Thursday, 21/11/2024

Đà Nẵng sẵn sàng hạ tầng thu hút doanh nghiệp công nghệ thông tin

16:09 10/02/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT), TP. Đà Nẵng xác định, đầu tư hạ tầng luôn phải đi trước, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông phải sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đầu tư hạ tầng

Theo số liệu Sở TT&TT Đà Nẵng, tính đến năm 2020, ngành công nghiệp ICT đóng góp 7,5% GRDP TP. Đà Nẵng, với 1.900 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính trong lĩnh vực CNTT; trong đó, có 7.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Doanh thu ngành CNTT tăng trưởng bình quân 20%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, xuất khẩu phần mềm tăng trưởng bình quân 25%/năm; trong đó, Nhật Bản (36%) và Mỹ (36%) là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Cùng với đó, Đà Nẵng còn là trung tâm nhân lực của miền Trung, thu hút kỹ sư từ 38 trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo đến từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với hơn 36.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT, trong đó 20.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng Lê Sơn Phong cho biết, một trong những lợi thế thu hút nhà đầu tư của Đà Nẵng là các cơ chế, chính sách về ứng dụng và phát triển CNTT tại thành phố được bổ sung, cập nhật đầy đủ, kịp thời và thường xuyên; hệ thống, ứng dụng an ninh mạng được khai thác, sử dụng hiệu quả trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. 

Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. 

Đồng thời, thành phố đang triển khai Đề án thành phố thông minh với lộ trình rõ ràng, kỹ lưỡng, được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, với 11 năm liên tiếp dẫn đầu Viet Nam ICT Index, WeGO Award 2014, ASOCIO Smart City Award 2019; một số ứng dụng thông minh nền tảng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả, đặc biệt các đơn vị, doanh nghiệp địa phương triển khai một số hệ thống ứng dụng thông minh mang thương hiệu Đà Nẵng (Made in Đà Nẵng).

“Quan điểm tham mưu của Sở với lãnh đạo thành phố là hạ tầng phải đi trước, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông phải sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Phong nêu rõ.

Có thể thấy, trong những qua năm, Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin khá đồng bộ, với việc quy hoạch rõ 2 vành đai phát triển: vành đai phát triển công nghệ cao ở phía Bắc; vành đai đổi mới sáng tạo ở phía Nam.

Khu công nghệ thông tin tập trung thứ 2 được Chính phủ công nhận của TP. Đà Nẵng, nằm ở vành đai phía Bắc, đã được đầu tư đồng bộ, sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu đến và làm việc; hiện đã có 3 nhà đầu tư đang hoạt động. Nơi đây không chỉ là không gian làm việc, mà còn được đầu tư đầy đủ tiện nghi, điều kiện lý tưởng cho cuộc sống. 

Doanh thu ngành CNTT tăng trưởng bình quân 20%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Đà Nẵng.

Hiện nay, thành phố đang kêu gọi đầu tư Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, diện tích 17ha tại quận Cẩm lệ, với mục tiêu phát triển các khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu sản xuất phần mềm, văn phòng, căn hộ, khu dân cư, biệt thự và các dịch vụ liên quan.

Đồng thời, thiết lập cổng quốc tế cho các trung tâm kết nối và lưu trữ dữ liệu với hạ tầng trạm trao đổi Internet hiện đại và Trung tâm Dữ liệu lớn, xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm kỹ thuật số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Tổng Giám đốc TrungnamGroup cho biết, trong năm 2021, tổng giá trị đầu tư tập đoàn tại khu vực Đà Nẵng đạt 2.579 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 845 tỷ đồng, trong quý 2/2022 tiếp tục nộp ngân sách hơn 402 tỷ đồng.

Trên cơ sở kế thừa các kết quả đạt được cùng với định hướng phát triển tập đoàn, Trungnam Group tiếp tục đầu tư, kinh doanh trong năm 2022 với kế hoạch 67.592 tỷ đồng trên các lĩnh vực: Năng lượng, Bất động sản, hạ tầng, xây dựng và công nghệ thông tin – điện tử , riêng tại khu vực Đà Nẵng với giá trị đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

“Đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng trong năm 2022, chúng tôi sẽ hiện thực hóa Dự án Data Center theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD; đưa vào vận hành tối thiểu 2 nhà máy sản xuất điện tử tại Khu Công nghệ thông tin tập trung;

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các nhà máy xây sẵn theo chuẩn quốc tế; đầu tư và phát triển khu R&D phục vụ cho nghiên cứu phát triển góp phần vào việc biến Đà Nẵng thành một trong những điểm kết nối hiệu quả trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia…”, ông Thảo thông tin. 

Năm 2022, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ hiện đại..

Thu hút các tập đoàn lớn

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (Ban Quản lý) cho biết, trong năm 2022, đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, Ban Quản lý sẽ tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới), F&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác.

Đồng thời, Ban Quản lý cũng chú trọng thu hút đầu tư các dự án lớn sản xuất hàng xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Không chấp thuận, tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường, thâm dụng lao động, đặc biệt các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.

“Về thị trường và đối tác, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (khối G7, OECD)”, ông Sơn thông tin. 

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cam kết hỗ trợ hết sức mình để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư có hiệu quả.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, đối với đầu tư trong nước, Ban Quản lý sẽ tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước; khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính và công nghệ từ người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực R&D, công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Tại lễ ra quân đầu năm và xuất xưởng lô hàng máy tỉnh bản đầu năm 2022 thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, năm 2022 sẽ hứa hẹn những điều khởi sắc, TP. Đà Nẵng sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức, sớm hoàn thành các dự án và triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất đột phá để góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

"Chúng tôi cũng xin kêu gọi tất cả các nhà đầu tư đã và đang đầu tư, các nhà đầu tư tiềm năng tiếp tục quan tâm, hướng về đầu tư cho Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng vẫn còn dư địa và còn nhiều tiềm năng lớn. Đà Nẵng cũng sẽ cam kết hỗ trợ hết sức mình để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư có hiệu quả”, ông Chinh khẳng định.

Theo Nhà đầu tư

https://nhadautu.vn/da-nang-san-sangha-tang-thu-hut-doanh-nghiep-cong-nghe-thong-tin-d63410.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke