Đề xuất đón khách quốc tế có 'hộ chiếu vắc xin', tại sao không?
19:23 18/07/2021
Trong tuần qua, một trong những sự kiện đáng quan tâm nhất là việc hàng loạt địa phương, doanh nghiệp đề xuất được đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Nếu được thông qua, Phú Quốc sẽ là điểm đón khách quốc tế đầu tiên, dự kiến trong tháng 8/2021 và trở lại thường xuyên vào tháng 10/2021.
Nói về lộ trình cho phép đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vắc xin", đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Về chủ trương, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thí điểm đón khách quốc tế "có hộ chiếu vắc xin". Nhưng để khách quan và an toàn, Bộ đang xin ý kiến các bộ ngành khác như: Y tế, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Thông tin và Truyền thông.
Mặt khác, do tình hình dịch covid đang diễn biến phức tạp nên việc đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" cũng được thực hiện cẩn trọng qua 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn đầu (3 tháng), Phú Quốc thí điểm đón khoảng 2.000-3.000 khách mỗi tháng, thông qua chuyến bay thuê bao; phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế trong một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn, dành riêng phục vụ khách du lịch quốc tế, do Bộ và tỉnh Kiên Giang chọn.
Giai đoạn hai (3 tháng), quy mô sẽ mở rộng từ 5.000 đến 10.000 khách mỗi tháng; có thể đón khách qua chuyến bay thương mại; mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách. Bộ dự định đón từ 25.000 đến 40.000 khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong 6 tháng thí điểm.
Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ: điều kiện khách quốc tế muốn đến Phú Quốc phải có chứng nhận đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 và được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi hai ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.
Khách có chứng nhận đã khỏi Covid-19, thời gian xuất viện không quá 12 tháng, cũng được phép nhập cảnh. Tất cả khách du lịch trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng phương pháp PCR-Realtime/ RT-LAMP trong vòng 72 giờ.
Để đảm bảo an toàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Kiên Giang sẽ lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tham gia đón khách quốc tế, theo tiêu chí bảo đảm an toàn dịch bệnh và chất lượng dịch vụ. Du khách cũng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành đã được lựa chọn.
Không chỉ riêng Phú Quốc, ngày 14/7, UBND tỉnh Khánh Hoà cũng có văn bản đề nghị thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" bằng các chuyến bay Charter (chuyến bay thuê trọn gói) đến tỉnh Khánh Hòa. Lộ trình thực hiện thí điểm bắt đầu từ tháng 8/2021.
Chỉ 2 ngày sau khi Khánh Hoà đề xuất, Tập đoàn FLC cũng kiến nghị với UBND tỉnh Bình Định cho phép đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” tới các khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn bằng các chuyến bay Charter.
Tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cho rằng: Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành, địa phương như Phú Quốc, Khánh Hoà đã bắt tay triển khai thí điểm mở cửa đón khách quốc tế trong nửa cuối năm nay, Bình Định có thể xem xét, tham khảo để lựa chọn phương án thí điểm phù hợp với tình hình thực tiễn, cũng như các chỉ đạo mới nhất của Chính phủ và các bộ, ngành về vấn đề này.
Liên quan đến sự phối hợp của doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án, FLC cho biết đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án thí điểm đón khách quốc tế tại Bình Định, cả về hạ tầng lưu trú cũng như vận chuyển hàng không.
Về mặt lưu trú, FLC Quy Nhơn được biết đến là quần thể du lịch 5 sao đầu tiên tại Bình Định. Quần thể toạ lạc trên quy mô 1.300 ha cùng hơn 70 tiện ích đồng bộ, khép kín, bao gồm 2.500 phòng khách sạn 5 sao, villa biệt lập, sân golf 36 hố, bể bơi riêng trong nhà, ngoài trời cùng gần 20 nhà hàng, quán bar đa dạng…
Với quy mô lớn, dịch vụ chuẩn 5 sao khép kín cùng chế độ 5K được áp dụng nghiêm ngặt trên toàn hệ thống, FLC Quy Nhơn được xem là một trong những cơ sở lưu trú cao cấp có thể đáp ứng đầy đủ các phương án thí điểm đón khách quốc tế hiện nay.
Về vận chuyển, Bamboo Airways đã và đang tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Phòng chống Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không Việt Nam và các cơ quan hữu quan về phòng chống dịch Covid-19 tại tất cả các giai đoạn: trước, trong và sau chuyến bay.
Mới đây, hãng cũng chính thức hợp tác với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) để đưa vào thử nghiệm chứng nhận sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass - yêu cầu quan trọng trong lộ trình khôi phục các đường bay quốc tế thời gian tới.
Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng: Đây là mô hình thí điểm nên để bảo đảm an toàn phải bắt buộc tiêm chủng cho ít nhất 70% dân cư và người lao động tại Phú Quốc từ tháng 7 đến tháng 9/2021 để đạt miễn dịch cộng đồng, bảo đảm an toàn cho việc đón khách quốc tế.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Kiên Giang và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2021.
Tại Thái Lan và nhiều quốc gia khác, mô hình thí điểm đón khách du lịch có "hộ chiếu vắc xin" đang được áp dụng để từng bước phục hồi kinh tế trong bối cảnh chiến lược tiêm vắc xin đang được triển khai rộng rãi trong thời gian tới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gợi ý, "dự kiến có thể đón khách từ các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Nga, Pháp. Đây là những thị trường khách truyền thống của Việt Nam và có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao".