói trên phù hợp định hướng phát triển hạ tầng giao thông tại thành phố. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên dự án này đầu tư theo hình thức BOT là phù hợp.
Có 2 phương án kêu gọi đầu tư các dự án đường trên cao, thứ nhất là giao Sở GTVT phối hợp các bên liên quan làm công tác chuẩn bị (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), đấu thầu chọn nhà đầu tư. Thứ 2 là Sở KH&ĐT hướng dẫn để nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP.
Theo quan điểm TS. Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Đại học Việt Đức) thì việc đề xuất làm đường trên cao này là hết sức cần thiết, bởi nhu cầu tại TP.HCM là rất lớn, hạ tầng giao thông đang chưa đáp ứng kịp thời.
TS. Vũ Anh Tuấn cho biết, đối với đô thị lớn hơn 10 triệu dân, cơ sở hạ tầng giao thông đang rất hạn chế. Nói về đô thị lớn là phải có các tuyến đường trên cao, tuyến tốc độ cao để kết nối các khu vực quận, huyện với nhau, kết nối từ ngoại ô vào trung tâm hay kết nối trực tiếp đến sân bây, bến cảng… Tuy nhiên, những hạ tầng như vậy tại TP.HCM gần như là không có. Nếu so với hạ tầng giao thông tại Hà Nội thì đã thụt lùi, còn so với các đô thị lớn ở châu Á thì đã quá lạc hậu.
“Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn, họ sẵn sàng bỏ thêm chi phí để được đi tuyến đường tốc độ cao, tiết kiệm thời gian, kết nối trực tiếp từ khu vực vùng ven vào trung tâm, sân bay… thay vì phải đi vòng vòng như hiện nay”, TS Tuấn cho hay.
Còn TSKH, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc chia nhỏ thành các phân đoạn để làm tuyến đường là rất thuận lợi bởi việc này sẽ giảm tác động đến quy hoạch của thành phố. Khi hoàn thành, tuyến đường này giúp việc tiếp cận đến sân bay Tân Sơn Nhất từ khu Nam thành phố thuận tiện hơn, cùng với đó cũng sẽ giảm bớt áp lực giao thông.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu dự án tiền khả thi phải có tính đồng bộ, tạo thành mạng lưới liên kết, tránh tình trạng làm xong lại càng kẹt xe hơn. Hiện nay, các tuyến đường khu vực sân bây đang quá tải, điểm đầu dự án là nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh cần kết hợp với các tuyến đường xung quanh làm giảm bớt lưu lượng giao thông.
Trước thông tin đề xuất làm đường trên cao 30.000 tỷ đồng, người dân cũng đồng tình nếu thành phố, doanh nghiệp triển khai hiệu quả bởi giao thông nội đô đang ngày càng quá tải. Trong khi đó, một số người lại có ý kiến rằng, cần phải làm một cách bài bản, nghiên cứu kỹ lưỡng tránh phá vỡ quy hoạch, mất mỹ quan đô thị…
Ông Đ.H.K (ngụ quận Tân Bình) cho biết, trước khi tiến hành làm thì cần phải nghiên cứu kỹ, tránh phá vỡ mỹ quan đô thị. Trong thành phố, mấy cây cầu vượt ở Cộng Hòa, Ngã 6 Gò Vấp cũng thấy rối rắm rồi, đường trên cao này sẽ đi qua hàng loạt tuyến đường, mỹ quan đô thị có thể bị ảnh hưởng, chưa kể đến việc làm mống cầu cũng chiếm diện tích, trong khi các con đường này vốn đã nhỏ.
Chị N.K.L (ngụ quận 7) thì cho biết, đây là dự án rất thực tiễn và cấp thiết và cần làm ngay vì ngày nào chị cũng đi qua những tuyến đường kẹt xe, ngập nước khi trời mưa lớn và triều cường.
Ý kiến từ anh Đ.L.Q (ngụ quận 9) thì cho rằng, khu trung tâm thì không nên phát triển đường cho giao thông cá nhân. Nên tập trung phát triển giao thông công cộng, dành tiền cho các tuyến metro để hoàn thiện mạng lưới sớm.
Hơn 15.000 tỷ đồng làm đường trên cao số 5
Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đã đề xuất nghiên cứu đầu tư đường trên cao số 5 (giai đoạn 1 từ nút giao Trạm 2 đến An Sương) với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức PPP.
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường trên cao số 5 có chiều dài 34 km. Quy mô mặt cắt ngang của tuyến là 31,5m, đi trùng với đường vành đai 2 (QL1) từ nút giao Trạm 2 (TP. Thủ Đức) đến nút giao An Lạc (quận Bình Tân). Trong đó, giai đoạn 1, đường trên cao số 5 từ nút giao Trạm 2 đến An Sương dài khoảng 21,5 km.
Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt cho thấy, đường trên cao số 5 (giai đoạn 1, từ nút giao Trạm 2 đến An Sương) thuộc danh mục các dự án đầu tư lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, với quy mô 4 làn xe. Đồng thời, đây cũng là một trong những dự án kêu gọi đầu tư trong năm 2021 của Sở GTVT.
Theo quy hoạch, TP.HCM có 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài gần 71 km. Thế nhưng cho đến nay, chưa có dự án nào được thực hiện. Ngoài tuyến số 5, thành phố còn có 4 dự án đường trên cao khác.
Cụ thể, tuyến số 1 dài 9,5 km, 4 làn xe, từ nút giao Lăng Cha Cả chạy dọc theo đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) - giao với Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Tại đây, tuyến tách một nhánh đi lên, nhánh còn lại kéo dài theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc trước cầu Phú An (phường 22, Bình Thạnh), gần metro số 1.
Tuyến số 2 dài gần 12 km, điểm đầu giao với tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - kéo dài dọc công viên Đầm Sen - rạch Bầu Trâu - Hương Lộ 2 kết thúc tại điểm giao QL1; Tuyến số 3 dài hơn 8 km, điểm đầu giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10) - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh; Tuyến số 4 dài 7,3 km, bắt đầu từ QL1 (giao với tuyến số 5) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật - Phan Chu Trinh rồi nối vào Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1.