Cuối năm, ô tô ‘quốc dân’ ồ ạt tăng giá tại Việt Nam
18:29 07/11/2022
Mazda CX-5, Kia Carnival, Hyundai Santa Fe, Toyota Fortuner… hầu hết các mẫu SUV, crossover hot nhất thị trường đều đã tăng giá trong giai đoạn này.
Không hẹn mà gặp, nhiều mẫu xe hot tại Việt Nam đồng loạt tăng giá trong giai đoạn cuối năm - thời điểm nhu cầu mua sắm của người dùng lên cao nhất.
Xe hot ồ ạt tăng giá
Đầu tháng 11, Toyota công bố tăng giá 11-42 triệu đồng cho mẫu SUV Fortuner. Cụ thể, các phiên bản lắp ráp trong nước gồm 2.4 MT, 2.4 AT, 2.8AT đã tăng giá 11 triệu đồng trong khi bản 2.7 nhập khẩu tăng giá 42 triệu đồng. Đáng chú ý, các bản nhập khẩu được tăng trang bị còn bản lắp ráp vẫn giữ nguyên thiết kế, trang bị cũ.
Tăng giá cho mẫu SUV hot nhất thị trường, Toyota vẫn được xem là “đến muộn” trong cuộc chơi tăng giá dịp cuối năm. Từ tháng 10, 2 thương hiệu lớn khác là Hyundai và Mazda cũng công bố tăng giá hàng loạt các mẫu crossover chủ lực của mình.
Với Hyundai, 3 mẫu xe được chọn tăng giá là Santa Fe, Tucson và Creta, áp dụng từ ngày 27/10. Trong đó, Hyundai Santa Fe bản máy xăng và máy dầu tiêu chuẩn tăng giá 25 triệu đồng, lên 1,055-1,155 tỷ đòng, bản cao cấp tăng 35 triệu đồng, lên 1,275-1,375 tỷ đồng.
Trong khi đó, Hyundai Tucson cũng tăng lần lượt 20 đến 35 triệu đồng cho các phiên bản. Giá mới của xe là 845 triệu – 1,055 tỷ đồng. Riêng mẫu SUV đô thị Creta được tăng giá 20 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn, đặc biệt còn bản cao cấp tăng 10 triệu đồng. Giá bán của xe giờ đây ở mức 640-745 triệu đồng.
Với Mazda, chiếc crossover hot nhất của hãng là CX-5 được điều chỉnh tăng giá 10-30 triệu đồng, lên đến 879-919 triệu đồng trong khi CX-8 tăng giá 20 triệu đồng từ đầu tháng 10/2022.
Không đứng ngoài cuộc chơi là thương hiệu Kia với mức điều chỉnh 10-40 triệu đồng cho Carnival, mẫu xe ghi nhận doanh số rất ấn tượng kể từ thời điểm ra mắt thị trường vào cuối năm ngoái.
Tăng giá nhưng không lo “mất khách”
Một điểm đáng lưu ý là đa số các hãng xe không đưa ra lý giải cho động thái tăng giá của mình. Chỉ riêng Hyundai, các đại lý cho biết xe tăng giá là do chi phí linh kiện tăng. Theo đó, các mẫu xe của hãng như Santa Fe, Tucson hồi giữa năm gặp rắc rối lớn về nguồn cung, dẫn đến không có xe bán cho khách. Cho đến nay, nguồn cung đã ổn định hơn nhưng mức giá của linh kiện lại tăng nên giá xe tăng theo. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng tăng, ảnh hưởng đến giá xe.
Có một điểm chung của các mẫu xe được tăng giá trong dịp này: đây đều là những mẫu xe rất hot, ghi nhận doanh số tốt trên thị trường. Thậm chí, một vài mẫu xe trong số này còn không có hàng để giao sớm cho khách. Muốn mua sớm, khách sẽ phải chấp nhận mua thêm phụ kiện như một hình thức “bia kèm lạc”.
Những màn tăng giá này cũng được đưa ra trong một giai đoạn khá nhạy cảm. Đa số hãng sản xuất đều khẳng định giai đoạn tháng 10 trở đi được xem là thời điểm sôi động nhất của thị trường ô tô khi nhu cầu mua xe của người dùng lên cao, phục vụ cho việc sắm sửa, đi lại dịp Tết.
“Dù tăng giá nhiều mẫu xe, các hãng gần như không lo ngại việc ảnh hưởng đến doanh số”, Ngọc Tuấn – người theo dõi thị trường ô tô Việt Nam chia sẻ.
“Khi chấp nhận chi hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng cho một chiếc xe yêu thích. Người dùng sẽ không vì việc nó tăng giá 20-30 triệu mà thay đổi quyết định của mình”, anh Tuấn nhận định. Thậm chí, theo anh Tuấn, việc tăng giá xe thậm chí còn gây hiệu ứng kích thích tâm lý cho người mua xe. “Nhân viên tư vấn sẽ trao đổi với khách kiểu như sau: xe ABC này giờ hot lắm, mới tăng giá rồi. Anh/chị không đặt sớm, từ nay đến cuối năm chưa chắc kịp nhận xe”.
Khan hàng, tăng giá dịp cuối năm cũng là hiện tượng thường xuyên xảy ra tại thị trường ô tô Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay việc tăng giá có vẻ được thực hiện sớm hơn, chủ động hơn trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Cũng không loại trừ khả năng từ nay đến trước Tết âm lịch, sẽ còn một vài mẫu xe khác rục rịch tăng giá, khi sức mua tăng cao với tất cả dòng xe.