Wednesday, 04/12/2024

"Cuộc chơi" với EU không chỉ là chi phí rẻ

18:25 06/12/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Việt Nam với khu vực hàng đầu thế giới về đầu tư ra nước ngoài, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) mang tới nhiều kỳ vọng về thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần xác định, “cuộc chơi” với các nước Liên minh Châu Âu (EU) không chỉ là chi phí rẻ mà còn nhiều yếu tố khác.

Những cam kết rộng mở trong EVFTA cả về thương mại và đầu tư sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư Châu Âu mở rộng đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Điều này vừa tạo ra thách thức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Châu Âu ngay tại sân nhà nhưng cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hợp tác, tăng cường chuyển giao công nghệ.

Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam có lợi thế giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại tọa đàm “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA” sáng nay (6/12), ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực Châu Âu. Trong năm 2021, kim ngạch hàng hóa của Việt Nam sang các nước khu vực EU đã đạt hơn 57 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 14% so với năm 2020, đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đã đạt được trên 57 tỷ đô la, tăng hơn 14%, xuất khẩu tăng hơn 23%.

EVFTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên khu vực Châu Âu. (Ảnh minh họa: BT)

“Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay không còn tập trung vào Đức, Pháp, Hà Lan như trước đây mà các nhóm hàng xuất khẩu đã đẩy mạnh tăng trưởng đều hơn vào các thị trường khác, trong đó có các thị trường ngách như khu vực Bắc Âu, Nam Âu, Đông Âu”, ông Đỗ Hữu Hưng cho biết.

Còn đối với thị trường nhập khẩu của Việt Nam trong 2 năm qua đã tăng rất nhiều ở nhóm thiết bị điện tử, linh kiện, nguyên liệu từ khu vực EU. Nhóm máy móc, linh kiện điện tử chiếm 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó nhóm hàng hóa máy móc, thiết bị đạt tỷ trọng trên 18%. Ngoài ra còn có các nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng đạt trên 10%, trong đó 8% là nhóm hàng các sản phẩm hóa chất.

Vậy các doanh nghiệp Việt đã tận dụng như thế nào các lợi thế của EVFTA cho vấn đề nhập khẩu?

Chia sẻ vấn đề này, ông Đỗ Hữu Hưng cho biết: “Theo chúng tôi tìm hiểu, khảo sát và trao đổi với các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức các hội đàm, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt EVFTA để nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu, để phục vụ cho chính quá trình sản xuất phục vụ xuất khẩu. Từ máy móc, thiết bị chất lượng tốt và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU, các doanh nghiệp đã tạo ra được các sản phẩm tăng được giá trị gia tăng, tăng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam”.

Đối với lĩnh vực thu hút vốn đầu tư, hợp tác, chuyển giao công nghệ từ các nước EU vào Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cũng cho rằng đây là một lợi thế.

Ông Dương phân tích: Thứ nhất, tình hình thu hút đầu tư tương đối tích cực. Qua số liệu cho thấy đầu tư đăng ký mới từ các nước EU vào thị trường Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. Sự gia tăng này không chỉ thể hiện ở tổng số vốn mà còn thể hiện ở quy mô trung bình của các dự án. Thống kê cho thấy quy mô vốn trung bình của các dự án đăng ký mới từ EU khoảng trên dưới 12 triệu đô la/1 tháng, là mức cao hơn so với trước khi có EVFTA.

Điều này cho thấy bước đầu EVFTA đã giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị sau khi ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, là định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài gắn với việc sàng lọc và tập trung thu hút các dự án có chất lượng.

Thứ hai là nguồn vốn bổ sung từ phía EU. Nguồn vốn này không chỉ dành nguồn vốn đầu tư mà còn hỗ trợ từ kênh chính phủ với chính phủ. Các chính phủ của EU cũng đã có những hỗ trợ về kỹ thuật của Việt Nam nhằm đáp ứng nâng cao năng lực, đáp ứng những tiêu chuẩn về cả thương mại và đầu tư mà phía EU cần.

“Chúng ta thấy thời gian vừa qua dư luận đang nói rất nhiều câu chuyện về “thẻ vàng”. Đến thời điểm này thì Việt Nam vẫn đang tiếp tục trao đổi với phía EU để tháo gỡ vấn đề này. Thế nhưng từ phía Việt Nam, từ nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp, chúng ta đều hiểu rằng, cuộc chơi với EU không chỉ là chi phí rẻ mà còn là câu chuyện gắn với tiêu chuẩn, ý thức để phát triển bền vững. Và đó là nơi mà các dòng tiền của EU, các hỗ trợ của EU cũng đã giúp Việt Nam điều chỉnh hành vi trong kinh doanh”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Theo Lao động thủ đô

https://laodongthudo.vn/cuoc-choi-voi-eu-khong-chi-la-chi-phi-re-149641.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke